28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 11

Docsach24.com
ùa xuân năm 1969, Đại hội 9 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc. Đại hội tuyên cáo với Quốc dân đồng bào, với toàn Đảng là: “Bộ Tư lệnh của giai cấp vô sản do Mao Trạch Đông chủ soái, Lâm Bưu phó soái đã đập tan bộ Tư lệnh giai cấp tư sản của Lưu, Đặng. Đại hội tràn ngập bầu không khí tả khuynh và sùng bái cá nhân, chỉ một lời khai mạc ngắn ngủi của Mao Trạch Đông mà đã phải ngắt quãng hàng chục lần để tung hô vạn tuế. Đại hội đã để lại một điều kỳ quái: trong điều lệ Đảng, quy định “Lâm Bưu là người kế vị Mao Trạch Đông”! Đại hội bầu được 170 ủy viên chính thức, 190 ủy viên dự khuyết, số cũ của khóa 8 chỉ tái cử 32%, chủ tịch Đảng vẫn là Mao Trạch Đông, và một phó chủ tịch duy nhất là Lâm Bưu. Trần Bá Đạt, Khang Sinh lọt vào ban thường vụ Bộ Chính trị. Người cũ chỉ còn lại Chu Ân Lai, vẫn thủ tướng, vẫn ủy viên ban thường vụ Bộ Chính trị.

Sau Đại hội 9, Lâm Bưu đắc thắng nhảy ra chính trường, không lo quốc phòng mà chỉ mưu cơ tiếm quyền. Ngày 18 tháng 10 năm 1969, Lâm Bưu lừa dối Mao Trạch Đông và Trung ương, đặt điều Liên Xô sẽ tập kích vào Bắc Kinh và phát “chỉ thị khẩn cấp” đặt toàn quân trong tình trạng thời chiến, đó là “Mệnh lệnh số 1” tiền trảm hậu tấu của Lâm Bưu. Ngày 19, Lâm Bưu bằng hình thức “ghi chép điện thoại” báo cáo Mao Trạch Đông, buộc ông đồng ý như một việc đã rồi, nhưng Mao Trạch Đông không nghe và ra lệnh: “đốt”. Lâm Bưu và Hoàng Vĩnh Thắng hoảng hốt, song lập mưu che giấu tội trạng rằng “Mao Chủ tịch nói rất đúng, đốt”.

Âm mưu thâm độc của Lâm Bưu là qua lần này để diễn tập chính biên, xem thử mệnh lệnh của “phó soái” có nghiêm hay không, và nhân cơ hội sơ tán thời chiến mà đẩy các bậc lão thành ra khỏi Bắc Kinh để Lâm Bưu tiện bề hành động và tống khứ bọn “hắc bang” về nông thôn cải tạo lao động, trong số đó Đặng Tiểu Bình bị đưa về Giang Tây.

Sáng ngày 26 tháng 10 năm 1969, khi nhạc hiệu “Đông phương hồng, mặt trời lên” ầm vang, xe chở Đặng Tiểu Bình, Trác Lâm và kế mẫu Hạ Bá Căn rời Trung Nam Hải, không một người đưa tiễn, không một đứa con cháu nào bên mình. Đặng Lâm đã tốt nghiệp họa sĩ, chưa có việc làm vì còn bị ép buộc tố cáo cha mình. Đặng Phác Phương không còn cảm giác đại, tiểu tiện, một thân một mình nằm ở bệnh viện 301. Đặng Nam, Đặng Dung, Đặng Chất Phương mỗi đứa một nơi đang lao động cải tạo ở nông thôn An Huy, Thiểm Tây, Sơn Tây, tất cả đều biệt vô âm tín.

Xe đưa họ đi trên những đường phố Bắc Kinh ngập trong màu đỏ của biển biểu ngữ “đả đảo”, “đốt cháy” bộ Tư lệnh giai cấp tư sản Lưu, Đặng. “Gió lạnh, thu buồn, rời kinh lần này biết lúc nào trở lại?”, Đặng Tiểu Bình cảm thán và bất chợt nhớ lại nỗi đau 36 năm về trước, cũng ở Giang Tây, nơi mà ông sẽ đến. Tháng ba năm 1933, tại chiến khu Xô viết của Trung ương Đảng ở Giang Tây, ông đảm nhận chức vụ Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh ủy, vì nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Mao Trạch Đông, và trớ trêu thay cánh tả đã chụp cho Đặng Tiểu Bình những cái mũ “sợ địch”, “bỏ chạy”, “phòng ngự thuần túy”, họ nhốt ông vào một căn phòng chật hẹp để viết kiểm thảo. Năm ấy ông mới 29 tuổi, hai tay lắc mạnh song cửa mà kêu rằng “loạn rồi, loạn rồi”. Đặng Tiểu Bình lo cho Hồng quân, lo cho cách mạng bị mơ màng giữa cơ hội, mạo hiểm và chân chính. Cứ vài ngày một lần, họ lôi ông ra “chất vấn” và vẫn chỉ nhận được câu trả lời ngoan cường kiên quyết. Bà Kim Duy Ánh - người vợ trước của ông đòi ly dị vì sợ liên lụy, Đặng Tiểu Bình đã không do dự ký ngay vào đơn. “Kiểm thảo” không làm gì được chàng trai cứng cỏi này cộng thêm sự khuyên ngăn của Chu Ân Lai và Lý Phú Xuân nên họ đành “cảnh cáo” và đưa ông về một huyện tiền tuyến của Giang Tây là An Lạc. 10 ngày sau, người ta lại điều Đặng Tiểu Bình trở về tỉnh ủy. Lúc ấy, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Hồng quân là Vương Gia Tường đang bị thương nằm viện hay tin sự việc của Đặng Tiểu Bình đã điện thoại xin Bác Cổ - phụ trách Trung ương Đảng - cho phép điều ông về công tác ở Tổng cục chính trị. Từ hoàn cảnh bị công kích, Đặng Tiểu Bình lại được điều lên giữ chức Trưởng đoàn thư ký của Tổng cục chính trị kiêm Tổng biên tập báo “Sao đỏ” và sau đó “đường lối La Minh Giang Tây” mà ông theo đuổi, từng bị phê phán, lại tiếp tục thực hiện, mãi cho đến tháng 5 năm 1934, khi chiến khu Xô viết Giang Tây bị quân dội Quốc dân đảng tiến công chiếm cứ mới thôi. Những chiến hữu cùng bị bức hại một thời với ông như Mao Trạch Đàm, Cổ Bách... ít lâu sau đều hy sinh.

Năm xưa, vì theo Mao Trạch Đông mà bị xử lý, nhưng may sao vẫn còn sống sót và giờ đây chống đối lại cuộc đại Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông không tin dùng nữa, trở thành “nhân vật số hai đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, lại trở về Giang Tây. Ôi, con thuyền vận mệnh biết phiêu bạt về đâu?