28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 2

Docsach24.com
ùng lúc Mao Trạch Đông trên đường đến Quảng Châu liên tục từ nơi đây điện báo phát về Khê Khẩu - một trấn nhỏ miền Phụng Hoá tỉnh Triết Giang, thúc giục Tưởng Giới Thạch đang chú tâm làm lễ minh thọ (1) sáu mươi cho thân mẫu Vương Thái Ngọc, mau mau trở lại Quảng Châu.

Khê Khẩu nổi tiếng non xanh nước biếc, nơi hội lưu của hai dòng sông rồi tiếp tục uốn lượn giữa hai rặng núi và đổ về biển. Hàng trăm ngôi nhà tường xanh ngói xám được xây cất bên này bờ nam, còn phía bên kia bờ bắc là cả một phố chợ chạy dài như hình con cá, gồm hàng gạo, hàng mì, hiệu tạp hoá, quán cơm, quán rượu v.v... đông vui nhộn nhịp, và người ta gọi đây là trấn Khê Khẩu.

Khê Khẩu là đại bản doanh của họ Tưởng, phải hơn nửa số dân ở đây mang họ này. Phía đông của Khê Khẩu có cổng thành, trên ghi 3 chữ: “Võ lĩnh môn”, qua khỏi Võ lĩnh môn, men theo một con đường hẹp đến lâu đài hai tầng, xung quanh bao bọc bởi tường vây màu trắng, đó là dinh cơ của tổ tiên Tưởng Giới Thạch, sau có tên gọi “Phong cảo phòng”. Hai chữ “phong” và “cảo” đều có lai lịch từ điển tích “lưỡng Chu Văn võ, lưỡng vương Tống đố, rằng Chu Văn Vương dựng đô ở Phong Ấp, còn Chu Võ Vương thì ở Cảo Kinh. Phong cảo phòng có tiểu viện và 10 gian nhà, thật là một tố cư nơi trấn nhỏ Khê Khẩu này.

Ông nội của Tưởng Giới Thạch tên là Tưởng Ngọc Biểu đã mở ba gian hàng với bảng hiệu: “Ngọc Thái diêm phố” ở Khê Khẩu chuyên bán muối, vôi, rượu và gạo. Tưởng Ngọc Biểu sinh được hai con trai, trưởng nam Tưởng Triệu Hải, thứ nam Tưởng Triệu Thông. Người anh thứ hai của Tưởng Ngọc Biểu không có con cái, nên ông đã cho trưởng nam của mình là Triệu Hải về ở với anh làm người kế nghiệp, và giao thứ nam Triệu Thông đảm đương công việc kinh doanh Ngọc Thái diêm phố.

Triệu Thông khôn ngoan lanh lợi, có đầu óc buôn bán, được thân phụ giao phó cả cơ nghiệp cửa hàng, ông đã khuếch trương kinh doanh, làm ăn phát tài, nổi danh cả trấn Khê Khẩu, đi đâu cũng dương dương tự đắc. Tưởng Triệu Thông đầu tiên lấy con gái họ Từ làm vợ, bà sinh được một trai một gái, trưởng nữ Tưởng Thuỵ Xuân, và thứ nam Tưởng Thuỵ Sinh (dân trấn thường gọi Tưởng Giới Khanh). Năm 1882 (tức Quang Tự thứ 8), lúc Triệu Thông 41 tuổi, Từ thị không may lâm bệnh qua đời, chẳng bao lâu ông tục huyền, cưới Tôn Thị làm kế thất và lại “sát thê”. Khi ấy, viên kế toán Ngọc Thái diêm phố là Vương Hiền Đông bèn giới thiệu cô em họ Vương Thái Ngọc cho Triệu Thông và ông ưng thuận ngay.

Vương Thái Ngọc mới 22 tuổi, đã có một đời chồng với người họ Trúc, anh chàng này tính nết cục cằn, thô lỗ, thường hành hạ mắng chửi Vương thị, rồi sớm lâm bệnh, chết non. Sau khi goá bụa, Vương Thái Ngọc định đi tu, nhưng nghe lời anh họ, thị cũng đành nhắm mắt đưa chân, lên kiệu hoa về Ngọc Thái diêm phố vào năm 1886. Ngày 15 tháng 9 Quang Tự thứ 13 nhằm 31.10.1887 Tây lịch, tại đông phòng Ngọc Thái diêm phố, bà sinh hạ con trai cho họ Tưởng, bà xứng đáng là người vợ làm rạng danh Triệu Thông, nhạc phụ Tưởng Ngọc Biểu mừng rỡ liền đặt tên cho hạt giống Tưởng gia là Thuỵ Nguyên, phổ danh Chu Thái, tên trung học là Chí Thanh, tự Giới Thạch, về sau đi theo Tôn Trung Sơn lại cải danh thành Trung Chính. Tưởng Giới Thạch chỉ còn một người em gái là Tưởng Thuỵ Liên, hai người em khác - Thuỵ Cúc và Thuỵ Thanh đều chết yểu từ bé.

Năm 1895, lúc lên tám, Tưởng Giới Thạch mồ côi cha, cả nhà chuyển vào Phong cảo phòng sinh sống, mọi công việc dạy dỗ, nuôi nấng đều trông vào thân mẫu, nên ông rất quý mến và có hiếu với bà.

Thuở nhỏ, lúc chơi trò đánh trận giả, Tưởng Giới Thạch rất thích tự xưng là đại tướng quân, và lớn lên quả nhiên chức danh “đại tướng quân” đã theo ông suốt đời, nhưng có ba lần mấu chốt mà khi nghiên cứu thân thế và sự nghiệp Tưởng Giới Thạch, người ta không thể không nhắc tới.

Lần thứ nhất năm 1906, lúc Tưởng Giới Thạch 19 tuổi và đang học ỏ trường trung học Long Tân - Phụng Hoá thì được đưa sang Nhật Bản theo ngành quân sự, tại đây ông quen thân với Trần Kỳ Mỹ. Nhờ Trần giới thiệu, năm 1908 Tưởng Giới Thạch gia nhập Đồng minh hội. Ông cùng Trần Kỳ Mỹ, Hoàng Khổng kết nghĩa anh em. Sau khi về nước, Trần giữ chức đô đốc quân đội Thượng Hải kiêm Tổng Tư lệnh thảo Viên quân (2), còn Tưởng Giới Thạch, dưới trướng của Kỳ Mỹ, ông được cử làm trung đoàn trưởng trung đoàn số 5.

Lần thứ hai là năm 1922, cũng nhờ quan hệ với Trần Kỳ Mỹ mà Tưởng Giới Thạch đã đi theo Tôn Trung Sơn. Năm 1914, Trung Hoa cách mạng đảng (tiền thân của Quốc dân đảng Trung Quốc) thành lập, Tôn Trung Sơn làm Tổng lý, Trần Kỳ Mỹ làm Bộ trưởng tổng vụ. Hai năm sau, Trần bị ám hại ở Thượng Hải, và đây là lúc Tưởng Giới Thạch tìm đến với Tôn Trung Sơn. Mùa xuân năm 1918, Tôn Trung Sơn bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm chủ nhiệm phòng tác chiến bộ Tổng Tư lệnh quân đội. Tuy nói rằng đã có lúc nhận thấy không có thực quyền, Tưởng Giới Thạch bèn xin Tôn Trung Sơn cho từ chức trở về Thượng Hải lao vào làm ăn với thị trường chứng khoán. Nhưng năm 1921, khi nghe Tôn Trung Sơn kêu gọi, ông liền đi Quế Lâm tham gia trù bị công việc Bắc phạt. Ngày 16.6.1922, Trần Quýnh Minh bội phản, cho lính nổ pháo vào phủ Tổng thống của Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, Tôn điện khẩn cho Tưởng mau về ứng viện. Tưởng Giới Thạch kịp thời hỗ trợ Tôn Trung Sơn phản kích quân đội của Trần Quýnh Minh, và ngày 10.8.1922 hộ tống Tôn rời Quảng Châu đi Thượng Hải. Nhân dịp này, Tưởng Giới Thạch đã viết cuốn “Tôn đại Tổng thống Quảng Châu mông nạn kí” và được cất nhắc lên chức tham mưu trưởng đại bản doanh.

Lần thứ ba, chính là lúc này, Tôn Trung Sơn đang thúc giục Tưởng Giới Thạch nhanh chóng trở lại Quảng Châu để chuẩn bị xây dựng trường quân sự Hoàng Phố. Ông nhớ lại những kỉ niệm khó quên trên chiến hạm Vĩnh Phong lúc Tưởng Giới Thạch xả thân che chở, đưa ông thoát khỏi vòng hiểm nguy, tạm lánh về Thượng Hải mà lòng càng tin tưởng viên tướng trẻ họ Tưởng.

Vì sao Tưởng Giới Thạch lại từ bỏ Quảng Châu, nơi phong ba bão táp, để náu mình ở Khê Khẩu - một trấn nhỏ vô cùng yên tĩnh và không mấy nổi danh? Phần vì thân mẫu và lễ minh thọ, nhưng phần do cảm thấy vẫn chưa có thực quyền, đã có lúc ông “bức rức, trăn trở, sách chẳng buồn xem, việc chẳng muốn làm, định tự sát!”.

Lúc bấy giờ Tôn Trung Sơn đang thực hiện ba chính sách lớn “liên Nga, thân Cộng, giúp đỡ công nông”, quan hệ với Liên Xô ngày một bền chặt. Đại diện Quốc tế Cộng sản là Ma-lin đã đề nghị Tôn Trung Sơn cử đoàn đại biểu sang thăm Liên Xô. Tưởng Giới Thạch may mắn được Tôn Trung Sơn giao cho nhiệm vụ làm trưởng đoàn cùng ba thành viên khác là Trương Thái Lôi, Thẩm Định Nhất và Vương Đăng Vân lên đường Tây du. Trương Thái Lôi là một chiến sĩ cộng sản trứ danh, năm 1920 đã tham gia nhóm chủ nghĩa cộng sản ở Bắc Kinh, nói tiếng Anh rất lưu loát. Thẩm Định Nhất cũng là đảng viên cộng sản, một mãnh tướng của tạp chí “Tân thanh niên”. Còn Vương Đăng Vân làm thư kí Anh ngữ cho Tưởng Giới Thạch. Ngày 16-8-1923 đoàn khởi hành, ở thăm Liên Xô ba tháng, khi đến Mạc Tư Khoa đoàn định xin gặp Lênin nhưng không được đáp ứng vì Người đang nằm viện để cứu chữa do bị ám sát. Tại đây, Tưởng Giới Thạch và các thành viên của đoàn đã gặp gỡ và làm việc với nhiều cán bộ lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ, ngoài ra còn gặp nhà cách mạng Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc cũng vừa tới Mạc Tư Khoa. Tưởng Giới Thạch được các nhà lãnh đạo Liên Xô sắp xếp chương trình nghiên cứu khảo sát về quân sự, tham quan nhiều học viện đào tạo sĩ quan và khi xưng hô với nhau, hai bên đều dùng đại từ “đồng chí” phát âm theo tiếng Nga - “ta-va-rit”. Ngày 15.12.1923, Tưởng Giới Thạch cùng đoàn đại biểu đáp tàu thủy về đến Thượng Hải, sau khi vội vàng báo cáo sơ qua với Hồ Hán Dân, Uông Tinh Vệ, ngay hôm ấy Tưởng Giới Thạch liền tiếp tục hồi hương và đúng ngày 16.12.1923 có mặt ở Khê Khẩu.

Tưởng Giới Thạch nóng lòng như vậy vì hôm nay chính là ngày minh thọ sáu mươi cho thân mẫu Vương Thái Ngọc. Mùa xuân năm 1921, lão bà lâm bệnh nặng, đích thân Tưởng Giới Thạch chăm nom thuốc thang để báo đáp công sinh thành dưỡng dục. Lúc bấy giờ Tôn Trung Sơn dẫn quân xuất chinh Quảng Tây nên đã điện khẩn cho Tưởng Giới Thạch có mặt ở Quảng Châu lo việc nội trướng, ông không thể từ nan, nhưng cũng chỉ năm ngày ở đó mà thôi, trở về Khê Khẩu vào đúng ngày 14 tháng 6 thì thân mẫu quy tiên, thọ chưa tròn lục tuần.

Những ngày ở Khê Khẩu làm lễ minh thọ sáu mươi cho mẹ, Tưởng Giới Thạch trú tại Từ Am gần ngay lăng mộ của bà, tranh thủ viết xong bản “Du Nga báo cáo thư” rồi cử người trình cho Tôn Trung Sơn.

Ngày 30.12.1923, Tôn Trung Sơn lại điện giục Tưởng Giới Thạch “mau về Quảng Châu báo cáo cụ thể kết quả khảo sát ở Liên Xô và chuẩn bị phương án hợp tác Trung - Nga”, song ông vẫn nấn ná ở Từ Am lo nhang khói cho mẹ và ngày ngày bách bộ nghĩ suy... đường đường là trưởng một phái đoàn thay mặt cho Tôn Trung Sơn sang thăm và khảo sát ở Liên Xô mà lại bị gạt ra ngoài danh sách đại biểu chính thức đi dự Nhất toàn của Quốc dân đảng Trung Quốc...

Mồng một tết Giáp Tý, nhằm 5.2.1924 Tây lịch, sau khi đắn đo mọi bề, Tưởng Giới Thạch quyết định trở về Quảng Châu, không ngờ hai ngôi sao lớn trên chính trường Trung Quốc lại sớm gặp nhau ở Ngũ Dương thành này, ghi một cột mốc khởi đầu quan trọng trong cuộc cờ thế kỉ giữa họ - Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch.

Chú thích:

(1) Lễ mừng thọ cho người đã khuất, chữ “minh” ở đây có nghĩa là tối tăm, âm phủ...

 (2) Viên Thế Khải