Trong khi Mao Trạch Đông bận rộn với tuyên ngôn, báo chí thì Tưởng Giới Thạch xuất thân chinh Đông, thảo phạt quân phiệt Trần Quýnh Minh. Tưởng Giới Thạch làm chỉ huy trưởng thảo Trần quân, còn chính uỷ lại là một đảng viên cộng sản mới 27 tuổi - Chu Ân Lai. Tháng 9 năm 1924, Chu Ân Lai từ Pháp trở về Quảng Châu đảm nhiệm trưởng ban tuyên truyền khu uỷ Trung Cộng ở Quảng Đông, cởi bỏ bộ com-lê, Chu mặc quân phục và đến giữ chức chủ nhiệm khoa chính trị của Trường quân sự Hoàng Phố, từ đó Chu là người cộng sự của Tưởng hiệu trưởng. Tưởng Giới Thạch khâm phục tài năng của Chu Ân Lai, nhưng im lặng mà than rằng: “Đáng tiếc! Con người có đôi mày rậm đen này lại là cộng sản”.
Tưởng Giới Thạch cầm đầu ba vạn quân chinh Đông cũng là chủ trương của Quốc - Cộng hợp tác nên đã mời Chu Ân Lai làm chính uỷ. Ngày 1 tháng 10 năm 1925 xuất binh, thì ngày 14 đã có trận thắng đầu, công phá thành Huệ Châu - sào huyệt của Trần Quýnh Minh, đến cuối tháng 11 san bằng mọi lực lượng của y, quân lính nhanh chóng khải hoàn Ngũ Dương thành, Tưởng Giới Thạch bỗng nhiên càng nổi danh.
Theo điều lệ Quốc dân đảng, mỗi năm triệu tập một lần đại hội đại biểu toàn quốc và do đó Nhị toàn cũng đã đến gần, vả lại phái Tây Sơn liên tục phá rối, Nhị toàn phải kịp họp nhanh chóng để giải quyết. Mao Trạch Đông là một trong năm uỷ viên ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội và chấp bút khởi thảo báo cáo “Giải thích sách lược cách mạng với toàn thể đảng viên Quốc dân đảng Trung Quốc trong và ngoài nước”.
8 giờ 30 sáng ngày 4 tháng 1 năm 1926, Nhị toàn của Quốc dân đảng Trung Quốc chính thức khai mạc, chủ tịch đoàn chủ tịch là Uông Tinh Vệ, trưởng đoàn thư kí là Ngô Ngọc Chương - đảng viên đảng Cộng sản, Mao Trạch Đông ngồi ở số ghế 15, số đại biểu cộng sản gồm 100 vị trong tổng số 256 người dự đại hội. Tưởng Giới Thạch không chỉ là đại biểu chính thức mà còn lên diễn đàn báo cáo về quân sự, oai phong như “anh hùng chinh Đông”, ông khẳng khái mà rằng: “Năm ngoái đã có thể thống nhất Quảng Đông, năm nay thống nhất cả Trung Quốc hẳn không khó khăn gì!”. Đại hội đứng dậy hoan hô nhiệt liệt, và nào ngờ cái gọi là “năm nay” của Tưởng sao mà lâu vậy! Mao Trạch Đông báo cáo chuyên đề tuyên truyền.
Người đời sau bình luận, ai mà biết trước Nhị toàn 1926 là nơi gặp gỡ của Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch và Uông Tinh Vệ, ba con người đó sau này lại trở thành thủ lĩnh của ba thế lực. Trung Cộng, Quốc dân đảng và Nguỵ quyền cho Nhật, từng một thời kì như ba chân kiềng của lịch sử Trung Quốc.
Tưởng Giới Thạch lọt vào hàng ngũ uỷ viên trung ương chính thức, còn Mao Trạch Đông vẫn chân dự khuyết nhưng là quyền trưởng ban tuyên truyền.
“NGÔI SAO CHÍNH TRỊ” TƯỞNG GIỚI THẠCH GẶP CẢNH ÉO LE
Sau Nhị toàn chẳng bao lâu, ngày 1 tháng 2 năm 1926, Tưởng Giới Thạch được phong chức Tổng giám quân cách mạng Dân quốc, ông trở thành nhân vật quan trọng “dưới một người, trên vạn người” ở đất Quảng Châu này. Con người mà Tưởng Giới Thạch còn phải đứng dưới chính là Uông Tinh Vệ, một mình thâu tóm cả ba quyền lực: đảng, chính, quân - Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng, Chủ tịch Hội đồng chính phủ Dân quốc, Chủ tịch hội đồng quân sự.
Uông Tinh Vệ lớn hơn Tưởng Giới Thạch bốn tuổi, đêm 11 tháng 3 năm 1910, Uông bị bắt vì can tội đặt mìn dưới cầu Ngân Định nhằm sát hại Nhiếp chính vương, lúc ấy Uông mới 27 tuổi, hiên ngang nhận án tử hình, may mà cách mạng Tân Hợi bùng nổ, Uông được cứu sống. Từ bấy, vị chí sĩ phản Thanh họ Uông như diều gặp gió, có danh vọng trong Quốc dân đảng, lại là người thông minh sáng láng, viết hay nói giỏi, tính tình tròn trịa, sớm được lòng Tôn Trung Sơn và rõ ràng đảm nhiệm trọng trách ghi lại di chúc của Tôn. Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, bất kì hội nghị to nhỏ nào của Quốc dân đảng. Uông Tinh Vệ cũng yêu cầu mọi người đứng dậy cung kính đồng thanh đọc bản di chúc một lần, quả là người kế thừa xuất sắc của Tôn Trung Sơn. Cũng từ Nhị toàn, Uông Tinh Vệ luôn chủ trì các cuộc hội nghị... Quốc dân đảng với sự tham gia của Tưởng Giói Thạch và Mao Trạch Đông, họ xưng hô với nhau bằng đại từ “đồng chí”, tuy vậy vai trò của Mao vẫn chỉ là “dự khuyết” và “quyền” mà thôi. Ngày 16 tháng 2 năm 1926, Mao Trạch Đông cáo bệnh xin nghỉ hai tuần, công việc của ban tuyên truyền tạm bàn giao cho Thẩm Nhạn Băng thay thế. Kì thực thì Mao chẳng đau ốm gì, ông là người của Trung Cộng nên vì nhiệm vụ của bên cộng sản, ông bí mật đến vùng giáp ranh giữa Tương -Việt (Hồ Nam và Quảng Đông) là Thiều Quan để tổ chức và lãnh đạo phong trào nông dân ở đó.
Trong thời gian Mao Trạch Đông “cáo bệnh”, Tưởng Giới Thạch cũng ít xuất đầu lộ diện, và ngày 19 tháng 2 năm 1926 ông đột nhiên xin phép Uông Tinh Vệ “đi Nga nghỉ dưỡng”. Đang là một ngôi sao chói sáng, lại tiến nhanh tiến thẳng, chỉ “dưới một người”, cớ sao Tưởng Giới Thạch lại muốn rời xa Quảng Châu đi Nga làm gì?
Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông khác nhau ở chỗ, người ưa viết nhật kí để giãi bày tâm sự, kẻ chỉ ghi qua loa đôi dòng cảm hứng nhân du lãm đó đây, không hề liên quan đến chính trị, vì vậy nên chúng ta hiểu được đôi điều éo le, trắc ẩn mà Tưởng Giới Thạch đang trăn trở qua nhật kí của ông. “Ta quyết định sang Nga nghỉ dưỡng, nhân đó nghiên cứu lí luận chính trị cách mạng. Gần đây hoàn cảnh xấu đi rõ rệt, nhiều người hoài nghi, tích thù tích oán, tư tưởng không nhất trí, chí hướng khó xác định, ưa nhàn hạ v.v... Thôi đành li Việt viễn du, đi chơi xa khỏi Quảng Đông một chuyến”.
Quả đúng như vậy, trong nội bộ Quốc dân đảng “rễ” của Tưởng chưa sâu, “thân” lại còn non, đành một nhẽ như vậy nhưng điều làm ông bức xúc nhất chính là Trung Cộng. Tưởng Giới Thạch sở dĩ xây dựng trường quân sự Hoàng Phố trở thành “trung tâm của đảng ta, của quân đội ta” là nhờ lực lượng Trung Cộng, Tưởng Giới Thạch chinh Đông, thắng lợi, công lao lớn nhất cũng do Trung Cộng đóng góp. Đầu năm 1926, đại biểu của đảng bên cạnh chỉ huy trưởng ba sư đoàn thuộc sư đoàn 1 dưới quyền của Tưởng Giới Thạch thì hai người là cộng sản. Tưởng lo ngại thanh thế của Trung Cộng ngày một phát huy và người bên họ ngày một luồn sâu. Đã có lần ông yêu cầu Chu Ân Lai công bố danh sách đảng viên cộng sản trong Trường quân sự Hoàng Phố và quân đoàn 1 nhưng đã bị Chu cự tuyệt!
Ngoài ra, giữa Tưởng và cố vấn quân sự của Liên Xô phái sang là Quý Sơn Gia (tên Trung Quốc) đã nảy sinh mâu thuẫn. Tưởng yêu cầu Bắc phạt, Quý cho rằng chưa đến thời cơ, Uông Tinh Vệ ủng hộ ý kiến cố vấn và do đó nghị quyết của Nhị toàn không thể đả động đến vấn đề này, Tưởng tức giận đã bỏ luôn cả lễ bế mạc đại hội. Mâu thuẫn gay gắt đến mức “đồng chí Liên Xô ganh tị ta, nghi ngờ ta, làm nhục ta, ta sẽ có cách...”, Tưởng Giới Thạch đề xuất từ chức Tổng giám, uỷ viên hội đồng quân sự, Tư lệnh Quảng Châu rồi xin đi nghỉ dưỡng ở Nga. Nói như vậy nhưng Tưởng cũng hiểu rằng, tình hình đã khác xưa, không như hồi Tôn Trung Sơn còn sống, hễ có điều gì bất mãn là bỏ về Khê Khẩu và Tôn lại năm điện bảy điện “thỉnh Tưởng hồi kinh”, nhưng nay, nếu quả là đi Nga nghỉ dưỡng thật thì quân quyền sẽ nhanh chóng rơi vào tay Uông Tinh Vệ!
Tiến thoái lưỡng nan, Tưởng Giới Thạch buồn rầu ghi lại đôi dòng nhật kí “người ta nghi ta, nhạo ta, ganh ta, chửi ta, hại ta...” và đâu đó đã xuất hiện truyền đơn vận động chống Tưởng.