Con trai của bố:
Lần trước có nói đến tính khí như con gái của bạn Định, động một chút là khóc, đương nhiên như vậy thì không hay chút nào. Nhưng có phải con trai thì không được khóc không? Hôm nay bố con mình nói về chủ đề này nhé.
Từ xưa dân gian có câu: “đàn ông không khóc” và đó hầu như là yêu cầu cơ bản đối với cánh đàn ông chúng ta. Cho dù là một đứa trẻ còn nhỏ, khóc nhiều quá thì cũng sẽ bị người ta cho rằng sẽ không làm nên trò trống gì cả. Làm như vậy cố nhiên sẽ có thể bảo vệ được sự kiên cường, dũng cảm hình tượng của “cánh mày râu”, nhưng xét từ góc độ sức khỏe mà nói thì “cưỡng chế” nước mắt không cho chúng chảy ra ngoài là có hại cho sức khỏe.
Có những nghiên cứu đã chứng minh, nước mắt của con người là một dịch thể trong suốt có tính kiềm nhẹ, trong đó có 98% là nước còn 2% còn lại là protein, magie, chất béo, muối vô cơ và globulin miễn dịch. Nước mắt vừa có thể giữ và duy trì độ ẩm ướt bề mặt của nhãn cầu, lại có thể bảo vệ độ trong suốt của giác mạc, còn có tác dụng rửa sạch và tiêu trừ những bụi bẩn nhỏ hay vi khuẩn chẳng may rơi vào mắt, và nó còn có tác dụng phòng tránh tổn hại cho đôi mắt. Đặc biệt một điều thật lý thú, thành phần của nước mắt chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố. Chẳng hạn khi mắt bị sự kích thích của hành, ớt khiến cho nước mắt chảy ra giàn giụa thì thành phần trong nước mắt lúc này lại không hề giống như thành phần của nước mắt khi đang khóc thật thảm thương. Con người ta khi khóc lóc thật thảm thương, thành phần trong nước mắt chảy ra lại chứa nhiều chất protein, chất protein lúc này lại có hại cho sức khỏe của con người, vì thế nó được mệnh danh là “nước mắt chứa độc tố”. Nếu như những độc tố này không được chảy ra ngoài thông qua nước mắt thì nó thật sự sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Đồng thời khóc lóc thê thảm cũng là một phương thức hiệu quả nhất, trực tiếp nhất, tốt nhất để giải tỏa những tâm trạng, tình cảm, cảm xúc không tốt của con người. Chính vì thế khi gặp phải những vấn đề nan giải, hay khi cảm thấy tổn thương, đau buồn hãy thoải mái khóc một trận cho thỏa thuê, như vậy không những có thể khiến cho những tạp chất có hại ở trong mắt bị cuốn trôi ra ngoài theo nước mắt mà còn có thể giúp cho con người ta khôi phục lại sự bình tĩnh, ổn định lại cảm xúc, giải phóng được rất nhiều áp lực và căng thẳng. Ngoài ra, những nghiên cứu cũng chứng minh, nhóm những người đàn ông thường xuyên kìm chế nước mắt tỉ lệ mắc bệnh viêm nhiễm cao hơn những người khác khá nhiều, điều này có thể có liên quan đến việc những độc tố không được bài tiết ra ngoài kịp thời.
Do đó, động tí là khóc tuy không phải là phong thái của con trai, nhưng những khi các con gặp phải chuyện đau lòng, muốn được khóc một chút cho thỏa lòng, thì các con cứ khóc nhé, không cần phải kìm chế, đáng khóc thì cứ khóc thôi! Chẳng phải đằng sau câu “Đàn ông không khóc” còn có câu: “Chỉ vì chưa gặp phải nỗi đau tột cùng” đó thôi.
Đương nhiên con trai lớn rồi mà khóc ồ ồ trước mặt mọi người thì đúng là hơi khó coi. Khi các con thật sự muốn khóc, tốt nhất hãy tìm một nơi kín đáo mà khóc, hoặc khóc thầm lặng một chút nhé! Ha ha.
Bố của con.