80 Lời Bố Gửi Con Trai

Bức Thư Thứ 11: Con Trai Càng Dễ Bị Mọc Mụn

Con trai của bố:

Nói đến tuổi dậy thì khiến bố đây không khỏi nhớ về một quá khứ “bi thảm” – mọc đầy mụn trứng cá. Các nghiên cứu đã chứng tỏ, mụn trứng cá có liên quan đến yếu tố di truyền… Híc híc, bố cảm thấy cần phải nói trước với con để con chuẩn bị tâm lý!

Mụn trứng cá còn được gọi là "đèn pin", ngoài mọc ở trên mặt nó còn mọc ở lưng, vai. Mụn trứng cá bắt đầu mọc khi cơ thể bước vào tuổi dậy thì.

Phần dưới da của con người có tuyến bã nhờn, có nhiệm vụ tiết ra chất nhờn để bảo vệ tính đàn hồi và sự trơn láng của bề mặt da, da mặt là nơi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh nhất. Bước vào tuổi dậy thì, tuyến sinh dục dần hoàn thiện và bắt đầu sản sinh ra hormone giới tính càng kích thích tuyến bã nhờn tiết ra nhiều chất nhờn hơn. Khi chất nhờn quá nhiều ứ đọng trong các ống dẫn chất nhờn và tụ lại trong các nang lông một thời gian dài, sau đó chúng cùng hòa lẫn với những tế bào và bụi bẩn xung quanh miệng nang lông, khiến miệng lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Song song với đó, việc chất nhờn tiết ra quá nhiều, khiến cho các lỗ chân lông biến thành môi trường giàu axit béo tự do, các vi trùng, vi khuẩn ẩn sẵn trong các lỗ chân lông bỗng nhiên có điều kiện sinh sôi, thêm vào đó lỗ chân lông bị tắc gây nên thiếu o-xy, càng thuận lợi cho sự sinh trưởng của các vi trùng, vi khuẩn, chính vì thế đã kích thích cho cục bộ nang lông bị viêm nhiễm, cuối cùng dẫn đến xuất hiện “đèn pin”.

Hơn nữa, tuyến bã nhờn và hormone giới tính có liên quan với nhau. Hormone giới tính sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của tuyến bã nhờn, khiến cho chất nhờn của tuyến bã nhờn tiết ra nhiều hơn, lỗ chân lông bị tắc nghẽn khiến cho mụn phát triển. Và vì hormone giới tính trong cơ thể con trai nhiều hơn con gái, nên da của con trai sẽ thô ráp, nhờn và dễ "đổ mồ hôi dầu" hơn con gái. Thời kỳ dậy thì cũng chính là lúc hormone giới tính của con trai tiết ra nhiều nhất, đó nguyên nhân để “đèn pin” xuất hiện ở con trai nhiều hơn con gái.

Vậy những người nào thường dễ có "đèn pin"? Một mặt, mụn là do gen di truyền. Nếu bố mẹ đều là da dầu thì da của con họ nhiều khả năng cũng là da dầu, đồng nghĩa với việc nguy cơ mọc mụn cao hơn người khác (thật xin lỗi, tỉ lệ bị mụn của con trai bố cao hơn những bạn khác rồi). Mặt khác, mọc mụn và ăn uống có quan hệ với nhau, những thực phẩm từ mỡ động vật hoặc bơ, thực phẩm chiên rán… sẽ thúc đẩy tuyến bã nhờn tiết ra nhiều chất nhờn hơn, khiến tình trạng mụn khó kiểm soát hơn. Những thức ăn nhiều gia vị cay nóng và các chất kích thích có cồn cũng là nguyên nhân khiến lỗ chân lông nở to ra kích thích tuyến chất nhờn làm việc nhiều hơn, mụn mọc sẽ nhiều hơn. Những đồ ăn ngọt mà giới trẻ rất thích như bánh gatô, sôcôla, các loại kem… cũng là một trong những nguyên nhân khiến mụn mọc nhiều thêm, vì thế cần phải hết sức chú y khi ăn uống. Ngoài ra áp lực công việc, cuộc sống, học hành quá lớn, thức đêm, lao lực nhiều khiến cho tuyến thượng thận phải tiết ra nhiều Cortisol hơn để giảm stress, Cortisol cũng tương tự như hormone giới tính, nên cũng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của tuyến bã nhờn, làm cho mụn trứng cá xuất hiện.

Thời kỳ dậy thì vốn dĩ là thời kỳ để ý thể diện, chú ý đến hình tượng của bản thân nhất, chính vì thế mà những đám mụn đáng ghét trở thành vấn đề đau đầu với nhiều người. Thật ra mọc mụn trong tuổi dậy thì là một hiện tượng rất đỗi bình thường, hầu như ai cũng phải trải qua một thời kỳ như vậy, hoặc ít hoặc nhiều trên mặt đều có thời kỳ “nở hoa” rực rỡ, ai cũng giống nhau mà thôi… Hơn nữa, những đám mụn ấy cũng không có ảnh hưởng gì xấu đến sức khỏe, cùng với sự hoàn thành quá trình phát dục trong tuổi dậy thì hàm lượng hormone giới tính dần trở về trạng thái bình thường, đám “đèn pin” đáng ghét đó sẽ tự nhiên biến mất.

Hình như bố đã có chút nói hơi quá: “nói thường dễ hơn là làm” - một khi là người trong cuộc, bản thân có muốn không để ý đến nó quả thực không hề dễ dàng…

Chào con, hẹn gặp lại con trong lá thư tới!

Bố của con.