28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 6

Docsach24.com
hư Mao Trạch Đông, Tưởng đã từ chức sau Nhất toàn trở về cố hương Khê Khẩu, sau đó không lâu, ngày 29 tháng 2 năm 1924, ông nhận được điện báo của Tôn Trung Sơn do thành uỷ Thượng Hải chuyển tới: “Trường sĩ quan giao huynh đảm nhiệm, cần bắt tay thực hiện kinh phí đã cấp, thầy trò từ bốn phương tụ tập đến cả trăm, chỉ còn chờ huynh chủ trì, không nên khiến nhiệt tình biến thành thất vọng, vả lại đang còn tại chức, đơn của huynh không được chấp thuận, đừng dứt áo ra đi một cách đường đột như vậy, mong kíp về, không chậm trễ”. Nhận bức điện này, Tưởng Giới Thạch vui như mở tấc lòng nhất là câu “chỉ còn chờ huynh chủ trì” rõ ràng Tôn Trung Sơn rất tôn trọng ta. Sau đó, Liêu Trọng Khải lại ba lần thúc giục, ngày 14 tháng 4, Tưởng khởi hành, sáng 21 bái kiến Tôn Trung Sơn, ngày 26 chính thức nhậm chức hiệu trưởng trường quân sự Hoàng Phố với tuyên bố “hi sinh vì tôn chỉ duy nhất của đảng cách mạng” và hôm sau lên lớp ngay cho học viên, nội dung bài giảng “Như thế nào mới là đảng viên cách mạng chân chính?”

Ngày 2 tháng 5 năm 1924, Tôn Trung Sơn phong thêm chức cho Tưởng Giới Thạch, ngoài nhiệm vụ hiệu trưởng còn kiêm tham mưu trưởng bộ Tư lệnh Việt quân (1). Đó là một ngày lịch sử trong cuộc đời của Tưởng Giới Thạch, là cột mốc quan trọng trên hành trình chính trị của ông, bắt đầu nắm quân quyền, cũng có thể ban đầu Tưởng chưa hiểu hết ý nghĩa của hai chữ “hiệu trưởng” - quân hàm rất đặc biệt ấy. Sau này khi trở thành thủ lĩnh, Tổng thống, nhiều thuộc hạ vẫn cung kính “Tưởng hiệu trưởng”, vừa thân quý, vừa tôn vinh, họ nguyện làm học trò bé nhỏ suốt đời của ông. Làm hiệu truởng một trường quân sự, Tưởng Giới Thạch luôn luôn phải tỏ ra gương mẫu trước giáo viên và học sinh, mỗi sáng tinh mơ thức dậy theo hiệu lệnh, quân phục chỉnh tề, kỉ luật nghiêm minh, cứ ba ngày hai lượt lên lớp giảng bài, đêm hôm thị sát đến tận kí túc xá xem xét công việc học hành ra sao, tác phong quân sự của Tưởng Giới Thạch cũng hình thành từ đó.

Tôn Trung Sơn bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm hiệu trưởng và không quên cử thêm Liêu Trọng Khải - người đại diện của đảng đứng bên cạnh, chức danh này xưa nay chưa có trong quân đội, vừa mới quy định sau khi mô phỏng hình thức tổ chức của Hồng quân Liên Xô. Ngày 6 tháng 6 năm 1924, Hoàng Phố Trường Châu rực rỡ cờ hoa, lần đầu tiên xuất hiện biểu ngữ viết ngang nhưng từ phải sang trái với dòng chữ “Lễ khai giảng trường sĩ quan lục quân Quốc dân đảng Trung Quốc”, và trên thao trường huấn luyện vang lên khúc quân hành mà nội dung tràn ngập hào khí: “Đả đảo cường quyền, khử trừ quân phiệt, cách mạng quốc dân thành công, hát lên ta cùng hát lên”. Tôn Trung Sơn bước lên diễn đàn giữa tiếng vỗ tay và reo hò như sấm dậy của sĩ tướng, ông nói: “Hôm nay chúng ta khai giảng trường học này, với mục đích gì? Đó là, kể từ đây sáng tạo lại sự nghiệp cách mạng, lấy các học viên của trường làm gốc rễ để lập nên quân đội cách mạng”. Tôn Trung Sơn tiếp tục bài diễn thuyết với một giọng nói bi thống mà rằng: “Nguyên nhân làm cho cách mạng Trung Quốc chưa đi tới thành công là do chưa có một lực lượng vũ trang cách mạng của chính mình... Để hoàn thành sứ mạng mà lịch sử giao phó, tôi hạ quyết tâm cải tổ Quốc dân đảng và xây dựng quân đội cách mạng của chúng ta!”. Hôm ấy, Tưởng Giới Thạch nghiêm trang trong quân phục, mũ rộng vành, áo Trung Sơn bốn túi lắng nghe Tôn Tổng lý nhấn mạnh từng lời”.

Chú thích:

(1) Việt - tên gọi tắt của Quảng Đông - ND.