Chương 4
Ngôn ngữ yêu thương thứ 2:
CỬ CHỈ ÂU YẾM
Những cử chỉ âu yếm ẩn chứa một sức mạnh tình cảm mạnh mẽ mà không ai có thể phủ nhận. Chính vì vậy mà các chuyên gia luôn khuyến khích các bậc phụ huynh thường xuyên ôm ấp trẻ sơ sinh, hôn lên má và vuốt ve chúng. Ôm trẻ vào lòng hoặc để trẻ ngồi trong lòng khi bạn kể chuyện cho chúng nghe là một cách hiệu quả để đong đầy chiếc bình yêu thương của trẻ. Mặt khác, cử chỉ âu yếm cũng là một khía cạnh của giao tiếp tình cảm.
Nhưng đối với trẻ vị thành niên thì sao? Liệu đối với chúng, cử chỉ âu yếm có phải là một cách giao tiếp tình cảm không? Câu trả lời có thể là có hoặc không, tùy thuộc vào việc hành động đó diễn ra khi nào, ở đâu và như thế nào.
Chẳng hạn, khi bạn ôm con bạn trước mặt bạn bè chúng, nó sẽ thấy xấu hổ nhiều hơn là yêu thương. Theo đó, nó sẽ có xu hướng đẩy bạn ra hoặc từ chối hành động đó. Tuy nhiên, việc nhẹ nhàng xoa bóp vai cho con bạn khi nó về nhà sau một trận đấu có thể khiến nó cảm nhận được tình cảm yêu thương sâu sắc.
Trẻ vị thành niên có rất nhiều điểm khác biệt so với các lứa tuổi khác. Bạn không thể áp dụng cách ôm ấp, vuốt ve như khi chúng còn bé. Các bậc phụ huynh phải nhớ rằng trẻ vị thành niên luôn thích sự độc lập và tự khẳng định bản thân. Vì vậy, các bạn nên cân nhắc câu hỏi: “Liệu việc mình ôm ấp nó có ảnh hưởng gì đến tính độc lập của nó không? Liệu điều này có giúp nó tự khẳng định mình một cách tích cực không?”.
Hãy nhớ rằng trẻ vị thành niên luôn khao khát được cảm nhận tình cảm của bạn. Cử chỉ âu yếm là một trong năm ngôn ngữ yêu thương cơ bản. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng ngôn ngữ này vào thời điểm thích hợp và bằng cách thích hợp. Nếu ngôn ngữ yêu thương trong những năm đầu đời của con bạn là cử chỉ âu yếm thì ngôn ngữ đó sẽ không thay đổi trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên bạn cần thay đổi cách bạn sử dụng ngôn ngữ này nếu muốn trẻ cảm nhận được tình cảm của mình. Hãy xét tới những điều sau đây.
Thời điểm tiếp xúc
Trong sách cổ của người Do Thái có câu: “Làm việc gì cũng có lúc của nó... có lúc để ôm ấp và có lúc phải kiềm chế ”. Nhiều huấn luyện viên cũng thường nói với vận động viên của mình: “Thời điểm là tất cả”. Tương tự, các bậc phụ huynh của trẻ vị thành niên cần phải biết chọn thời điểm thích hợp để thể hiện tình cảm của mình. Những hành động tốt nhưng không đúng lúc thường phản tác dụng. Có hai lý do khiến việc này trở nên khó khăn: Thứ nhất, thời điểm thường được định đoạt theo tâm trạng của trẻ; và thứ hai, không phải lúc nào tâm trạng của trẻ cũng thể hiện rõ ràng. Nhiều lúc chỉ sau khi cha mẹ “chủ động” ôm ấp đứa con thân yêu của mình thì họ mới phát hiện ra chúng đang trong trạng thái "phản-tiếp-xúc". Nhưng khó không có nghĩa là không thể xác định.
Nhiều bậc cha mẹ học cách đoán biết tâm trạng trẻ thông qua hành vi của chúng. Một người mẹ nói: “Tôi có thể đoán biết con trai mình có muốn được chạm vào hay không bằng cách nhìn nó đóng cửa khi vào nhà. Nếu nó đóng sập mạnh cửa thì có nghĩa là nó đang trong trạng thái 'Đừng có đụng vào con'. Nếu nó đóng cửa từ từ thì có nghĩa là 'Con sẵn sàng để được mẹ âu yếm’”. Một người mẹ khác lại cho biết: “Tôi có thể biết được khi nào thì con gái mình không muốn bị đụng đến bằng khoảng cách nó đứng nói chuyện với tôi. Nếu nó đứng xa nghĩa là nó không muốn bị chạm vào. Nhưng nếu nó tiến lại gần thì có nghĩa là nó sẵn sàng đón nhận một vòng tay ôm”.
Trẻ vị thành niên thể hiện tâm trạng thông qua ngôn ngữ cơ thể, chẳng hạn như việc chúng đứng cách bạn bao xa hay có khoanh tay lại hay không. Những bậc phụ huynh tinh ý sẽ quan sát những ngôn ngữ cơ thể này và nhận biết được khi nào là lúc thích hợp để chạm vào con trẻ. Điều quan trọng không phải là tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ lại trong tâm trạng “đừng đụng vào con”, mà là nhận ra và tôn trọng tâm trạng đó.
Sẽ thật sai lầm nếu bạn cố tình chạm vào trẻ khi chúng đang tức giận. Tức giận thường chỉ đẩy con người xa nhau hơn mà thôi. Lúc đó, khả năng bạn bị cự tuyệt là rất cao. Với tính độc lập của mình, trẻ sẽ phản ứng lại những biểu hiện tình cảm trong thời điểm không thích hợp.
Tuy vậy, bạn cũng đừng vội nản lòng bởi luôn có rất nhiều thời điểm thích hợp để bạn tiếp xúc với trẻ. Một trong những dịp đó có thể là khi con bạn đạt được một thành công nào đó, chẳng hạn như giành chiến thắng trong thi đấu thể thao, đoạt giải trong hội diễn âm nhạc, biểu diễn xuất sắc một màn múa, hoàn thành bài luận quan trọng trong trường, vượt qua bài kiểm tra toán học hay thi lấy được bằng lái... Đó là những lúc trẻ sẵn sàng đón nhận những tiếp xúc yêu thương từ cha mẹ. Cảm giác hạnh phúc khi đạt được một mục tiêu nào đó sẽ thúc đẩy trẻ tiến xa hơn trên con đường độc lập và tự khẳng định bản thân. Lúc đó sự chúc mừng bằng những lời khen ngợi hay cử chỉ âu yếm sẽ được con bạn đón nhận như một bằng chứng cho việc bạn công nhận sự trưởng thành của chúng.
Thế nhưng, cũng có lúc con cái bạn cần đến những cử chỉ âu yếm khi gặp thất bại. Đó có thể là lúc con bạn đang buồn vì không làm được bài kiểm tra môn toán, bị bạn bè bỏ rơi hay đột nhiên cảm thấy bực dọc.
Hãy tôn trọng tâm trạng của trẻ và lựa chọn thời điểm thích hợp để tiếp xúc với trẻ. Chúng ta học hỏi kinh nghiệm thông qua những thành công mình đạt được, nhưng đôi khi, ta còn có thể học được thông qua những sai lầm.
Cách thức bộc lộ sự âu yếm
Một cậu bé 10 tuổi có thể mong chờ cái ôm cùng lời khen ngợi của mẹ sau khi trận bóng kết thúc, nhưng cậu bé 16 tuổi thì không. Không những thế, có thể cậu bé đó còn hy vọng mẹ cũng đừng có tìm mình. Cậu sẽ ăn mừng cùng đồng đội và bạn bè của cậu. Trong đa số trường hợp, trẻ vị thành niên không muốn bị cha mẹ ôm một cách nồng nhiệt ở nơi công cộng hay trước mặt bạn bè của chúng. Bạn bè luôn đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định bản thân của trẻ. Do đó, việc “tắm” trong sự yêu thương của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến sự tự khẳng định và khát khao độc lập của trẻ. Một trẻ vị thành niên nói với tôi: “Việc đó khiến cháu cảm thấy cha mẹ vẫn coi cháu như đứa con nít”. Một quy luật mà các bậc cha mẹ nên chú ý là đừng bao giờ chạm vào con bạn khi có bạn bè chúng ở đó, trừ khi chúng là người chủ động.
Nhiều lúc trẻ cũng đón nhận những cử chỉ âu yếm khi có mặt những thành viên khác trong gia đình như ông bà. Nếu bạn đang kể với ông bà về một thành tích nào đó của trẻ thì một cái vỗ vai sau đó có thể sẽ được trẻ đón nhận. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng đúng. Vì thế, hãy xem xét phản ứng của con bạn trước khi đưa ra bất kỳ hành động nào.
Vậy đâu là nơi thích hợp để sử dụng cử chỉ yêu thương đối với trẻ vị thành niên? Câu trả lời là trong nhà hoặc khi chỉ có bạn và con. Những lúc này, các cử chỉ âu yếm có thể được trẻ xem như một công cụ giao tiếp thể hiện tình cảm của bạn.
Jacob, một cậu bé 14 tuổi đã nói rằng: “Cháu rất thích đi cắm trại với cha. Đó là lúc cháu cảm thấy gần gũi với cha nhất”. Khi tôi hỏi: “Vậy cháu thích nhất điều gì khi đi cắm trại với cha?” thì Jacob đáp: “Khi hai cha con cháu thi gồng tay nhau bên lửa trại. Cháu đặc biệt thích cảm giác khi cháu thắng được cha”. Tình yêu được truyền đến Jacob thông qua sự tiếp xúc thể chất. Tính độc lập và sự tự khẳng định của cậu bé được khuyến khích, nhất là khi cậu thắng.
Jessica, 15 tuổi tâm sự: “Hai mẹ con cháu rất thân thiết với nhau. Cháu không nghĩ mình có thể vượt qua mọi chuyện nếu không có vòng tay âu yếm của mẹ. Năm học này khá vất vả nhưng cháu biết mỗi khi về nhà, cháu sẽ được mẹ chào đón bằng những cái ôm thật chặt”. Mẹ của Jessica đã phát hiện ra được ngôn ngữ yêu thương của con gái mình và chỉ sử dụng nó trong phạm vi gia đình. Điều mà các bậc phụ huynh nên ghi nhớ khi sử dụng ngôn ngữ yêu thương này là phải luôn chọn thời điểm và địa điểm thích hợp. Nếu không, nó sẽ không truyền tải được tình cảm của bạn.
Cách thích hợp để âu yếm con
Linh hoạt
Tiếp theo, chúng ta sẽ bàn đến cách bộc lộ cử chỉ âu yếm với trẻ. Có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm âu yếm như ôm, hôn, xoa bóp… Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại không đơn giản như thế. Một số trẻ thích được đấm lưng, một số khác lại thích được nghịch tóc. Con của bạn là duy nhất, và bạn không những phải học ngôn ngữ yêu thương mà còn phải biết cả cách thức thể hiện đặc biệt để con bạn cảm nhận được tình cảm của bạn nhiều nhất.
Vì thế, thay vì gán ngôn ngữ yêu thương của mình cho con cái, bạn hãy học ngôn ngữ yêu thương của chúng. Một điều đáng chú ý là ngôn ngữ yêu thương của trẻ có thể thay đổi theo thời gian và điều này thường dẫn đến nhiều rắc rối. Nhiều phụ huynh cho rằng mình đã khám phá được ngôn ngữ yêu thương chính của con và đã học được cách sử dụng nó. Thế là khi đứa con vị thành niên của họ từ chối cách tiếp xúc mà trước đây chúng vẫn còn thích, họ không biết phải xử lý như thế nào. Sở dĩ xảy ra điều này là do con bạn đang trong quá trình tìm kiếm sự độc lập và muốn tự khẳng định bản thân chúng. Chúng cho rằng những cử chỉ âu yếm này thể hiện những tình cảm trẻ con và chúng không muốn điều đó.
Cách đây không lâu, tôi chia sẻ ý kiến này với các bậc phụ huynh trong một buổi hội thảo về việc nuôi dạy trẻ vị thành niên. Đến giờ giải lao, Brad đến chỗ tôi và nói: “Giờ thì tôi đã hiểu được những phản ứng của Matt, cậu con trai 15 tuổi của tôi. Khi còn nhỏ, nó rất thích được tôi xoa lưng. Nhưng hai ba năm gần đây, thằng bé không cho tôi làm thế nữa. Tôi có cảm giác nó đang lánh xa tôi. Tôi không hiểu tại sao thằng bé lại thay đổi như vậy. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu. Thằng bé đang dần trưởng thành và nó không muốn quay lại thời thơ ấu”.
Tôi đề nghị Brad tìm cách khác để bộc lộ tình cảm của mình. “Vỗ lưng hoặc vỗ vai thằng bé, và cũng có thể gạt chân nó khi nó đi ngang qua chỗ anh. Nếu thằng bé ngã, anh cứ vật lộn với nó trên sàn. Chắc chắn anh sẽ thấy tình cảm giữa hai người sẽ thân thiết hơn vì anh đang đối xử với nó như một người đàn ông chứ không phải là một cậu bé như lúc xưa. Anh đang nuôi dưỡng chứ không phải là phá hủy tính độc lập của nó”. Brad đã học được một bài học quan trọng về cách thể hiện tình yêu thương đối với con.
Nếu con bạn nói “Con không thích thế” thì bạn hãy dừng lại và tìm cách tiếp xúc khác. Ý tưởng xuyên suốt trong cả năm ngôn ngữ yêu thương là bạn hãy học cách sử dụng ngôn ngữ của con bạn chứ không phải của bản thân bạn. Dường như đây là điều khá phức tạp đối với các bậc phụ huynh và nhiều người tỏ ra khá lúng túng trong việc nhận diện ngôn ngữ yêu thương của con mình.
Vai trò của cử chỉ âu yếm
Một lợi ích khác của cử chỉ âu yếm là việc bạn có thể sử dụng nó ngay cả khi con bạn đã làm điều gì đó sai trái. Bạn có thể vừa thể hiện sự không hài lòng của mình về hành vi của con, vừa thể hiện tình cảm thông qua tiếp xúc thể chất. Một lần nọ, sau khi con gái về nhà trễ, Marcia cầm tay con và nói: “Mẹ rất buồn lòng về việc con về trễ cả tiếng đồng hồ như thế này. Mẹ hiểu con đã có một buổi tối vui vẻ với bạn bè nên quên mất giờ giấc. Nhưng con có biết mẹ lo thế nào không? Bây giờ chúng ta sẽ thỏa thuận với nhau là nếu con về trễ thì phải gọi điện cho mẹ để mẹ khỏi lo nhé”. Sau đó, chị quay lại nhìn thẳng vào mắt con gái, đặt tay lên vai con và nói tiếp: “Con gái, mẹ rất yêu con. Điều mẹ quan tâm đến nhất chính là sự an toàn và hạnh phúc của con”. Rõ ràng, Marcia đã có cách thể hiện tình yêu thương rất hiệu quả và khiến cho con hiểu được những mối bận tâm của mình.
Việc các bậc phụ huynh sử dụng cử chỉ âu yếm đúng nơi, đúng lúc, đúng cách sẽ truyền sâu vào tâm hồn trẻ tình yêu thương ấm áp của cha mẹ. Cử chỉ âu yếm nói với trẻ rằng: “Con là một người cực kỳ quan trọng trong cuộc đời cha/mẹ. Cha/mẹ luôn ở bên cạnh con, yêu thương và quan tâm đến con”. Bất cứ đứa trẻ vị thành niên nào cũng cần nhận được loại ngôn ngữ này. Nếu không được nhận từ cha mẹ mình, chúng sẽ tìm kiếm nó ở một nơi khác.
Lời nhắn nhủ cho những người cha
Nhiều người cha có khuynh hướng tránh những cử chỉ âu yếm dành cho con gái, đặc biệt là khi con bước vào tuổi dậy thì. Một số người không biết nên xử lý thế nào trước những thay đổi về sinh lý của con gái. Một số khác lại nghĩ con gái mình không muốn ai chạm đến vì nó không còn là một cô bé nữa. Nhưng dù vì bất kỳ lý do gì, không dành cho con những cử chỉ âu yếm vẫn là một sai lầm nghiêm trọng. Vì thế, lời khuyên mà tôi muốn dành cho những người cha là hãy duy trì việc sử dụng thứ ngôn ngữ yêu thương này, ngay cả khi con gái bạn bắt đầu lớn. Cô bé cần những sự tiếp xúc thích hợp khi bắt đầu tự lập và khẳng định thiên hướng phụ nữ của mình.
Những tiếp xúc thể chất không thích hợp
Ngày nay, những cụm từ như “bạo hành thể chất” hay “lạm dụng tình dục” đã trở nên thông dụng và là vấn đề nhức nhối của xã hội. Rất nhiều trẻ vị thành niên đã và đang phải chịu đựng bạo hành từ chính cha mẹ mình và những người lớn xung quanh. Điều đáng nói là đa số trẻ vị thành niên vẫn âm thầm chịu đựng và nhiều khi những người gần gũi với chúng nhất cũng không nhận ra sự bạo hành đó.
Bạo hành thể chất và những cơn giận dữ
Bạo hành không những gây ra tổn hại về mặt thể chất mà còn để lại những ảnh hưởng tiêu cực trầm trọng cho tinh thần của trẻ. Thông thường, những hành động bạo hành này bắt nguồn từ sự giận dữ. Một điều thường thấy là nhiều phụ huynh không biết cách xử lý cơn giận của mình theo hướng tích cực. Và bạo lực tất yếu sẽ xảy đến khi họ không biết cách kiềm chế bản thân trước những sai phạm của con. Khi việc này xảy ra, ta có thể đoán chắc rằng chẳng những tình cảm của trẻ bị khô cạn mà sẽ còn gây nên những lỗ hổng trong tâm hồn trẻ. Nó sẽ khiến trẻ hoài nghi về mức độ chân thật trong những lời ngợi khen và sự âu yếm mà bạn đã thể hiện trước đó. Trái tim của trẻ vị thành niên không dễ hồi phục sau những lần bạo hành như vậy.
Nếu muốn con cái cảm nhận được tình cảm của mình sau những phút giận dữ, các bậc phụ huynh không những phải xin lỗi một cách chân thành mà còn phải thay đổi cách hành xử cũng như kiềm chế bản thân. Việc này có thể học qua sách vở, tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc nhờ đến các chuyên gia tư vấn.
Những cơn giận dữ đã bùng phát thường không phai nhạt theo thời gian. Vì thế, các bậc phụ huynh phải chủ động thay đổi sự bùng phát này. Nỗi đau tinh thần của con trẻ cũng không giảm dần nếu chỉ nhờ vào thời gian. Nếu các bậc cha mẹ không xin lỗi con một cách chân thành và thay đổi cách hành xử của mình thì gần như trẻ sẽ tiếp tục có cảm giác bị ghẻ lạnh. Một điều đáng chú ý nữa là khi trẻ bị bạo hành bởi cha hoặc mẹ, chúng sẽ có xu hướng nghĩ rằng người còn lại cũng không yêu mình. Trẻ sẽ cho rằng: “Nếu họ thương mình thì chắc sẽ không để hành vi ngược đãi này tiếp tục. Họ sẽ bảo vệ mình”. Vì thế, nếu gia đình bạn đang diễn ra những cảnh bạo hành thì bạn hãy tìm mọi cách để bảo vệ bản thân và con cái của mình.
Lạm dụng tình dục
Lạm dụng tình dục là một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại. Đây là việc người lớn lợi dụng vai trò làm cha mẹ để thực hiện những hành động tình dục với chính con em của mình, nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Lạm dụng tình dục thường khởi nguồn từ người cha, cha dượng hoặc bạn trai của mẹ. Nạn nhân thường là các bé gái vị thành niên. Khi lạm dục tình dục trẻ, những người này thường thuyết phục trẻ rằng những hành vi đó là một cách thể hiện yêu thương, hoặc ép buộc trẻ bằng cách đe dọa. Một điều đáng nói là những bé gái rơi vào hoàn cảnh này thường không thích bàn về vấn đề tình dục với bất kỳ người lớn nào, kể cả mẹ của em.
Không có sự thân thiết, thương yêu nào giữa phụ huynh và trẻ vị thành niên qua sự lạm dụng này cả. Trên thực tế, việc đó chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu bệnh hoạn của thủ phạm và khiến trẻ đau khổ, căm hận đến suy sụp. Trong nhiều trường hợp, cảm xúc này sẽ bùng nổ và trở thành nguyên nhân của bạo lực. Lạm dụng tình dục ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên.
Cách xử lý đối với hành vi lạm dụng tình dục
Nếu bạn đang tìm sự thỏa mãn tình dục từ trẻ vị thành niên sống trong gia đình thì việc đầu tiên bạn cần làm là nhận ra sự sai trái của hành vi này. Tiếp theo, hãy đến gặp một chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp để chia sẻ vấn đề của mình và tìm sự trợ giúp của họ. Tất nhiên, có thể bạn sẽ phải trả giá cho nó, sẽ cảm thấy xấu hổ, hôn nhân bị rạn nứt và nhiều hậu quả đáng tiếc khác nhưng nếu không làm được việc này, cái giá mà bạn phải trả về sau thường là đắt hơn thế rất nhiều.
Tất nhiên, tôi hiểu rằng hầu như chẳng có kẻ lạm dụng nào nghe theo những lời khuyên vừa rồi của tôi. Vì vậy, các bậc phụ huynh còn lại cần phải hành động. Hãy lắng nghe những gì con em bạn nói vì đó gần như là lời kêu cứu tuyệt vọng của trẻ. Hãy nhớ rằng do xấu hổ hoặc sợ hãi nên trong nhiều trường hợp, con bạn sẽ chối nếu bạn hỏi thẳng. Vì thế, đừng bao giờ lấy câu trả lời tức thì của trẻ làm kết luận cuối cùng. Hãy tìm ngay chuyên gia tư vấn, chia sẻ những gì bạn biết và tìm cách giải quyết vấn đề một cách dứt khoát. Với sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn, bạn sẽ có cách để hàn gắn lại vết thương sau sự chấn động này. Không nên để trẻ vị thành niên tự xoay xở trong hoàn cảnh này. Tình yêu thương của cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển giới tính một cách lành mạnh và bảo vệ chúng khỏi sự lạm dụng .
Trẻ vị thành niên nói gì?
Cử chỉ âu yếm là một trong những ngôn ngữ yêu thương chính yếu của con người nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng. Trẻ luôn cần được cha mẹ tiếp xúc nhiều để cảm nhận được niềm yêu thương mà cha mẹ dành cho chúng. Với một số trẻ, cử chỉ âu yếm là ngôn ngữ yêu thương chính của các em. Nó có tác dụng truyền tải nhanh và rõ ràng thông điệp yêu thương hơn bốn ngôn ngữ còn lại. Hãy nghe những trẻ vị thành niên chia sẻ suy nghĩ của các em về vấn đề này:
Victoria, 16 tuổi, sống với mẹ: “Cháu rất thích mỗi khi mẹ xoa lưng cho cháu. Mọi rắc rối, khó chịu đều biến mất mỗi khi mẹ làm thế”.
Joel, 17 tuổi: “Cháu biết cha yêu thương cháu. Cha thường chơi đùa với cháu, huých khuỷu tay mỗi khi hai người đang chơi game. Cha còn vỗ vai và ngáng chân mỗi khi cháu di qua. Cha cháu luôn tôn trọng tâm trạng và cảm xúc của cháu khi cháu cảm thấy không vui và không muốn bị đụng vào. Nhưng sau đó, cha lại cố tình tông vào cháu khi cháu đi ngang qua. Và cháu thích thế!”.
Meredith, 15 tuổi: “Cha không còn ôm cháu thường xuyên như ngày xưa nữa. Cháu không biết có phải vì cha nghĩ cháu đã lớn nên không cần được cha ôm nữa hay không. Nhưng cháu nhớ cảm giác ấm áp khi được cha ôm vào lòng. Nó làm cháu cảm thấy mình thật đặc biệt”.
Barrett, cậu bé luôn phải vất vả với môn đại số: “Cháu rất thích được mẹ xoa vai mỗi khi làm bài tập về nhà. Việc đó làm cháu thư giãn và cháu không còn quá lo lắng cho môn đại số nữa”.
Jessica, 17 tuổi: “Nhiều lúc cháu thấy mình không thể hòa hợp với mọi người xung quanh. Vì thế, cháu nghĩ cha mẹ hẳn đã phải chịu đựng tính khí cháu rất nhiều. Mỗi khi cha mẹ ôm hay cầm lấy tay cháu, cháu cảm thấy an tâm và tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Cháu biết cha mẹ thật sự rất yêu cháu”.