7 Trò Chơi Tâm Linh

Trò Chơi Thứ 5: Chọn Lại Cha Mẹ Bạn

CHỌN LẠI CHA MẸ BẠN

"Chọn lại cha mẹ bạn" là tên của trò chơi thứ năm. Rất nhiều người khi mới nghe thấy tên của trò chơi này đều giật mình, cảm thấy khó chịu, thậm chí là phẫn nộ. Ăn nói kiểu gì thế này? Bố mẹ của tôi là những người cha, người mẹ tốt nhất trên thế gian này. Bắt tôi chọn lại cha mẹ ư, thế chẳng phải là bất nhân bất nghĩa, vô nhân đạo sao? Nếu để cho bố mẹ tôi biết tôi sẽ chơi trò chơi này thì nhất định họ sẽ mắng cho tôi một trận rồi đuổi tôi ra khỏi nhà ngay. Nếu một người trong ba mẹ bạn đã qua đời thì tiêu đề của trò chơi này sẽ khiến cho người ta cảm thấy hổ thẹn.

Ơn nghĩa với cha mẹ không biết đời nào kiếp nào mới trả hết, làm sao có thể tưởng tượng ra cảnh chọn lại bố mẹ? Nếu bạn vứt cuốn sách này đi thì tôi cũng chỉ còn biết thở dài. Trò chơi này quả là rất đáng sợ, nhưng xin hãy thông cảm cho tôi, tôi không có ý muốn mạo phạm bạn, cũng không phải vì muốn nổi trội mà đặt ra trò chơi này mà trên thực tế đây là "điều cấm" không thể không nói tới. Nó liên quan mật thiết tới sự mạnh khỏe của tâm hồn chúng ta.

Bạn sẽ nói, bố mẹ tôi rất tốt, sao tôi lại phải chọn người khác? Đây chính là "điểm tắc" mà chúng ta cần phải tháo gỡ trước khi chơi trò chơi này. Nếu câu hỏi không tìm được câu trả lời thì trò chơi sẽ trở thành vô ích.

Chúng ta có thể phê bình bố mẹ mình hay không? Về mặt lý luận thì tất cả chúng ta đều công nhận rằng có thể phê bình cha mẹ mình, cho dù họ có là vĩ nhân đi chăng nữa thì cũng có lúc sai, cũng có khuyết điểm. Không có bậc làm cha làm mẹ nào là người hoàn mỹ, chính vì vậy chúng ta hoàn toàn có lý do chính đáng để phê bình họ.

Nhưng trên thực tế có mấy người phê bình, góp ý bố mẹ một cách nhẹ nhàng, được bố mẹ vui vẻ tiếp thu, cuối cùng đạt được kết quả mỹ mãn. Tôi dám chắc rằng tỉ lệ này không cao. Có người sẽ nhớ lại cảnh cãi vã với cha mẹ, đối đầu với bố mẹ, thậm chí còn bỏ nhà ra đi. Nhưng đấy không phải là phê bình mà là phản kháng. Bạn đã bao giờ đứng trong vai trò của một người trưởng thành, nhìn nhận một cách khách quan những ưu nhược điểm, những khó khăn, được mất mà cha mẹ mình đã từng trải qua chưa? Phần lớn mọi người đều trả lời là chưa. Có thể cũng có người nói, đó đều là những chuyện đã qua. Chúng tôi chẳng có lý do gì để bàn tán về những chuyện trước đây của cha mẹ mình, nhất là sau khi họ đã qua đời.

Nhưng các nhà tâm lý học sẽ nói một cách nghiêm túc rằng, bạn hoàn toàn có lý do để làm như vậy. Bởi vì quá khứ vẫn đó không hề mất đi, nó vẫn tồn tại trong nơi sâu thẳm tâm hồn của mỗi chúng ta, vẫn thường ảnh hưởng tới mọi quy tắc hành vi của chúng ta, thao túng mọi cảm xúc vui buồn yêu ghét của chúng ta.

Nữ văn sĩ Quỳnh Dao của Trung Quốc đã từng viết một cuốn sách mang tên "Con đường tôi đi". Trong đó, kể lại một câu chuyện:

Sau khi cuốn tiểu thuyết "Phía ngoài cửa sổ" của Quỳnh Dao được ra đời đã nhận được sự đánh giá rất cao, thậm chí còn được đưa lên màn ảnh của nghệ thuật thứ bảy. Vào ngày công chiếu phim thứ ba, bố mẹ của Quỳnh Dao đã tới rạp để thưởng thức tác phẩm của con gái mình. Sau khi xem xong, mẹ Quỳnh Dao nhìn bà không chớp mắt. Quỳnh Dao nhớ lại, bà nói rằng trên cuộc sống này sẽ không bao giờ có ánh mắt nào như thế nữa. Nó vừa lạnh lùng như băng giá, vừa sắc như lưỡi kiếm.

Không biết bao lâu sau, mẹ Quỳnh Dao mới hét lên: "Tại sao tôi lại có đứa con gái như thế này? Nó viết sách để mắng nhiếc cha mẹ vẫn chưa đủ sao, giờ lại còn làm thành phim để chê trách cha mẹ. Con có bản lĩnh như vậy thì sao không giết chết mẹ đi?" Quỳnh Dao liền vội vàng quỳ xuống, ôm lấy gấu váy mẹ, nước mắt đầm đìa.

Ngay cả người bố tâm lý nhất cũng không thể tha thứ cho con gái mình. ánh mắt ông cũng lạnh nhạt nhìn Quỳnh Dao như vậy. Ông nói: "Con sẽ phải hối hận vì chuyện này cả đời!". Lúc đó, đầu Quỳnh Dao trống rỗng, chỉ biết quỳ ở đó, khóc tới run người: "Con sai rồi! Con sai rồi! Con sai rồi!".

Mẹ Quỳnh Dao không tha thứ cho con gái mình. Bà tự hành hạ mình để dày vò, để đánh vào tấm lòng lương thiện của Quỳnh Dao. Bà lấy sự đau đớn về thể xác để đưa Quỳnh Dao đứng trước vành móng ngựa. Và một lần nữa, bà đã chiến thắng, bà đã buộc con gái mình phải cúi đầu khuất phục. Ngày hôm sau, bà bắt đầu tuyệt thực. Mọi người thay nhau mang thức ăn tới bên giường bà, cầu xin bà ăn dù chỉ một chút nhưng bà vẫn kiên quyết không, dù chỉ là uống một giọt nước. Đến sáng sớm ngày thứ tư, Quỳnh Dao bưng chiếc bát, quỳ bên giường mẹ, cầu xin bà ăn một chút thức ăn nhưng bà vẫn không thèm đoái hoài, nhắm nghiền mắt và không nói nửa lời. Đến ngày thứ năm, Tiểu Khánh, đứa con trai sáu tuổi của Quỳnh Dao quỳ trước giường của bà ngoại, nói: "Bà ơi, bà đừng giận nữa, cháu mời bà uống sữa!".

Mẹ Quỳnh Dao vẫn không thèm đoái hoài. Tiểu Khánh nói: "Bà ơi, nếu bà không ăn, mọi người sẽ không ăn, Tiểu Khánh cũng không dám ăn...".

Quỳnh Dao chịu không nổi, chạy lại và cùng quỳ xuống với Tiểu Khánh. Em gái Quỳnh Dao cũng tới bên và quỳ xuống, mọi người đều quỳ xuống. Cảnh tượng lúc đó vô cùng thê thảm. Lúc đó, mẹ Quỳnh Dao mới lau nước mắt và uống cốc sữa mà Tiểu Khánh đã cầm.

Cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã được giải quyết. Người Quỳnh Dao mềm nhũn, cùng Bình Hâm Đào tới Đào Trung xả stress. Vừa mới học lái xe, vẫn chưa lấy được giấy phép lái xe mà Quỳnh Dao đã phóng xe một cách điên dại, đoạn đường phải lái trong vòng ba tiếng đồng hồ mà bà chỉ lái trong vẻn vẹn hai tiếng. Bà đánh cược rằng Bình Hâm Đào cũng chẳng thể nào đi hết nửa chặng đường còn lại chỉ trong hai tiếng. Bình Hâm Đào phóng xe như bay và một kết cục đau buồn đã xảy ra, ba người trên xe bị tai nạn ô tô. Toàn thân Quỳnh Dao bị xước xát, em gái thì bị chảy máu lá lách còn chân phải Hâm Đào thì bị gãy...

Cậu chuyện vừa rồi khiến tâm trạng người đọc cảm thấy vô cùng nặng nề. Chúng ta thường nhớ về sự nhân từ của bố mẹ, nhưng trên thực tế thì những kỷ niệm đó thường đẹp hơn hiện thực.

Cha mẹ cũng có thể gây tổn thương cho con cái. Gia đình cũng có thể gây tổn thương cho mọi người.

Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta không biết cách phân biệt đâu là sự dạy bảo đúng, đâu là chưa đúng. Chúng ta ghi lại mọi lời nói, hành vi, thói quen, sở thích vào trong phần trống của bộ não. Họ là bề trên của chúng ta. Họ cho chúng ta quần áo, thức ăn, chỗ ở. Xét ở một khía cạnh nào đó chúng ta tiếp tục duy trì sự sống của mình nhờ vào tình yêu và sự ban phát của họ. Khi đó, với chúng ta, họ là bầu trời, là mặt đất. Chúng ta không thể phân tích, phản kháng hay xem xét về họ.

Bố mẹ bạn tạo nên con người bạn. Không biết từ lúc nào bạn đã trở thành một bản sao của họ. Khi chưa ý thức rõ ràng được mọi việc, bạn là cái bóng của họ. Có thể bạn không tán thành cách nói này. Nếu vậy, bạn có thể đặt cuốn sách này xuống, suy ngẫm về những con người, những sự việc xung quanh bạn. Bạn sẽ phát hiện ra rằng điều tôi vừa nói không hề vô lý chút nào. Mặc dù trò chơi này mang tên "Chọn lại cha mẹ bạn" nhưng trên thực tế, mối quan hệ giữa nó với chúng ta còn mật thiết hơn mối quan hệ giữa chúng ta với bố mẹ. Xét ở một khía cạnh nào đó thì nó giúp bạn chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng cho công cuộc "cải tạo" lại chính bản thân mình.

Trò chơi này không đánh giá sự hiếu thuận của bạn đối với cha mẹ, cũng không đánh giá sự kính trọng mà bạn dành cho cha mẹ mình. Tôi gần như dám chắc rằng, sau khi chơi xong trò chơi này, bạn sẽ hiểu hơn về cha mẹ mình để cảm thông hơn và gần gũi cha mẹ mình hơn.

Bạn đã sẵn sàng để tham gia trò chơi này chưa? Nếu bạn còn chần chừ thì

cũng không nên miễn cưỡng, chỉ cần giở sách bỏ qua phần này, chơi tiếp trò chơi sau là được.

Thời gian chuẩn bị cho trò chơi này khá lâu, nhưng mong bạn đừng sốt ruột.

Trò chơi này rất đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị một tờ giấy trắng. Khi thực hiện trò chơi này, bạn nên tạm lánh sự có mặt của bố mẹ, hay ít nhất là nằm ngoài tầm nhìn của họ. Cố gắng vứt bỏ cảm giác tội lỗi hay ngại ngùng.

Cuối cùng thì cũng đã tới lúc chúng ta chọn lại cho mình một người cha, người mẹ mới rồi. Trong mắt nhiều người thì đây là điều không nên làm, thậm chí còn hoang đường. Xin các bạn hãy giảm sự tác động của các yếu tố tình cảm tới mức thấp nhất để cho những suy nghĩ và sức tưởng tượng mặc sức tung hoành.

Phía trên tờ giấy, các bạn hãy viết dòng chữ "Chọn lại bố mẹ của xxx". Trong dấu "xxx"chính là tên của bạn.

Khi nhìn thấy dòng chữ này, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy không thoải mái. Đây là điều rất bình thường. Trước đó bạn chưa bao giờ nghĩ mình có thể cho cha mẹ mình lên bàn cân, cho họ "thất nghiệp"và tự tuyển lấy người cha người mẹ mới cho mình. Bạn cũng không nên nghĩ rằng mình làm như vậy sẽ có lỗi với cha mẹ mình, vì rốt cuộc đây cũng chỉ là một trò chơi mà thôi. Chơi trò chơi không chỉ là quyền lợi của con trẻ mà cũng là sân chơi tâm hồn không thể thiếu dành cho người lớn.

Sau khi hoàn tất các bước trên, mời các bạn hãy viết ra tên của người cha, người mẹ mà bạn sẽ chọn.

Cha:

Mẹ:

Họ có thể là bất kỳ người nào mà bạn quen biết, cũng có thể là nhân vật thần bí nào trong những câu chuyện truyền thuyết, có thể là một vị anh hùng hào kiệt, cũng có thể là cụ già nhà hàng xóm; có thể là vị hoàng thân quốc thích nào đó đã qua đời, cũng có thể là một người bình thường nào đó vẫn còn sống; có thể là một tuyệt sắc giai nhân, cũng có thể là một vị anh hùng; có thể là một loài động vật, một loài cỏ cây, cũng có thể là núi cao biển rộng; có thể là mặt trăng mặt trời, cũng có thể là một tấm lụa là; có thể là một nhân tài kiệt xuất, cũng có thể là một lương sơn hảo hán; có thể là hiệp khách giang hồ, cũng có thể là một người tầm thường; có thể là một bậc thầy vĩ đại, cũng có thể là một người bạn thân thiết".Nói tóm lại, bạn hãy mạnh dạn tìm cho mình một người cha, một người mẹ như mình mong muốn.

Lúc này bạn có thể chuẩn bị một chút rượu...

Nhưng nhớ là không được uống trước khi hoàn thành trò chơi nhé!

Tôi dám chắc rằng bạn sẽ cảm thấy vô cùng ngại ngùng. Mặc dù có nhiều lúc chúng ta không bằng lòng với cha mẹ mình nhưng khi thực sự loại bỏ hoàn toàn họ ra khỏi cuộc sống của mình, chúng ta sẽ có cảm giác vô cùng áy náy. Nhưng mong bạn hãy kiên định. Chỗ khó nhất của trò chơi nằm ở chính chỗ này. Nếu bạn đang nghĩ xem ai là người thích hợp nhất để làm cha mẹ mình thì xin chúc mừng bạn. Bạn đã vượt qua bước thứ nhất.

Ai sẽ thích hợp để làm cha mẹ bạn đây? Rất có thể bạn đã phải suy nghĩ rất nhiều nhưng xin bạn không cần phải khổ tâm như vậy. ý thức tiềm tàng của bạn cũng giống như nàng tiên cá dưới biển sâu, mỗi khi nhảy lên mặt nước đều để lộ ra cơ thể và chiếc râu của mình. Hóa ra nó không phải là nàng tiên cá, cũng không phải là mãnh thú. Về tên của người cha, người mẹ bạn chọn lại, cái tên đầu tiên hiện ra trong đầu bạn chính là sự lựa chọn của bạn.

Bỗng nhiên bạn cảm thấy không biết mình đang làm gì, phải không? Có thể do phạm vi lựa chọn quá rộng chăng? Rộng tới mức không thể tưởng tượng nổi. Chính vì vậy nó có thể xua tan mọi ưu tư của bạn. Điều này không thể hiện sự bất kính của bạn đối với cha mẹ mình mà chỉ là một quá trình tìm hiểu tâm hồn mình mà thôi. Có lẽ có người sẽ hỏi, có thể nhận những đồ vật vô tri vô giác như một hòn đá lạ hay nguyên tử làm cha mẹ mình không?

Việc bạn chọn vật thể gì làm cha mẹ mình đều không quan trọng (Xin lỗi vì tôi đã dùng hai từ "vật thể" khiếm nhã. Lý do chỉ vì tiện miêu tả mà thôi.) Điều quan trọng là:

Trong quá trình chơi, bạn có cảm giác được bù đắp những thiếu hụt về mặt tình cảm mà bao lâu nay vẫn dồn nén trong lòng. Bạn đang xây cho mình một thế giới mới của riêng mình.

Có một sinh viên đại học, nhà ở nông thôn. Bố mẹ cậu ta là những người dưới quê bần hàn. Khi chơi trò chơi này, cậu ta đã ước mẹ mình trở thành Marilyn Monroe còn cha mình là Càn Long. Đây là một ví dụ rất điển hình. Trước hết chúng ta cảm nhận được sự thẳng thắn và tin tưởng của họ đối với trò chơi này. Câu trả lời của cậu sinh viên này rất dễ nhận được những thái độ không tán thành và cười nhạo của mọi người mặc dù đó là mong muốn thực sự của một số người.

Tôi hỏi cậu ấy, trong "tự điển" của em thì Marilyn đại diện cho điều gì. Cậu ấy trả lời, cô ấy là người phụ nữ đẹp nhất và thời trang nhất mà em từng biết. Tôi nói, có phải em nghĩ rằng mẹ mình rất xấu xí và không thời trang không? Sau một hồi suy tư, cậu ấy nói, vâng. Người Trung Quốc có câu: "Con không chê mẹ xấu, chó không chê chủ nghèo". Em chê mẹ mình xấu là điều đại nghịch vô đạo. Từ trước tới nay em chưa bao giờ dám nói điều này với ai, nhưng quả thực là mẹ em rất xấu, khiến cho em từ nhỏ tới giờ cảm thấy rất xấu hổ. Em rất ghét bà. Từ khi em hiểu được thế nào là đẹp, là xấu, em không bao giờ đi cùng bà trên đường, kể cả một người đi trước, một người đi sau cũng không được. Sau này em lên thành phố học cấp 3, bà đến trường thăm em, bị em mắng một hồi nên đi về. Bạn bè hỏi em đấy là ai, em bảo đấy là một bà ăn xin em đã cho tiền, bà ấy nghĩ em là người tốt lại dễ lừa nên đến đây tìm em xin tiền... Khi nói ra những điều đó, em không hề đỏ mặt, thậm chí giọng nói còn rất hào hùng. Mẹ em xấu, khiến cho em cũng trở nên xấu xí, làm em không dám nhìn mặt mọi người. Bà có lỗi với em.

Còn bố em là một người vô cùng tầm thường, cũng khéo tay, cũng được một số ít người coi trọng. Trước đây em vẫn nghĩ mình có thể tự hào vì có người bố như vậy, nhưng sau này khi lên thành phố học đại học rồi em mới được mở rộng tầm nhìn, mới biết bố mình quá tầm thường. Nhìn bố của bạn bè, nếu không phải là những nhân vật quan trọng thường xuyên xuất hiện trên ti vi thì cũng là những đại gia tiền nhiều như núi. Người kém nhất cũng là giám đốc của một doanh nghiệp. Nếu công ty làm ăn không phát đạt thì cũng có xe công ty đưa đón con đi học. Em nghĩ, nếu coi xã hội như một tòa nhà cao tầng thì em chắc chắn sẽ nằm ở dưới tầng hầm để xe. Mà vị trí em đang đứng lại chính do bố em tạo nên. Cảm giác phẫn nộ đó đã ẩn chứa trong tâm hồn em từ rất lâu rồi, khiến cho em vừa tự ti, vừa vô cùng nhạy cảm. Em cố gắng hết sức nhưng không thể chấp nhận được sự không công bằng đó. Tính cách em vô cùng yếu mềm nhưng nhiều khi "tăng tốc" tới kỳ lạ. Em hôm nay phải lấy hết can đảm như của hai người cộng lại mới dám chơi trò chơi này. Người đầu tiên em nghĩ tới chính là Marilyn và Càn Long nên lập tức viết ra.

Tôi nói, cảm ơn em đã tin tưởng cô. Thực ra bố mẹ không thể thay đổi được nhưng điều chúng ta khám phá ra khi chơi trò chơi này chính là trạng thái tâm lý của mình. Trước tiên, cô muốn hỏi em điều này, nếu tên của người bố không phải là Càn Long mà là Đường Thái Tông hay Tony Blair thì em nghĩ sao?

Nghe thấy vậy, cậu ấy bật cười và nói, tất nhiên là được rồi ạ. Tôi nói, em muốn cha mình là tổng thống hay hoàng thượng. Đằng sau mong muốn này phán ảnh rất nhiều điều, em có cảm nhận thấy không?

Cậu ấy trầm tư suy nghĩ một hồi rất lâu, lâu như một thế kỷ rồi mới nói, em hiểu rõ cảm giác bực tức sẽ mãi mãi đi theo em xuất phát từ đâu. Em ngưỡng mộ địa vị và quyền lực, em hi vọng trở thành người của công chúng. Em thích cái đẹp và yêu tiền tài. Em coi trọng thân phận, yêu danh phận, em hi vọng được nhờ bóng quan lớn... Khi không có được những điều này, em oán trời oán đất, trách móc con người, tâm trạng luôn phấn khích, bực bội, nghĩ rằng đời này mình sinh ra đã phải chịu khổ. Chính vì thế em oán hận cha mẹ. Nhưng trong quan niệm của người Trung Quốc, chữ "hiếu" quá nặng, chính vì thế em không dám nói ra những điều tự đáy lòng mình. Những cảm giác hỗn độn này đan xen, chồng chéo lên nhau khiến cho lòng em không lúc nào yên. Mỗi lần gặp phải khó khăn trong công việc hay cuộc sống là em đều nhớ tới hoàn cảnh bất công của mình, nghĩ rằng dù cho mình có cố gắng thế nào thì cũng chẳng có tác dụng gì...

Nghe xong, tôi nói với cậu ấy, cảm ơn vì em đã rất thành thật. Nhưng việc này còn có thể nhìn theo góc độ khác, em đã bao giờ nghĩ tới nó chưa?

Lại một lần nữa, cậu ấy lặng im trong suy nghĩ. Sau cùng, cậu ấy nói, em biết điều đó là gì rồi. Bố mẹ em là những người rất tài giỏi, họ đã trải qua biết bao khó khăn để nuôi em khôn lớn trưởng thành. Em không được đẹp, nhưng chưa bao giờ họ có ý nghĩ từ bỏ em mà luôn dành cho em một tình yêu bao là và sự giúp đỡ vô bờ bến. Họ là những người thuộc tầng lớp tận cùng xã hội nhưng vẫn cố gắng hết sức nuôi em ăn học, cho em lên thành phố học đại học, mở rộng tầm nhìn và nâng cao tri thức. Họ biết rằng em chưa bao giờ tự hào về họ nhưng chưa bao giờ họ lạnh nhạt với em mà luôn yêu thương em hết mực. Đôi vai gầy yếu của họ đã nâng em trên bước đường đời, mở ra cho em biết bao hi vọng mà không mong được báo đáp. Việc em muốn họ trở thành Marilyn và Càn Long, theo đuổi cái đẹp và quyền lực là hành động tự ti, mất gốc...

Sau khi cậu sinh viên nói ra được điều này, tôi cảm thấy vô cùng cảm động. Cậu ấy đã ra về nhưng tôi nhìn thấy một sức sống mới mạnh liệt toát ra từ cái bóng thẳng thắn mà cương trực của cậu ấy.

Phải chăng, xét cho cùng, chúng ta không có quyền đòi hỏi ở cha mẹ. Đây là một vấn đề vô cùng nhạy cảm. Cách đây nhiều năm, tôi đọc được tác phẩm "Gia đình có thể làm tổn thương con người" do một nhà tâm lý học nước ngoài viết và cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Người ta vẫn thường nói gia đình là bến cảng hạnh phúc chứ chưa bao giờ nói gia đình có thể gây ra tổn thương cho con người. Chúng ta chỉ có thể nói đến những tình cảm ấm áp mà gia đình truyền cho mình chứ không bao giờ dám lên tiếng nói tới sự lạnh nhạt của nó với chúng ta. Chúng ta luôn hi vọng tiếp nhận nguồn sức mạnh từ gia đình chứ chưa bao giờ nghĩ rằng gia đình là một lỗ đen nuốt đi sức mạnh. Chúng ta chỉ nghĩ rằng những tổn thương về mặt tâm hồn do gia đình gây ra chỉ là điều hiếm có, mà không biết rằng đó là điều thường xuyên xảy ra...

Nếu không có những cuộc chiến tranh dữ dội, thì số người bị chết vì gia đình chắc chắn sẽ nhiều hơn số chiến trường. Xung quanh chúng ta có những dòng máu đang chảy, có những vết thương đang hở nhưng chúng ta không bao giờ nhìn thấy. Hay nói một cách thẳng thắn thì người đem lại những dòng máu hay những vết thương đó là cha mẹ chúng ta. Bạn có thể so sánh giữa cha mẹ mà bạn mong đợi với cha mẹ đẻ của bạn để thấy được những kỳ vọng được ẩn chứa rất sâu trong tâm hồn mình. Chấp nhận những ước mơ nguyện vọng đó không phải là điều sai trái. Nếu bạn viết ra tên một người phụ nữ rất dịu dàng thì chắc chắn bạn đang muốn "quét đi" những áp lực tinh thần mà bố mẹ bạn đã gây ra cho bạn. Nếu bạn viết ra tên một người anh hùng quyết đoán thì có lẽ bạn đang trách cha mình sao lại yếu mềm tới vậy. Nếu bạn viết ra tên của một diễn viên hài luôn nở nụ cười trên môi thì có lẽ cha mẹ bạn là người quá nghiêm khắc, không có khiếu hài hước. Bạn không muốn kế thừa những những đặc tính như không dễ dãi trong nói năng cười đùa, nói gì cũng chứa ẩn ý... mà bạn hi vọng được kế thừa tính hài hước, hóm hỉnh.

Mặc dù có rất nhiều giả thiết nhưng trong thực tế, bạn chẳng thể có được một phần nghìn những điều đó. Sự kỳ diệu của tâm lý là xóa bỏ mọi giả thiết, kỳ vọng và giải thích, nếm trải cảm giác đối mặt với tâm hồn mình.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là vô cùng mật thiết. Viện trưởng viện kiểm soát khu vực Hải Định, Trung Quốc, bà Thượng Tú Vân đã đích thân xét xử hàng trăm vụ án của trẻ vị thành niên. Bà cho biết, việc trẻ vị thành niên phạm tội là kết quả xuất phát từ cha mẹ chúng. Cứ trong bảy vụ án lừa dối của trẻ vị thành niên thì có tới sáu vụ án bắt nguồn từ sự thiếu thành thật của các bậc phụ huynh. Cứ mười bốn vụ ăn cắp cướp giật của trẻ vị thành niên thì có tới mười ba vụ án bắt nguồn từ thái độ coi tiền là trên hết, tham cái lợi trước mắt của các bậc phụ huynh. Trong mười lăm vụ án đánh nhau cố ý gây thương tích của trẻ vị thành niên thì có tới mười hai trường hợp có cha mẹ là những người bạo lực, thường đánh đập, quát mắng con cái.

Đối diện với những kỳ vọng của bản thân, vẫn còn rất nhiều điều cần phải điều chỉnh. Bạn có thể tìm thấy sở thích thẩm mỹ của mình từ những khác biệt về trạng thái, tướng mạo của cha mẹ mình. Từ trình độ văn hóa của cha mẹ, bạn có thể phân tích xem mình có quan niệm ham quyền quý hay tư tưởng yêu quyền lực hay không? Nếu khi chọn cha mẹ, bạn rất chú trọng tới tình hình kinh tế thì bạn có thể cảm nhận được thái độ của mình đối với tiền bạc. Nếu bạn coi trọng tính cách của cha mẹ thì phải chăng khi còn bé, bạn đã bị tổn thương về mặt tinh thần?

Cuộc sống là sự hợp thành của nhiều mối quan hệ. Phật giáo cho rằng, thế giới được tạo nên bởi duyên phận. Chữ "duyên" ở đây chính là mối quan hệ. Mọi sự vật đều có quan hệ, ví dụ như mối quan hệ giữa bạn với mục đích, với thức ăn, với khí hậu, với phương tiện giao thông... Đương nhiên mối quan hệ quan trọng nhất vẫn là mối quan hệ giữa bạn và những người xung quanh. Mối quan hệ giữa chúng ta với những người xung quanh thường phản ánh mối quan hệ giữa chúng ta với cha mẹ mình.

Nếu tâm hồn chúng ta không thể điều chỉnh lại mối quan hệ với cha mẹ thì sẽ không có cách nào để tạo ra những mỗi quan hệ lý tưởng khác trong cuộc sống.

Bố mẹ là những "cấp trên" đầu tiên của chúng ta. Bạn phải phục tùng họ, bạn phải nhận được sự tán thưởng từ họ, bạn phải học cách làm cho họ vui lòng thì mới cảm nhận được giá trị của mình và cảm thấy tự hào.

Hãy thử nghĩ xem, mối quan hệ giữa bạn với cấp trên đang lặp lại một cách vô tình hay hữu ý mối quan hệ giữa bạn với cha mẹ mình. Tôi quen một "giám đốc làm thuê" của một công ty nước ngoài. Anh ấy là người rất có chí tiến thủ, là một nhà lãnh đạo cốt cán, ngay lập tức anh ấy muốn trở thành người phụ trách của khu vực Đại Trung Hoa. Nhưng anh ấy tới tìm tôi để hỏi ý kiến. Anh ấy nói với tôi rằng, tôi đang chuẩn bị "nhảy" sang chỗ khác, làm lại từ đầu ở một công ty nhỏ. Mới nghe vậy, tôi cảm thấy rất khó hiểu, rốt cuộc anh ấy muốn điều gì? Nếu muốn tự mình làm chủ, tay trắng lập nghiệp, gây dựng cơ đồ thì còn là điều dễ hiểu. Đằng này anh ấy lắc đầu quầy quậy, nói nhất định đến công ty nhỏ làm "giám đốc thuê". Tôi nói, tôi vẫn không hiểu tại sao anh lại bỏ lại những ưu đãi hậu hĩnh và những cơ hội thăng tiến? Rốt cuộc anh muốn gì? Nhìn thấy vẻ mặt khó hiểu của tôi, anh ấy nói, nguyên nhân thực sự là anh ấy đang rất rối bời, không hiểu rốt cục sếp lớn có thích anh ta hay không?

Thấy vậy, tôi nói, không phải anh vừa nói với tôi sếp vừa tăng lương cho anh sao, lại còn giao cho anh giữ trọng trách. Như thế không phải đã nói lên rằng sếp rất quý mến anh sao?

Khi nói tới đây, tôi đột nhiên im lặng, nhận ra mấu chốt vấn đề. Khi người trưởng thành miêu tả về mối quan hệ với sếp, rất ít khi họ dùng từ "thích" vì chỉ có trẻ con mới muốn được người khác yêu mến. Vậy tại sao anh bạn này lại đặt nặng vấn đề sếp có thích mình hay không?

Sau khi trao đổi kỹ, anh ấy nói với tôi rằng, đây là lần thứ N anh ta thay đổi chỗ làm rồi. Mỗi lần đổi công ty đều vì nghĩ rằng sếp không ưa mình, chính vì vậy tự rút lui. Anh ấy cũng không hiểu tại sao mình lại làm vậy, không biết nên làm thế nào để thay đổi sự thực vô cùng kỳ lạ này. Anh ấy lớn lên trong sự tán thưởng và phê bình của người cha. Cha anh ấy là người thưởng phạt phân minh, nếu khen sẽ khen luôn, nếu chê trách sẽ chê trách ngay. Lớn lên trong môi trường như vậy nên sau khi đi làm, chỉ cần một hai ngày mà không được sếp khen thưởng là anh ấy lại cảm thấy bất an. Nếu qua một thời gian dài mà không nhận được những lời động viên thì tinh thần sẽ sa sút, sau đó trở nên đa nghi, sợ sệt. Đối với anh ấy, khen thưởng đã trở thành một loại thuốc kích thích. Chỉ cần được khen ngợi là mặt mày rạng rỡ, tinh thần phấn chấn. Nhưng nếu không nghe thấy những lời biểu dương, khen ngợi thì mặt mũi sẽ ủ rũ, sầu não.

Sau khi tìm ra căn nguyên của vấn đề, anh ấy trở nên thoáng hơn trong cách nghĩ. Hóa ra trong tâm hồn của một người đàn ông trưởng thành vẫn còn lưu giữ hình bóng của một cậu bé trước đây. Những ký ức thời thơ ấu khiến anh luôn coi sếp như cha mình, đưa mối quan hệ cha con vào mối quan hệ lãnh đạo -nhân viên trong công việc. Nếu không nhận được những lời tán thưởng thì sự lo lắng, sợ hãi khi còn nhỏ ngay lập tức hiện ngay trên gương mặt anh ấy. Để tránh bị người khác dồn vào thế hiểm, anh ấy đã chọn cho mình chính sách tự rút lui. Nhìn bề ngoài là "đá" sếp, nhưng thực ra là sự thiếu tự tin trong tâm hồn. Sau khi đã tháo gỡ được nút thắt, anh ấy dang rộng tay, nói từ ngày hôm nay tôi sẽ bắt đầu "trưởng thành". Tôi sẽ làm việc với thái độ của một người trưởng thành.

Mối quan hệ giữa chúng ta và cha mẹ có một sức mạnh khó miêu tả được, có thể giống như nhựa đường, ngấm sâu vào các mối quan hệ quan trọng khác từ lúc nào không hay biết.

Có một người phụ nữ lương thiện, trên mặt luôn nở nụ cười đi lấy chồng. Trước khi lấy chồng, cô ấy quyết tâm sẽ trở thành một người con dâu tốt. Vì yêu chồng nên cô ấy nguyện sẽ hiếu thuận với cha mẹ chồng - những người đã có công sinh thành và dưỡng dục nên chồng mình. Nhưng cuộc sống sau hôn nhân không ấm áp và đơn giản như cô ấy vốn nghĩ. Nụ cười không thể ngăn cản được sự thất vọng của mẹ chồng và sự cầu toàn của bố chồng. Cách giải quyết của cô con dâu nhỏ bé là nhẫn nhịn. Nhưng tới một ngày kia, cô không thể chịu được hơn, nụ cười đã biến thành nước mắt, cô tức giận đùng đùng một trận cho hả giận. Nhưng sự tức giận lại bị trách nhiệm của một người vợ, một người con dâu chặn lại. Cô bắt đầu cảm thấy hối hận, nụ cười lại rạng rỡ hơn thường, cô chăm chỉ làm lụng hơn, mua quà đắt tiền cho bố mẹ chồng. Lại một lần nữa cô phải đối mặt với sự trách móc và yêu cầu khắt khe, và một trận mưa bão lại bắt đầu. Người chồng bị kẹp ở giữa, cảm thấy ức chế vô cùng. Cô con dâu đến tìm gặp tôi, kêu trời kêu đất nói, cô ấy phải thay đổi tình trạng này, phải tự cứu mình, cứu chồng mình.

Sau một hồi trao đổi, cuối cùng chúng tôi nói tới mối quan hệ giữa cô ấy và cha mẹ đẻ của mình. Khi còn nhỏ, cô ấy rất ngoan, được bố mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Cô được sống trong tình yêu thương vô bờ bến. Cuộc sống của cô chỉ toàn màu hồng, ngày ngày nở nụ cười trên môi. Biết được những thứ mình có được đều nhờ vào nụ cười nên cô gái bé nhỏ đấy cười ngày càng tươi, cười ngày càng rạng rỡ. Đôi lúc cô gái bé nhỏ cũng cảm thấy buồn, những lúc như thế, cô không cười mà khóc một trận đã đời. Sau khi cơn giận nguôi ngoai, sau khi mưa trời lại nắng. Cô gái bé nhỏ đó ngày một trưởng thành, nhưng bản tính từ nhỏ của cô vẫn không hề thay đổi. Khi về nhà chồng, cô chủ quan coi cha mẹ chồng như cha mẹ mình. Cách mà cô đối xử với họ cũng giống hệt như cách cô đối xử với cha mẹ mình.

Cô ấy hỏi tôi, liệu cô ấy có thay đổi được không?

Tôi nói, câu trả lời không do tôi quyết định.

Nghe thấy vậy, cô ấy rất căng thẳng và hỏi, thế do ai quyết định?

Tôi nói, em là người thông minh như vậy, lẽ nào không tìm ra câu trả lời. Nếu vẫn là người chồng đó nhưng cho em quyền lựa chọn bố mẹ chồng thì em sẽ chọn bố mẹ chồng như thế nào?

Cô ấy nói, theo em, bố mẹ chồng lý tưởng là những người tâm lý. Nếu cho em chọn lại, bố chồng em sẽ là Hứa Tiên, còn mẹ chồng em sẽ là Tiết Bảo Thoa.

Tôi nói, em luôn cảm thấy buồn khổ vì mọi người không hiểu em. Liệu em có dám thắng thắn nói ra những điều mình nghĩ không? Nghe thấy tôi hỏi vậy, cô ấy tỏ ra lúng túng và nói, em cũng không biết nên nói thế nào. Em hi vọng mọi người đoán được ý của em. Nếu mọi người không đoán được thì em sẽ nhẫn nhịn và vẫn sẽ giả bộ ngoan ngoãn như vậy. Nếu mọi người vẫn không chịu hiểu thì em sẽ càng phục tùng họ ngoan ngoãn hơn, cho họ một thời gian, hi vọng họ sẽ hiểu lòng em. Nếu mọi sự cố gắng của em đều thất bại thì em sẽ nổi giận, trút bỏ mọi phiền muộn, ức chế bị dồn ép lâu ngày ra ngoài, bỗng chốc trở thành một người phụ nữ ghê gớm. Như thế, liệu có ai trách móc em không?

Tôi nói, sao em không nói ra ngay những lúc mình cảm thấy ấm ức.

Cô ấy trả lời, em không thể làm như vậy được. Em không quen làm thế.

Tôi lại nói, nếu em muốn thay đổi thì em hãy thử đi. Hứa Tiên và Tiết Bảo Thoa không thể nên duyên vợ chồng. Cho dù họ có nên duyên vợ chồng thì cũng không thể trở thành bố mẹ chồng của em. Nếu muốn cứu mình, em chỉ có thể tự dựa vào mình mà thôi.

Sau đó tôi không gặp lại cô ấy. Nhưng mỗi lần nhớ tới cô ấy, tôi đều hy vọng cô ấy biết cách tự cứu mình và tự cứu chồng mình.

Nếu bạn là bậc làm cha làm mẹ thì trò chơi này sẽ thôi thúc bạn kiểm tra lại tư chất làm cha làm mẹ của bạn. Ngày nay, làm việc gì cũng đòi hỏi có tư chất. Cho dù là kế toán hay luật sư, cho dù là nhân viên trực cầu thang máy hay người huấn luyện chó thì cũng cần phải được sự công nhận về chuyên môn. Nhưng kỳ lạ thay, sau khi kết hôn rồi lên làm cha làm mẹ lại không cần phải trải qua bất kỳ cuộc huấn luyện hay kiểm tra nào. Điều này chẳng phải quá linh động hay sao. Hi vọng rằng mọi nam thanh nữ tú trên thế gian này đều có những tư chất làm cha làm mẹ bẩm sinh.

Nếu bạn tự liệt kê ra hình mẫu những người cha, người mẹ lý tưởng cho mình thì hãy nghĩ xem, liệu bạn có phải là một người cha hay người mẹ lý tưởng không? Nếu câu trả lời của bạn là có thì tôi xin chúc mừng con bạn vì chúng tôi tin rằng con bạn sẽ có một quãng tuổi thơ tươi đẹp và một cuộc sống tràn đầy tự tin.

Một cụ già rất to lớn ngồi im bất động một hồi lâu. Thấy vậy tôi hỏi, bác đang nghĩ gì vậy ạ? Bác ấy buồn rầu nói, bố mẹ tôi đã mất nhiều năm rồi mà tại sao ở dưới suối vàng vẫn không được thanh thản? Tôi không chơi trò chơi này của cô đâu. Tôi sẽ không để cô được toại nguyện.

Tôi nói, bác ơi, trò chơi này không hề có ý mạo phạm tới bậc sinh thành của bác đâu. Thực ra nó chỉ là một trò chơi giúp bác tìm thấy thế giới tâm hồn mình thôi. Cháu mong bác đừng nghĩ rằng người già thì không cần phải kiểm tra hay khám phá tâm hồn mình. Thực ra thì khi càng lớn tuổi thì người ta sẽ càng trở nên giống cha mẹ mình. Ngay cả khẩu vị ăn uống, dáng đi, cách nói năng cũng rất giống cha mẹ mình. Đây không chỉ là do yếu tố di truyền mà còn là cách bác mô phỏng lại một cách vô tình những "mật mã" trong gia tộc mình mà thôi. Bác có muốn hiểu hơn về mình không? Bác có muốn cuộc sống của mình trở nên rõ ràng, tươi sáng hơn không? Khi mỗi người chúng ta sắp cận kề cái chết thì càng có nhu cầu tìm hiểu tâm hồn mình. Người sáng lập ra Công ty Giải trí Disney đã nói:

Nếu chúng ta không ngừng lớn thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ chết.

Khi nói câu nói này, ông ấy cũng đã không còn trẻ.

Sau một hồi suy tư, người đàn ông ấy mới bắt đầu trò chơi này. Chơi xong, ông ấy trầm tư nói với tôi rằng, trò chơi này khiến tôi nhớ tới cha mình. Thực ra tôi chưa bao giờ được gặp cha. Khi tôi còn trong bụng mẹ thì cha tôi đã qua đời. Chính bởi vì hoàn cảnh như vậy nên câu nói đầu tiên tôi được nghe là "Con phải phấn đấu để xứng đáng với cha con". Những lúc tôi vô tình cười thì mọi người đều nói, nhìn anh kìa, lúc cười trông giống hệt bố anh. Từ đó trở đi tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể nào cười khác đi, ngay cả đến độ mở của mình cũng giống với người cha mà tôi chưa bao giờ từng gặp mặt. Ngay cả khi ăn cơm, nếu tôi gắp món nào nhiều hơn một chút thì mẹ tôi sẽ nói, ôi trời, sao khẩu vị của con giống với bố con vậy. Tất cả chỉ có thể giải thích bằng hai chữ "huyết thống". Từ đó để làm mẹ mình vui lòng, ngay cả những món ăn mà mình không thích, tôi cũng cố giả vờ ăn một cách rất ngon lành.

Ông ấy kể tiếp, cuộc đời của ông chìm ngập trong cái bóng của người cha ông chưa bao giờ được gặp mặt. Ông nghĩ rằng bố mình đang ở trên trời và luôn dõi theo ông. Nếu nói những đứa trẻ khác cũng có lúc tránh được bố mẹ, tìm thấy được không gian tự do riêng thì ông đến một giây một phút tự do cũng chưa bao giờ có được. Bố ông đã qua đời, nhưng người chết lại sống trên thiên đường, họ có một sức mạnh vô hình khiến ông chưa có một ngày được sống thanh thản.

Ông nói rằng, người cha lý tưởng trong ông là "khoảng trống". Ông đã phải sống dưới cái bóng của cha mình suốt cả một đời. Ông muốn được giải thoát và tự do.

Tôi không biết câu chuyện vừa rồi có gợi ý gì với những độc giả lớn tuổi hay không? Bố mẹ chính là người thầy đầu tiên của con cái. "Thiết kế" lại hình tượng của họ cũng là cách nhớ lại và hi vọng hơn vào cuộc sống phía trước. Bắt đầu vào lúc nào cũng đều không có gì là muộn cả.

Nếu tên cha mẹ lý tưởng mà bạn viết ra chính là tên của bố mẹ đẻ bạn thì tôi xin chúc mừng bạn. Bạn khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ bởi tỉ lệ này không nhiều. Bạn là một số ít người hạnh phúc và may mắn. Nhưng hi vọng rằng sau khi chơi xong trò chơi này, bạn hãy về nhà ngay. Nếu cha mẹ bạn vẫn còn thì hãy ôm họ thật chặt đề cảm ơn họ. Còn nếu họ đã qua đời thì hãy ngẩng đầu lên cao, mỉm cười và tưởng nhớ về họ.

Hãy nằm lên ghế sô-pha và nghỉ một lát, giống như khi bạn hồi bé nằm trong lòng cha mẹ vậy".

Cuộc đời dài, tuổi trẻ ngắn, mọi sửa chữa trước cái chết là để sống tốt hơn.