Hội trường treo đảng kì của Quốc dân đảng - cờ “thanh thiên bạch nhật”, khi khai mạc, Tôn Trung Sơn cùng tất cả đại biểu đứng dậy hướng về đảng kì lạy ba lạy như thể nghi thức chào cờ ngày nay. Năm 1894, lúc Tôn Trung Sơn sáng lập Hưng Trung hội, một hội viên tên gọi Lục Hạo Đông đã thiết kế lá cờ này, màu xanh tượng trưng cho thanh niên, chính giữa là mặt trời trắng, toả tia sáng ra bốn phương. Ban đầu số tia sáng không quy định cụ thể, sau đó Tôn Trung Sơn đề nghị nên 12, vừa là 12 can chi, vừa là 12 thời khắc. Hoàng Hưng nhận thấy cờ chỉ có hai màu xanh trắng không đẹp, Tôn Trung Sơn đồng ý và thêm vào màu đỏ thành tên gọi “thanh thiên, bạch nhật, mãn địa hồng”. Ba màu xanh trắng đỏ còn tượng trưng cho tự do, bình đẳng, bác ái. Năm nhậm chức Tổng thống lâm thời Trung Hoa dân quốc, Tôn Trung Sơn quyết định lấy “thanh thiên, bạch nhật, mãn địa hồng” làm quốc kì, còn đảng kì chỉ có phần “trời xanh, vầng dương trắng” mà thôi.
Nơi “chôn rau cắt rốn” của Quốc dân đảng là Bắc Kinh, còn nay Quảng Châu - trung tâm cách mạng của Trung Quốc là địa điểm cử hành Nhất toàn bầu cơ quan lãnh đạo của đảng. Sau này trường Cao đẳng sư phạm hợp nhất với hai trường Chuyên nghiệp nông học, Chuyên nghiệp pháp luật và chính trị thành Đại học Trung Sơn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay, là nhân chứng của cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch.
Sáng ngày 30 tháng 1 năm ấy, Nhất toàn đã bầu cử được các uỷ viên chính thức và uỷ viên dự khuyết ban chấp hành trung ương của Quốc dân đảng, trong 24 uỷ viên chính thức có ba vị là đảng viên Trung Cộng (Đàm Bình Sơn, Lý Đại Chiêu, Vu Thụ Đức), và trong 17 uỷ viên dự khuyết có bảy vị là cộng sản (Mao Trạch Đông, Cù Thu Bạch, Trương Quốc Đào, Thẩm Định Nhất, Lâm Tổ Hàm, Vu Phương Châu, Hàn Lân Phù).
Chiều hôm ấy, từ hội trường Cao đẳng sư phạm Quảng Đông vang lên ba lần tiếng hô như sấm dậy “Trung Quốc Quốc dân đảng muôn năm”, hai nhân vật của cuốn sách này, người đại biểu chính thức và tiến vào tầng cao lãnh đạo, kẻ dự thính ngồi suy ngẫm sự đời chắc đều phải ba lần giơ tay và hưởng ứng “muôn năm, muôn năm” và “muôn năm”.
Mao Trạch Đông lên đường đi Thượng Hải, làm việc tại cơ quan ban chấp hành Quốc dân đảng ở đó. Còn Tưởng Giới Thạch? Theo phân công của Tôn Trung Sơn, làm trưởng ban trù bị thành lập trường sĩ quan lục quân, sau này thường gọi trường quân sự Hoàng Phố vì địa điểm của nó là đảo Hoàng Phố, Trường Châu trên sông Châu Giang, ngoại ô Quảng Châu.
Qua nhiều năm thất bại, Tôn Trung Sơn rút ra bài học: cần phải có trong tay một lực lượng quân đội mạnh và ông quyết định bắt đầu từ việc xây dựng trường đạo tạo sĩ quan. Cũng theo Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch từng du học quân sự ở Nhật Bản, là một tướng tài, ông chỉ muốn dựa vào Tưởng Giới Thạch trong lãnh vực vũ trang mà không đào tạo Tưởng Giới Thạch trở thành nhà hoạt động chính trị, cho nên trong Nhất toàn Tưởng Giới Thạch bị “bỏ rơi”, Tôn Trung Sơn hi vọng Tưởng sẽ chuyên tâm cho nhà trường. Tưởng Giới Thạch chưa hiểu hết ý nghĩa của vấn đề, ngày 21 tháng 2 ông đệ đơn từ chức trưởng ban và trở về Khê Khẩu.
Lúc này Mao Trạch Đông đã đến Thượng Hải, ông vừa làm việc cho Trung Cộng ở Cục Trung ương, vừa làm việc cho Quốc dân đảng ở cơ quan ban chấp hành. Hai ngôi sao trên chính trường Trung Quốc tạm thời cùng toạ lạc ở Quảng Châu khoảng hơn một tháng, nay kẻ nam ngưòi bắc, kẻ khóc người cười, song chưa có gì phải quan ngại, bởi vì họ đang đều là những quân cờ.