7 Loại Hình Thông Minh

Chương 9. Đánh Thức Những Tiềm Năng Nở Muộn

Người ta sẽ không nhớ đến Conrad Ferdinand Meyer nếu ông qua đời vào tuổi bốn mươi. Khi còn là một đứa trẻ, ông bị bất ổn về tâm lý và thích cô độc. Khi lớn lên, ông chuyển hết việc này sang việc khác mà không có bất kỳ sự tập trung hay định hướng nào. Năm hai mươi bảy tuổi, ông phải vào viện tâm thần vì mắc bệnh hoang tưởng và luôn cho rằng "tất cả mọi người đều chán ghét mình". Lúc này, ông gần như đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình.

Sau đó, vào tuổi bốn mươi, mọi thứ đã thay đổi. Như Ernst Kretschmer, tác giả cuốn The Psychology of Men of Genius (Tâm lý thiên tài) viết: "Cho đến tuổi bốn mươi, ông vẫn gầy còm và ốm yếu như một bộ xương, và mãi đến sau bốn mươi tuổi râu ông mới bắt đầu mọc, hình thể của ông mới phát triển đầy đủ và hoàn thiện. Và cũng ở tuổi này, ông mới cho ra đời một tập thơ đầu tay". Ông tiếp tục viết trong hai mươi bảy năm tiếp theo và trở thành một trong những nhà thơ Thụy Sỹ được yêu thích nhất.

Tài năng thơ ca của Meyer quả là đáng chú ý bởi sự xuất hiện đột ngột. Nhưng nếu nhìn rộng ra thì câu chuyện của ông đã cho chúng ta thấy làm thế nào mà một khả năng còn tiềm ẩn trong nhiều năm như một mạch ngầm lại bất ngờ tuôn trào thành nguồn sức sống mạnh mẽ. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng như Meyer, hãy chờ cơ hội để thể hiện nó. Mỗi người trong chúng ta sở hữu những loại thông minh tiềm ẩn đang nằm ngủ im lìm tựa như hạt mầm mùa đông, chờ mùa xuân đến để nảy lộc. Chương này sẽ giúp bạn nhận dạng được tiềm năng nở muộn của bản thân và gợi ý các cách mà bạn có thể nuôi dưỡng và làm chúng đơm hoa kết trái trong chính cuộc đời bạn.

Tuổi ấu thơ, nơi khởi nguồn của những tài năng

Thời thơ ấu có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu nghiên cứu những tiềm năng nở muộn này. Carl Jung chỉ ra rằng: "Mỗi đứa trẻ là một tiềm năng tương lai... chính tâm hồn trẻ thơ mở đường cho một sự thay đổi về tính cách trong tương lai". Đối với Jung, điều này là hoàn toàn đúng. Khi gần bốn mươi tuổi, ông đã trải qua một thời kỳ chán nản, một phần do mối bất hòa với người thầy của mình là Sigmund Freud. Sau này ông viết, chính kỷ niệm thời thơ ấu đã giúp ông vượt qua cơn khủng hoảng này. Ông đã nhớ lại khả năng tạo nên những thành phố với mười hoặc mười một tòa nhà hay những lâu đài được xây từ đá và bùn lúc còn nhỏ của mình. Ký ức này mang trong nó một niềm cảm xúc mạnh mẽ. Jung viết: "A ha - tôi nói với chính mình - vẫn có sự sống trong những thứ này. Cậu bé ấy vẫn ở quanh đây và làm chủ một cuộc sống sáng tạo mà tôi đang thiếu".

Bởi vậy, ở tuổi ba mươi tám, một lần nữa Jung lại bắt đầu chơi đùa như một đứa trẻ trong giờ nghỉ ăn trưa sau những lần nghiên cứu tâm lý. Ông tạo ra những nền văn minh nhỏ bằng bùn và đá gần ngôi nhà bên hồ của mình. Về sau ông nói, bài tập hàng ngày này đã khơi nguồn tưởng tượng và khả năng nhìn nhận, giúp cung cấp nền tảng cho hầu hết những tác phẩm sau này của ông. Thật thú vị khi dường như chính sự thông minh về không gian và vận động thân thể mà Jung đã đánh thức từ thời thơ ấu lại giúp ông cân bằng khả năng ngôn ngữ của tuổi trưởng thành. Ông viết: "Sau này, khi gặp vấn đề khó giải quyết, tôi thường ngồi vẽ tranh hoặc đục đẽo những viên đá. Mỗi sự trải nghiệm như vậy chứng tỏ một sự tiếp cận nghi thức (rite d'entree) cho những ý tưởng và tác phẩm liền sau nó.

Tuổi thơ là mảnh đất đầu tiên xuất hiện bảy loại hình thông minh. Ngôn ngữ ban đầu của trẻ nhỏ luôn có tính nhạc. Những tưởng tượng không gian đầu tiên của trẻ thường kèm với một năng lực vận động về chúng. Ví dụ, một đứa bé hai tuổi có thể vẽ bức tranh con thỏ bằng cách đặt bút chì dọc tờ giấy theo những chuyển động ngắn. Còn về khả năng logic toán học, Jean Piaget chỉ ra rằng: trẻ dưới bảy tuổi có thể lý luận ở mức độ tự nhiên hoặc ở mức giác quan vận động. Trẻ nhỏ cũng có xu hướng kết hợp trong các hành vi của chung. Nghĩa là, chúng có thể thường xuyên nghe thấy màu sắc, nhìn thấy âm thanh và hòa hợp những cảm giác (và trí thông minh) với nhau theo những cách độc đáo và thú vị. Chúng ta có thể thấy trẻ đi trên đường, vừa nhảy múa, vừa ca hát, trò chuyện, kể chuyện, mơ mộng, tất cả đều cùng một lúc.

Ngoài sự phối hợp những hành vi và kinh nghiệm thì năng lực hay các ưu điểm cũng dần trở nên rõ nét. Một đứa bé sẽ thể hiện năng khiếu âm nhạc và khả năng tương tác cá nhân. Đứa trẻ khác sẽ chứng tỏ khả năng vận động và không gian. Gardner gọi những dấu hiệu ban đầu về năng lực trí óc này là những khuynh hướng và chỉ ra rằng tới một lúc nào đó, thông qua các yếu tố di truyền học và sinh vật học, chúng sẽ rõ nét dần; tuy nhiên, chính văn hóa mới đóng vai trò to lớn trong việc hình thành và định hướng chúng. Sử dụng danh mục kiểm tra dưới đây, tôi mong các bạn sẽ nhìn lại tuổi thơ của mình và nghĩ về trí thông minh mà bạn hứa hẹn sẽ bộc lộ nhiều nhất. Để nhớ lại ký ức của mình, bạn có thể chọn những thông tin cơ bản từ một vài nguồn dưới đây trước khi hoàn thành danh sách kiểm tra.

- Phỏng vấn: Nói chuyện với cha mẹ và người thân xem họ nhớ gì về các điểm mạnh nổi bật của bạn khi bạn còn nhỏ, ví dụ như biết đi, nói hoặc đọc sớm.

- Tài liệu: Đến những nơi bạn thường tới khi còn nhỏ, xem những bức ảnh từ thời ấu thơ, khơi lại những sự việc đáng ghi nhớ. Một cái trống đồ chơi, một găng tay bắt bóng, hoặc một dải ruybăng cất kín trên gác mái hay dưới tầng hầm có thể gợi lại tài năng mà bạn đã lãng quên.

- Giấc mơ: Ghi lại và nghĩ về những giấc mơ của bạn. Tìm kiếm những hình ảnh gợi nhắc về quá khứ. Những thứ này có thể gợi lại kí ức bị mất và chỉ ra con đường đến với những tiềm năng bị lãng quên.

- Chơi đùa: Quan sát trẻ con chơi đùa và chính bạn cũng hãy thử chơi đùa. Những trải nghiệm này có thể gợi nhắc lại rằng bạn đã từng là một người có khả năng điền kinh hoặc vẽ rất tốt, hoặc có một sự nhạy cảm đặc biệt với giai điệu âm nhạc.

Các loại hình thông minh thời thơ ấu

NGÔN NGỮ:

_Tôi dễ dàng nhớ những câu chuyện, bài thơ, sự kiện lịch sử hay các mẩu tin khác ở trường.

_Tôi là một người biết đọc sớm.

_Tôi thích làm thơ, viết thư hoặc truyện ngắn.

_Tôi rất hay nói.

_Tôi thích tra cứu mọi thứ trong bách khoa toàn thư hoặc từ điển.

_Tôi có rất nhiều cuốn sách ưa thích.

_Tôi biết nói sớm.

LOGIC TOÁN HỌC:

_Tôi thích chơi với các thiết bị hóa học hoặc các vật liệu khoa học khác.

_Tôi hiểu rất nhanh các khái niệm toán học ở trường.

_Tôi thích đếm mọi thứ.

_Tôi thường hỏi cha mẹ và giáo viên những câu hỏi như: làm thế nào trái đất lại chuyển động, hoặc tại sao sự vật trong tự nhiên lại hoạt động như vậy.

_Tôi thích xem những chương trình truyền hình giải thích các vấn đề khoa học hoặc đề tài tự nhiên như "Phù thủy", "Vương quốc hoang dã" hoặc những tập phim liên quan đến các thí nghiệm và các con số khoa học như Hàng xóm của ông Roger, Sesame Streei hoặc Thuyền trưởng Kangaroo.

_Tôi thích làm các thí nghiệm về nguyên nhân và kết quả trong khi chơi với những khối đá hoặc các đồ chơi khác.

_Tôi có xu hướng tìm kiếm những khuôn mẫu, quy tắc trong thế giới (ví dụ như nhận thấy rằng cứ ba bậc cầu thang lại có một vết khía hình chữ V...).

KHÔNG GIAN:

_Tôi thích viết nguệch ngoạc, vẽ và tô màu.

_Tôi đặc biệt thích thú với màu sắc.

_Tôi thích tìm cách tháo rời từng phần các đồ chơi, máy móc đơn giản và ghép chúng lại với nhau.

_Tôi thích xây những lâu đài bằng lá bài, lâu đài bằng cát hoặc chơi các bộ đồ chơi xếp hình, lắp ghép hoặc những nguyên liệu xây dựng khác.

_Hình ảnh trong giấc mơ của tôi rất sống động và đầy màu sắc.

_Tôi từng có khả năng nhắm mắt và mường tượng lại mọi vật trong đầu gần giống với vật thật ngoài đời.

_Tôi rất giỏi nhớ đường.

VẬN ĐỘNG CƠ THỂ:

_Tôi biết bò sớm hoặc biết đi sớm.

_Tôi thích những hoạt động thực hành như vẽ tô màu, nặn đất sét, và giấy bồi.

_Tôi là một đứa trẻ hiếu động.

_Tôi thích tham gia vào các vở kịch nhỏ, chương trình múa rối và những chương trình biểu diễn khác.

_Tôi có năng lực đặc biệt về một hoặc vài môn thể thao.

_Tôi bị lôi cuốn vào những điệu nhảy, múa ba lê, thể dục, các hoạt động sáng tạo hoặc những vận động thể chất khác.

_Tôi thích ở ngoài trời.

ÂM NHẠC:

_Mọi người nói với tôi rằng tôi có năng khiếu âm nhạc đặc biệt ngay từ khi bập bẹ biết nói.

_Tôi thích gõ vào đồ chơi, đồ dùng nhà bếp hoặc những vật thể khác để tạo ra nhạc điệu.

_Tôi thích nghe các băng đĩa nhạc yêu thích.

_Tôi thích sáng tác những bài hát riêng cho mình.

_Tôi thích chơi các nhạc cụ.

_Tôi thực sự trở nên hoạt bát mỗi khi tiếng nhạc vang lên trong nhà (ví dụ như trên radio, đĩa hát hoặc những chương trình biểu diễn trực tiếp).

_Dường như tôi có khả năng phân biệt được những loại âm thanh khác nhau (như tiếng chó sủa, tiếng rao của người bán kem, tiếng gió thổi, v.v...).

TƯƠNG TÁC CÁ NHÂN:

_Dường như tôi có thể thân thiện với người lạ ngay.

_Tôi dễ dàng kết bạn ở trường.

_Bạn bè thường nhờ tôi giải quyết những cuộc tranh cãi.

_Tôi là người chỉ huy trong các câu lạc bộ hoặc các nhóm khác.

_Tôi luôn biết những sự kiện xã hội đang diễn ra xung quanh (như mối hận thù, những câu chuyện thêu dệt hoặc những tin đồn khác).

_Tôi thường xuyên có khả năng đọc được suy nghĩ của một người bạn hoặc người thân ngay khi người này bước vào phòng.

_Tôi thường cảm thấy thương xót và quan tâm đến một ai đó hoặc một nhóm người nào đó và muốn giúp đỡ họ bằng hành động cụ thể.

NỘI TÂM:

_Tôi là một đứa bé tự lực và độc lập.

_Tôi có rất nhiều sở thích hoặc những hoạt động khác mà tôi muốn dựa vào chính khả năng của mình để làm.

_Tôi có một nơi bí mật đặc biệt để tránh xa mọi người và mọi thứ.

_Tôi luôn nghĩ về hình ảnh mà tôi muốn trở thành khi lớn lên.

_Tôi dành khá nhiều thời gian để nghĩ về những điều đã xảy ra trong cuộc đời tôi.

_Tôi có những trải nghiệm khác thường về bản chất tôn giáo, tâm linh hoặc thẩm mỹ mà tôi không thể nói với bất kỳ người nào.

_Tôi đã sớm nhận thức về đặc tính riêng biệt của bản thân.

Trí tuệ bị lãng quên

Sau khi hoàn thành danh mục kiểm tra ở trên, nếu bạn nhận thấy mình vẫn duy trì được những khả năng tương tự từ khi còn nhỏ tới lúc trưởng thành thì điều đó có nghĩa là gần như bạn đã biết phát huy hợp lý tiềm năng của mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, vẫn còn những khả năng khác nằm ẩn sâu bên trong mà bạn không thể nhận ra ở bất kỳ mục nào trong danh sách kiểm tra trên. Nếu bạn còn hoài nghi về điều này, hãy tiếp tục đào sâu vào kí ức và những giấc mơ. Cuối cùng, bạn có thể sẽ tìm ra chúng.

Mặt khác, nếu bạn thấy rằng những khả năng và điểm mạnh lúc còn nhỏ không còn xuất hiện ở tuổi trưởng thành, bạn nên tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với chúng. Chúng đã từng rất quan trọng. Vậy tại sao chúng lại không trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hiện tại của bạn?

Một loại hình thông minh có thể ngừng hoạt động vì nhiều lý do. Một trong những lý do phổ biến nhất là không có thời gian để phát triển nó. Bạn lớn lên, lập gia đình, sinh con, rơi vào nợ nần, và đơn giản là không còn khoảng không gian trong cuộc sống để vẽ một bức tranh, đóng một vở kịch, phát minh, làm phim hoạt hình, hoặc thực hiện những điều từng khiến bạn thích thú khi còn là trẻ con hoặc lúc ở tuổi thanh niên. Thỉnh thoảng, khi những áp lực về gia đình và tài chính này được giải phóng, trí thông minh bị lãng quên mới có cơ hội để phát triển.

Khi còn nhỏ, tiểu thuyết gia Jean Auel rất say mê đọc truyện, thích nghe chương trình radio mỗi sáng thứ bảy có tên là Let's Pretend (Hãy giả vờ) và tưởng tượng ra hình ảnh người bạn chơi với mình. Tuy nhiên, khi lớn lên, Auel lại vướng bận với những mục tiêu thực tế hơn. Bà lập gia đình, trở thành một nhà quản lý tín dụng tại một công ty điện tử và có được bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh. Nhưng ở tuổi bốn mươi, bà bỗng tự hỏi bản thân rằng, bà thực sự muốn làm điều gì vào thời gian còn lại của cuộc đời. Bà nói: "Tôi đã dành tất cả những giây phút trong cuộc sống để chăm sóc gia đình, làm việc, tới trường, và bây giờ đột nhiên tôi có một cái bằng".

Một hôm, bà nảy ra ý tưởng về một câu chuyện mà nhân vật chính là một cô gái mồ côi thấy mình ở giữa những người nguyên thủy. Bị ám ảnh bởi ý tưởng này, bà bắt đầu đến thư viện để nghiên cứu và hơn hai năm sau hoàn thành cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất Clan of the Cave Bear (Thị tộc Cave Bear). Giờ đây, bà có bốn cuốn tiểu thuyết với hơn hai mươi triệu bản in. Rõ ràng, Aule cần phải hoàn thành trách nhiệm cá nhân và nghề nghiệp trước khi quay trở về với khả năng sáng tạo của mình.

Tuy nhiên, đôi khi vì những lý do tâm lý, trí thông minh vẫn còn bị ẩn giấu. Cha mẹ có thể làm cho con mình thấy xấu hổ vì có năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật hoặc giỏi giang trong lĩnh vực nào đó mà người lớn không mong muốn và đứa trẻ đó sẽ phản ứng lại bằng cách che giấu khả năng của mình. Trong cuốn truyện viết riêng cho trẻ em Le Petit prince (Hoàng tử nhỏ), Antoine de Saint- Exupéry miêu tả một cậu bé sáu tuổi cố gắng thể hiện cho người lớn thấy trí thông minh không gian của mình bằng bức tranh vẽ một con trăn đang nuốt chửng một con voi. Phản ứng của người lớn là khuyên tôi dù thế nào chăng nữa hãy gác bức vẽ con trăn ấy sang một bên và thay vào đó hướng tôi theo lĩnh vực địa lý, lịch sử, số học và ngữ pháp. Đó là lý do vì sao vào năm sáu tuổi tôi đã từ bỏ ước mơ vĩ đại trở thành họa sỹ của mình.

Chúng ta hãy nghĩ đến người có tài năng nở muộn như Vincent Van Gogh, ông không hề vẽ tranh cho đến năm hai mươi bảy tuổi; và tác giả được trao giải Pulizer, Anne Sexton, bắt đầu làm thơ lúc hai mươi tám tuổi theo sự gợi ý của chuyên gia tâm lý. Cả hai cá nhân có sức sáng tạo lớn lao này đều sinh ra trong những gia đình không hạnh phúc, nơi mà môi trường cảm xúc độc hại có thể đã kìm hãm khả năng của họ cho tới tận khi lớn lên.

Thật trớ trêu là chính cha mẹ và thầy cô giáo cũng có thể làm cho một tiềm năng mất dần bằng cách khuyến khích nó vì những lý do hết sức sai lầm. Trong cuốn Pictures of Childhood (Bức tranh tuổi thơ), Alice Miller viết về việc tìm lại được niềm yêu thích vẽ tranh bị mất từ lâu của mình lúc bà đã bốn mươi lăm tuổi:

Nếu mẹ tôi đem khoe những bức tranh của tôi cho bạn bè bà như cách bà đã khoe những quyển vở ở trường của tôi - như là một minh chứng về khả năng giáo dục của bà - thì có lẽ sau đó tôi đã vào một trường nghệ thuật và nhận một tấm bằng ở đó. Nhưng chắc chắn rằng, một khi mẹ tôi đã lấy đi những thứ mà tôi sáng tạo nên thì niềm đam mê vẽ tranh để bày tỏ cảm xúc của tôi cũng sẽ bị mất. Tuy nhiên, bà không có cơ hội để làm điều đó bởi vì nhu cầu được vẽ đã ăn sâu trong tôi, bảo vệ tôi khỏi sự can thiệp và lạm dụng giáo dục của bà. Niềm đam mê ấy vẫn tồn tại và khi một lần nữa khám phá ra nó sau bốn mươi lăm năm lãng quên, tôi đã ngạc nhiên vì tính hiếu kỳ trẻ con và niềm vui sướng tột độ khi nhìn vào vạn vật ngày càng trở nên rõ nét và không hề thay đổi.

Có bao nhiêu tiềm năng khác bị chôn chặt trong chúng ta do nỗi sợ hãi về những điều người lớn đã gây ra, hoặc có thể đã gây ra, được bộc lộ đầy đủ ra ngoài?

Cuối cùng, ở góc nhìn rộng hơn, chính văn hóa đã khiến một số loại thông minh nhất định ngừng hoạt động khi cố gắng phát triển những loại thông minh khác. Như đã đề cập trong suốt cuốn sách này, chúng ta đang sống trong một xã hội luôn chỉ đề cao khả năng ngôn ngữ và logic toán học. Vì vậy, những đứa trẻ "triển vọng" ở các lĩnh vực này sẽ nhận được mối quan tâm tuyệt đối từ những người lớn xung quanh. Còn những đứa trẻ có năng khiếu âm nhạc, không gian, vận động thân thể hoặc có khả năng nhận thức bản thân sẽ không được khuyến khích phát triển các tiềm năng này, hoặc đơn giản là sẽ bị cha mẹ và thầy cô giáo không để ý đến, vì họ luôn tin rằng những trí thông minh này không đóng góp gì nhiều cho xã hội nói chung. Những đứa trẻ tài năng nhanh chóng chấp nhận theo cách mà nhà tâm lý học Ernest Schactel đề cập tới: "Những khuôn khổ cứng nhắc của văn hóa chỉ cho phép một số kỹ năng nhất định, ngăn cấm và loại bỏ những khả năng khác mà nó hoặc không có khung tham chiếu hoặc chỉ có một khung tham chiếu không phù hợp.

Cuối cùng, trí thông minh sẽ phát triển hoặc phai nhạt trong đời sống của một cá nhân như là kết quả của sự tương tác mạnh mẽ giữa mặt sinh học (gen tốt hoặc không tốt), hệ tâm lý (môi trường gia đình tốt hoặc xấu) và phạm vi văn hóa (thời kỳ lịch sử thuận lợi hay không thuận lợi). Để làm rõ ý này, hãy xem xét điều gì có thể xảy ra với Wolfgang Amandue Mozart nếu thay vì sinh ra ở Áo vào thế kỷ XVIII - một thánh địa âm nhạc - và có người cha là nhà soạn nhạc, ông lại sinh ra trong một gia đình người Anh theo Thanh giáo, không ai có khả năng phân biệt những nốt nhạc và coi âm nhạc như sự hiện diện của quỷ sa tăng. Bạn có nghĩ là ông sẽ bộc lộ đầy đủ tài năng âm nhạc của mình trong một môi trường như thế không? Chắc chắn là không. Hay nhà toán học vĩ đại Srinivasa Ramanujan thậm chí có thể đạt được những đỉnh cao hơn trong toán học nếu ông sinh ra sớm hơn một thế kỷ hoặc lớn lên ở Anh thay vì ở Ấn Độ. Bởi vì ông sống tại một nơi mà xu hướng của tư duy toán học đã bị cách biệt với dòng chảy tư duy toán học chính thống nên ông không biết rằng mình đang cống hiến cả cuộc đời để sáng tạo lại hầu hết những thành tựu toán học đã được người phương Tây đã viết ra.

Tiếp đến là thời gian và hoàn cảnh, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn tới năng khiếu và khả năng thiên bẩm của chúng ta. Các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ về những điều xảy ra với động vật khi chúng bị tước đi hoặc được phát triển các khả năng nhất định vào "các giai đoạn quan trọng" của một vòng đời. Trong giai đoạn phát triển thị giác, những con khỉ bị khâu một bên mắt sẽ giảm thị lực hoặc chỉ có thể nhìn lờ mờ. Mười lăm tiếng sau khi nở ra từ trứng, vịt con sẽ đi theo bất kỳ một "bà mẹ" nào đang vô tình đi gần nó. Những giây phút quan trọng của con người sau khi chào đời diễn ra theo chiều hướng mơ hồ hơn và được các nhà tâm lý học phát triển gọi là "thời kỳ nhạy cảm". Giai đoạn từ sáu đến mười hai tháng tuổi có thể đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển khả năng tương tác cá nhân, khi đứa trẻ hình thành mối liên hệ cảm xúc với người chăm sóc đầu tiên. Các giai đoạn nhạy cảm khác cũng xuất hiện đối với sự phát triển ngôn ngữ, tư duy logic toán học và có lẽ cả những khả năng còn lại.

Tuy nhiên, những thời kỳ nhạy cảm tồn tại ở tuổi ấu thơ không hề ngăn cản sự phát triển của các khả năng quan trọng sau này trong cuộc sống. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, chúng ta vẫn tiếp tục phát triển ngay cả khi hệ thần kinh đã ở giai đoạn lão hóa. Nhà nghiên cứu về trí não thuộc Đại học Califorlia, Marian Diamond, trong cuốn sách Enriching Heredity (Củng cố tính di truyền) của mình, đã viết: "Chúng ta biết rằng, mỗi phần của tế bào thần kinh từ phần đốt đến các khớp thần kinh thay đổi kích thước để phù hợp với môi trường... môi trường là nhân tố chính giúp bộ não nhiều tuổi vẫn khỏe mạnh". Bà cũng lưu ý: "Người ta chỉ ra rằng ngay cả phần trí óc bị lão hóa cũng có thể thích nghi bằng sự thay đổi trong cấu trúc nhờ điều kiện sống được củng cố".

Các nghiên cứu này cũng mang lại hy vọng cho những người có thể đã bỏ lỡ cơ hội phát triển tiềm năng lúc còn nhỏ do không nhận được sự giúp đỡ đúng đắn để phát triển theo một "hướng mong muốn". Chắc chắn có những hạn chế về mặt sinh học đối với sự phát triển khả năng của mỗi chúng ta. Một người sáu mươi tuổi sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chạy đua maratông ở Olympic cho dù ông ta có cố gắng đến mức nào chăng nữa. Nhưng ông ta có thể thắng trong cuộc thi maratông ở Boston với những người cùng độ tuổi. Một người năm mươi tuổi bắt đầu học tính gần như sẽ không thể có những đóng góp lớn cho nền toán học. Tuy nhiên, bà ấy có thể phát triển thành một giáo viên dạy toán xuất sắc. Mặt khác, một người tám mươi tuổi mới bắt đầu vẽ có thể trở thành một Grandma Moses (người cũng bắt đầu vẽ khi đã bảy mươi tám tuổi). Thông điệp chính ở đây là không bao giờ quá muộn để đánh thức những tiềm năng muộn màng trong bạn.

Phát triển những trí thông minh bị lãng quên

Thật may mắn là vẫn có một số nguyên lý chỉ đạo không quá phức tạp giúp nuôi dưỡng loại hình trí thông minh bị lãng quên. Triết gia Israel Scheffler thuộc Đại học Harvard, trong cuốn sách Of Human Potential (Về tiềm năng con người) của mình đã gợi ý một phương pháp gồm ba bước nhằm đánh thức những khả năng chưa được khai thác. Trước tiên, bạn phải loại trừ các nhân tố ngăn cản việc phát triển tiềm năng của mình. Nếu bị gãy chân, bạn không thể tiếp tục phát triển khả năng chạy cho tới khi xương liền và bắt đầu tập luyện lại (dĩ nhiên là trừ khi bạn tập "chạy" trong ý nghĩ của mình!). Thứ hai, bạn phải được làm quen với những phương pháp nhằm thúc đẩy khả năng của mình. Nếu bạn có năng khiếu toán học, nó sẽ không thể tiến xa trừ khi bạn được giới thiệu tới những giáo viên, những khóa học và những cuốn sách hoặc phương pháp liên quan đến môn học theo mức độ hiểu biết của bạn. Cuối cùng, bạn phải có sự cam kết cá nhân để phát triển tiềm năng. Bạn có thể có năng khiếu về hội họa nhưng nếu bạn không muốn vẽ thì gần như chắc chắn bạn sẽ không thể phát triển nó trong lĩnh vực này.

Quá trình loại bỏ những trở ngại để phát triển tiềm năng có thể đơn giản như là bỏ một thói quen cố định hàng ngày. Ví dụ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng người Mỹ trưởng thành dùng khoảng một nửa thời gian rảnh rỗi ngồi trước màn hình ti vi. Quãng thời gian bốn mươi năm, tương ứng với mười nghìn giờ, có thể có ích hơn nếu bạn học ngoại ngữ, tập luyện một nhạc cụ, phát triển một ý tưởng kinh doanh mới, xây dựng kế hoạch cho một ngành nghề thủ công hoặc tham gia vào hàng trăm hoạt động khác có liên quan đến tất cả bảy loại hình thông minh. Tương tự, những hoạt động thông thường khác như thường xuyên đọc tạp chí, báo, nói chuyện với bạn bè hoặc "sinh hoạt ngoại khóa" hầu như không giúp gì nhiều cho việc khám phá những năng lực trí tuệ mới của bạn. Giảm bớt việc tham gia vào những hoạt động này, bạn sẽ có nhiều thời gian để tiếp tục phát triển trí thông minh còn tiềm ẩn.

Đôi khi, những cản trở trên con đường nhận thức rõ tiềm năng không hề đơn giản. Ma tuý, rượu và những chất gây nghiện khác hoàn toàn có hại cho việc đánh thức các năng khiếu và tài năng. Trong những trường hợp như vậy, trước khi có thể tìm được không gian để phát triển, người đó cần phải nhanh chóng thoát khỏi môi trường thiếu lành mạnh này. Nhà hùng biện về nghị lực Og Mandino kể lại câu chuyện về việc làm thế nào ông chấm dứt được chuỗi chán chường của mình lúc ông ba mươi lăm tuổi. Thất bại trong công việc, ly dị và rượu chè khiến ông chỉ biết dùng hầu hết thời gian trong các quán bar. Một tối trời mưa, ông định mua một khẩu súng và kết thúc cuộc đời mình tại một thư viện công cộng của địa phương. Nhưng không gian yên tĩnh của thư viện đã mang lại cho ông, lần đầu tiên trong nhiều năm trời, cơ hội để suy nghĩ thật rõ ràng. Nó cũng đưa ông đến với những cuốn sách, đặc biệt là những cuốn sách về triết học và lòng tự trọng mà ông bắt đầu đọc ngấu nghiến trong những tháng sau đó. Điều này khiến ông khám phá ra năng lực thật sự của mình, đó là làm một chuyên gia về bán hàng và về nghị lực sống. Cuốn sách của ông, The Greatest Salesman in the World (Người bán hàng giỏi nhất thế giới), bán được nhiều triệu bản và sau đó năng lực diễn thuyết của ông đã nổi tiếng trên khắp thế giới. Đối với những người khác, các nhóm hồi sức, tâm lý trị liệu hoặc các hình thức phục hồi có thể là giải pháp giúp họ thoát khỏi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi tiêu cực đang cản trở việc phát triển tiềm năng thực sự của họ.

Niềm say mê học tập

Tuy nhiên, tháo bỏ trở ngại chưa đủ để đánh thức trí thông minh còn tiềm ẩn. Cần phải có một tia lửa trong những giai đoạn đầu của việc phát triển trí tuệ để làm cho ngọn lửa bùng cháy. Khởi nguồn này có thể là một cuốn sách (như là với Mandino) hoặc có thể là một kinh nghiệm, một con người hay sự kiện nào đó tạo ra niềm say mê học tập. David Henry Feldmen, Giáo sư Tâm lý thuộc Đại học Tufts, gọi các dạng động cơ thúc đẩy này là những kinh nghiệm tích lũy và cho rằng chúng là công cụ hữu hiệu thúc đẩy những cá nhân sáng tạo đạt được các thành tựu lớn nhất trong cuộc đời.

Howard Gardner và Thomas Hatch đã phỏng vấn nhiều nhân vật ưu tú về kinh nghiệm tích lũy của họ. Một nhà nhiếp ảnh nhớ lại lần tới thăm Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại khi ông còn làm trong ngành Hải quân, đóng quân ở New York. Trải nghiệm đó đã đánh thức ông về giá trị của loại nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông kể lại: "Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đó, như chỉ mới hôm qua thôi - thời tiết và cả con người trên đường phố. Tôi đoán bạn có thể nói đó là một sự "hiện diện thần thánh". Cũng như vậy, một nhà toán học đã nhận biết một số "mẹo" toán mà cha ông dạy như một ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp của ông. Trong phần đầu cuốn sách này, chúng ta cũng đã thấy một số ví dụ về kinh nghiệm tích lũy: ký ức tuổi thơ của Carl Jung, việc đọc Kinh thánh của Martin Luther và sự trải nghiệm về cái chết của Ramana Maharshi. Trong mỗi trường hợp đều có một bước ngoặt nhất định, một thời khắc đưa họ tiến tới việc hoàn thành một sứ mệnh đặc biệt.

Khi niềm say mê khám phá một loại thông minh nhất định đã được đánh thức thì nó còn cần phải được nuôi dưỡng. Triết gia Alfred North Whitehead đã viết về một quá trình rèn luyện bao gồm ba giai đoạn cơ bản để tiếp thu điều mới: giai đoạn tưởng tượng là thời kỳ bạn cảm nhận sức sống và niềm say mê gắn liền với một kinh nghiệm tích lũy, giai đoạn rõ ràng là thời kỳ bạn cần phải đưa ra những cam kết cho bản thân để đạt được cũng như làm chủ một khả năng cụ thể và giai đoạn thực hiện là thời kỳ bạn áp dụng trực tiếp năng lực này vào những tình huống thực tế trong cuộc sống. Nhiều người rất vui sướng khi khám phá được năng lực mới của bản thân nhưng sau đó lại chẳng làm gì để phát triển khả năng đó. Tôi đã từng rất hào hứng khi nhận ra rằng "Tôi có thể vẽ" sau khi làm theo một số bài tập trong quyển sách Drawing on the Right Side of the Brain (Khả năng vẽ của não phải) của Betty Edward. Đó là mười hai năm về trước và tôi chỉ rèn luyện rất ít để tiếp tục phát triển khả năng vẽ của mình.

Đó là lý do tại sao, sau khi đã được "đánh thức", việc tìm cho mình nguồn hỗ trợ như một nhóm học tập, chương trình mở rộng, khóa học hàm thụ hoặc một khóa học nghề nhằm giúp bạn từng bước phát triển tiềm năng của mình lại rất quan trọng.

Ước tính hàng năm có khoảng 40 triệu người Mỹ trưởng thành tham gia các hoạt động giáo dục giúp phát triển tiềm năng trong mỗi người. Thông qua những chương trình giáo dục này, bạn có thể tham gia rất nhiều hình thức hoạt động học tập liên quan đến các loại hình thông minh, từ thiết kế chăn đệm, viết nhật ký tới quản lý tài chính cá nhân, chơi kèn tuba và giúp đỡ người vô gia cư. Thậm chí có cả dịch vụ môi giới học tập có thể giúp bạn xác định nhu cầu, đặt ra mục tiêu và liên kết với những nguồn học tập phù hợp theo lĩnh vực của bạn. Danh sách liệt kê từng phần có trong cuốn sách The Lifeling Learner (Người học suốt đời) của Ronald Gross.

Nhiều người lại chọn cách phát triển trí thông minh của họ thông qua các kế hoạch học tập cá nhân. Patrick Penland, nhà nghiên cứu về giáo dục cho người trưởng thành thuộc Đại học Pitesburgh, chỉ ra rằng cứ ba trong bốn người trưởng thành lại đặt ra một hoặc nhiều kế hoạch học tập riêng cho mình mỗi năm. Những kế hoạch này bao gồm các hoạt động như làm vườn, sửa chữa động cơ ô tô hoặc may một bộ quần áo và thời hạn hoàn thành thường là khoảng 156 giờ. Hãy nghĩ đến những kế hoạch hoặc chương trình giáo dục mà bạn muốn tham gia để phát triển tiềm năng của mình. Dành thời gian xem xét lại bản liệt kê "25 cách để nâng cao sự hiểu biết của bạn" từ Chương 2 tới Chương 8. Sau đó hãy làm bài tập sau, nó sẽ giúp bạn nhận biết được rõ hơn tiềm năng còn ẩn giấu và đưa ra kế hoạch nhằm phát triển tiềm năng đó.

Chọn một trong bảy loại hình thông minh để rèn luyện. Bạn có thể chọn một loại thông minh mà bạn thấy dường như vẫn còn rõ nét trong ký ức tuổi thơ. Hoặc thay vào đó, bạn có thể tập trung vào một loại thông minh liên quan tới một kế hoạch hoặc giấc mơ cụ thể mà bạn luôn nghĩ đến trong thời gian rảnh rỗi. Thậm chí bạn có thể quyết định chọn một loại thông minh theo kiểu: "Nếu ngày mai tôi chết, loại thông minh nào tôi sẽ cảm thấy hối tiếc vì đã không phát triển nó trong cuộc đời?"

Viết tên loại thông minh này ra một tờ giấy. Sau đó, viết câu chuyện về cuộc đời bạn liên quan đến loại thông minh đó. Bạn có thể bắt đầu bằng cách viết ra những ký ức đầu tiên về dạng thông minh này, trong đó bao gồm cả những ví dụ về kinh nghiệm tích lũy ở thời kỳ thơ ấu nếu có. Ngoài ra, hãy đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực có thể đã khiến bạn không thể phát huy trí thông minh này - sự xấu hổ, bẽ mặt, tổn thương hoặc bị bỏ mặc. Liệt kê cả những người quan trọng từng khuyến khích hoặc cản trở việc phát triển khả năng của bạn. Hãy tiếp tục viết về tiềm năng xuất hiện ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống (tuổi thơ sau này, thời thanh niên, thời kỳ đầu của tuổi trưởng thành) khi bạn cố gắng phát triển nó. Cuối cùng, viết về cách mà hiện thời bạn đang sử dụng loại thông minh này (có phải nó đang hiện hữu, im lìm hay chỉ được bộc lộ rất ít ra bên ngoài?).

Dưới tự truyện, hãy viết ra năm việc bạn đạt kế hoạch thực hiện trong các tháng và năm tới theo những thời kỳ cụ thể để phát triển loại thông minh đó. Kế hoạch ấy có thể bao gồm một số yếu tố sau:

Các khóa học.

Những người có thể giúp bạn.

Những quyển sách có thể định hướng cho bạn.

Những tổ chức bạn có thể tham gia.

Phần mềm bạn có thể sử dụng.

Những công cụ học tập bạn có thể kiếm được.

Những người tư duy không gian có thể thích làm bài tập theo mốc thời gian, bài viết về tranh ảnh hoặc một chuỗi họa tiết. Ngược lại, những người có khả năng tương tác cá nhân có thể đơn giản chỉ muốn kể câu chuyện của họ với một người bạn đáng tin cậy.

Bài tập trên giúp bạn nhận ra khả năng tiềm ẩn của bạn có một lịch sử độc đáo. Hãy sử dụng tự truyện như một bản đồ để giúp bạn tạo ra kế hoạch phát triển khả năng này. Bạn cũng có thể áp dụng bài tập trên vào sáu loại hình thông minh còn lại để so sánh quá trình xuất hiện của chúng.

Sau khi lập được kế hoạch cụ thể nhằm biến một tiềm năng thành hiện thực, bạn phải củng cố nó. Sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều bạn có thể có ít nhất bảy cách khác nhau:

- Ngôn ngữ: Đặt cụm từ “Tiến hành!" trên một tờ áp phích để nhắc nhở.

- Không gian: Tưởng tượng mình đang làm một công việc cụ thể có liên quan tới loại thông minh này.

- Âm nhạc: Chơi những bản nhạc đầy hứng khởi như "Bạn cần phải có trái tim" hoặc "Đi trên đôi chân của bạn".

- Vận động thân thể: Sử dụng dấu ra hiệu tán thành để thể hiện quyết tâm bất cứ khi nào bạn bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về kế hoạch của mình.

- Logic toán học: Tạo một áp phích và viết lên đó thời gian bạn dự định sẽ đạt được mục tiêu.

- Tương tác cá nhân: Kể cho người khác nghe về kế hoạch thực hiện của bạn và thời điểm bạn hoàn thành nó.

- Nhận thức bản thân: Chiêm nghiệm sâu sắc về lòng quyết tâm tiến đến mục tiêu của mình.

Chính quyết tâm này là phẩm chất đặc biệt quan trọng giúp một cá nhân vượt qua những thử thách và trở ngại để đạt được thành công to lớn. Israel Scheffler viết:

Vì học tập đòi hỏi phải có sự tiến bộ (mục đích của người học), định hướng về nội dung và tầm quan trọng của nó thay đổi, nhu cầu của nó vừa mở rộng vừa trở nên chuyên biệt hơn, cái giá phải trả khi cố gắng đạt mục đích cũng rõ ràng hơn. Chấp nhận cái giá đó, ngay cả khi hiểu theo nghĩa rộng, có nghĩa là mục tiêu của ham muốn quan trọng hơn. Ở đây, ham muốn thể hiện trong sự cam kết, lòng quyết tâm và chí kiên định - một biểu hiện của sự tin tưởng vào kế hoạch đang theo đuổi, kế hoạch giúp một người tự xác định được bản ngã và xây dựng lòng tự trọng.

Cam kết này khi kết hợp với các nhân tố khác đã nêu trong chương này có thể tạo nên những điều kỳ diệu. Trong cuốn See You at the Top (Trên đỉnh vinh quang), Zig Ziglar viết về chuyên gia mỹ phẩm Mary Kay Ash, người đã vượt qua thời kỳ khởi đầu khó khăn trong sự nghiệp kinh doanh của mình và từng phải tằn tiện để có đủ tiền tham dự lễ trao giải Doanh nhân quốc gia. Trong buổi tiệc chúc mừng danh hiệu Nữ hoàng doanh thu của lễ trao giải, bà đã đưa ra một quyết định dẫn bà đến con đường thành công. Chính trong buổi lễ ấy, bà đã tuyên bố với mọi người rằng, trong những năm tới chính bà sẽ đạt được danh hiệu này. Sự quyết tâm đã giúp bà đạt được mục tiêu đó và cả những mục tiêu sau này trong quá trình xây dựng cơ sở sản xuất mỹ phẩm có giá trị hàng triệu đô la của bà.

Không phải ai cũng có thể đạt được thành công như Mary. Nhưng mỗi người đều có thể đưa ra những mục tiêu thành công cho mình và thực hiện chúng. Người Hopis có niềm tin rằng mỗi người khi sinh ra đều có tài năng và mục đích của cuộc sống là phải nhận biết được tài năng đó. Như Joseph Campell đã nói, tất cả mọi người cần phải "theo đuổi hạnh phúc của mình" và nâng niu những ước mơ sâu xa nhất của bản thân. Tiểu thuyết gia Tom Clancy, một người có tài năng nở muộn (ông bắt đầu viết cuốn truyện đầu tiên của mình ở tuổi ba mươi lăm) đã nói rằng: "Không có gì thực như ước mơ. Thế giới có thể thay đổi nhưng ước mơ thì không. Trách nhiệm không thế xóa bỏ nó. Nghĩa vụ không thể che mờ nó. Bởi vì ước mơ nằm bên trong bạn, không ai có thể mang nó đi".