Con trai của bố:
Con rụt rè đến hỏi bố, có nhiều lúc, chẳng hạn sau khi con nhảy xuống bể bơi, tự nhiên con phát hiện thấy tinh hoàn của con “biến mất”, một lúc sau lại thấy nó xuất hiện. Con đã từng hỏi mấy người bạn cùng học, hầu như bạn nào cũng bị như vậy. Vì sao vậy nhỉ?
Thông thường tinh hoàn sẽ ngoan ngoãn nằm trong bìu dái, nhưng gặp phải thời tiết quá lạnh hoặc kích thích bất ngờ sẽ khiến cho phần da của bìu dái co lại, làm tinh hoàn từ bìu dái bị lôi tuột vào trong háng. Khi con nhảy xuống bể bơi, nhiệt độ nước bể bơi thấp hơn nhiều so với nhiệt độ cơ thể nên con mới thấy tinh hoàn đột nhiên “biến mất”. Sau đó khi cơ thể thích ứng với nhiệt độ nước, kích thích qua đi rồi, tinh hoàn sẽ trở về vị trí ban đầu của nó. Đó gọi là hiện tượng co tinh hoàn. Các con không cần quá lo lắng, thông thường khi con hoàn toàn trưởng thành hiện tượng này sẽ ít xảy ra hơn.
Tuy nhiên nếu trong hoàn cảnh, điều kiện bình thường mà không thấy tinh hoàn trong bìu dái, thì con có lẽ đã bị mắc chứng tinh hoàn ẩn.
Khi còn là thai nhi, tinh hoàn của con trai nằm ở vùng bụng dưới, cho đến tháng thứ 8, đa số tinh hoàn của con trai bắt đầu di chuyển xuống phần bìu dái, vì thế phần lớn con trai đều có tinh hoàn nằm trong bìu dái. Nếu sờ nhẹ bìu dái, không thấy hai viên tinh hoàn, thì có nhiều khả năng bé trai đó bị chứng tinh hoàn ẩn. Đa phần những bệnh nhân mắc chứng tinh hoàn ẩn đều có tinh hoàn nằm ở phần háng, không chịu xuống bìu dái, một số ít bệnh nhân lại có tinh hoàn nằm trong khoang bụng. Đối với những bệnh nhân mắc chứng tinh hoàn ẩn, vì tinh hoàn không chịu xuống bìu dái nên cũng thường có sự phát dục muộn, dậy thì muộn, xuất hiện hiện tượng hai viên tinh hoàn không cân xứng. Đương nhiên, đây có lẽ cũng là một trong những chứng bệnh bẩm sinh, cũng có thể là bệnh thứ phát khiến người bệnh phát dục dị thường như thế, thậm chí có người thiếu hẳn một hoặc cả hai bên tinh hoàn.
Chúng ta cũng đã biết nhiệt độ của bìu dái luôn phải thấp hơn nhiệt độ của cơ thể khoảng 10C, đó là nhiệt độ lý tưởng và cần thiết để cho tinh trùng trong tinh hoàn có thể sinh sản và phát triển. Nhưng nếu chẳng may bị mắc chứng tinh hoàn ẩn, tinh hoàn liên tục bị ẩn trong cơ thể không thể di chuyển xuống bìu dái được, nhiệt độ cơ thể quá cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chức năng sinh lý của tinh hoàn. Những nghiên đã chứng minh, sau khi trẻ được 2 tuổi, nếu như tinh hoàn vẫn không chịu di chuyển xuống bìu dái thì sẽ gây nên sự tổn hại vĩnh viễn đến chức năng sản sinh tinh trùng của tinh hoàn. Giả dụ nếu cả hai bên tinh hoàn đều bị ẩn thì rất có thể mắc bệnh vô sinh sau này. Ngoài ra, tinh hoàn ở trong háng sẽ rất dễ bị tổn thương, hơn nữa bệnh nhân bị mắc chứng tinh hoàn ẩn sau này có tỉ lệ ung thư tinh hoàn cao hơn người bình thường gấp mười mấy lần.
Vì vậy, một khi phát hiện tinh hoàn bị ẩn thì phải gấp rút tìm cách chữa trị, cố gắng hết mức để chức năng của tinh hoàn không bị ảnh hưởng dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Con thấy vấn đề nghiêm trọng chứ?
Bố của con.