20 Nữ nhân Trung Quốc

- 10 -

Tấn Hiến Công đem quân đánh nước Ly Nhung. Nước này xin giảng hòa và dâng Hiến Công hai cô gái - Cô chị là Ly Cơ, nhan sắc mĩ miều như Tức Vỉ, mà gian ngoan không thua Đát Kỷ. Do đó Tấn Hiến Công say mê, ít khi rời nàng, lại cho Ly Cơ dự bàn việc nước. Hơn một năm sau, Ly Cơ sinh con đặt tên là Tề Hề. Em là Thiếu Cơ cũng sinh con tên là Trác Tử.

Trước đây, khi còn là thái tử, Hiến Công đã lấy Giả Cơ, nhưng lâu không có con. Lại lấy cháu gái vua Khuyển Nhung, là Hồ Cơ, sinh con trai tên là Trùng Nhĩ. Rồi lai lấy con vua Tiểu Nhung, sinh con tên là Di Ngô. Tiếp đó, lại thông dâm với vợ thứ tư của bố mình là Tề Khương, sinh con là Thân Sinh. Khi lên ngôi, Giả Cơ mất rồi, nên Hiến Công lập Tề Khương làm hoàng hậu. Do đó, Thân Sinh là thái tử. Tề Khương lại đẻ thêm một con gái rồi mất. Hiến Công lấy em gái của Giả Cơ là Giả Quân. Giả Quân cũng không có con, bèn lấy con gái của Tề Khương làm con nuôi Giả Quân.

Khi có Ly Cơ, nhất là Ly Cơ lại sinh con trai bèn lập làm phu nhân, và nói cho Ly Cơ biết ý muốn cho Tề Hề làm thái tử.

Ly Cơ rất muốn, nhưng thấy Thân Sinh đã chính thức lên ngôi thái tử, lại thân thiết với các công tử Trùng Nhĩ, Di Ngô, nay thay đổi,phần e các quan dị nghị, phần e mấy người kia chống lại. Do đó, tâu với Hiến Công:

- Thái tử Thân Sinh là người hiền, chư hầu đều biết tiếng, nay vì mẹ con thiếp mà bỏ người này dùng người kia, khiến cho thần thiếp mang tai tiếng, thà cho thần thiếp chết sớm đi còn hơn.

Tấn Hiến Công tưởng thực, thôi không nhắc tới việc đó nữa. Lúc đó nước Tấn có hai vị quan là Lương Ngũ và Đông Quan Ngũ được Hiến Công tin dùng, quyền thế rất lớn, người nước Tấn gọi là "hai ông Ngũ". Ngoài ra còn có một kép tuồng là ưu thi trẻ tuổi đẹp trai, có tài khôi hài được Hiến Công yêu mến, cho tự do vào cung cấm. Ly Cơ bèn tư thông với Ưu Thi, say mê hết mức, rồi hai người bàn mưu phế ngôi thái tử của Thân Sinh để lập Tề Hề.

Ưu Thi bảo:

- Nàng nên liên kết với hai ông Ngũ để họ tìm cách tâu với nhà vua cho Thân Sinh và hai công tử Trùng Nhĩ, Di Ngô đi trấn thủ các nơi xa xôi, thì việc ấy mới dễ thành.

Ly Cơ nghe theo, bảo Ưu thi mang nhiều vàng bạc đút lót cho Lương Ngũ, Lương Ngũ biết ý đồ bèn nói:

- Muốn nên việc phải có Đông Quan Ngũ nữa.

Ưu Thi nói:

- Đại phu đừng lo, phu nhân đã có quà biếu Đông Quan Ngũ rồi.

Hôm sau ra  chầu, hai ông Ngũ bèn mượn cớ để phòng thủ đất nước cho vững, tâu với Hiến Công cho thái tử Thân Sinh ra cai trị Khúc Ốc, nơi có lăng mộ tổ tiên, và sai Trùng Nhĩ và Di Ngô ra hai đất Bồ và Khuất nơi biên giới để phòng thủ các nước Nhung, Địch.

Thân Sinh càng ngày càng lập được công trạng, nên Ly Cơ chưa sao hãm hại được. Lại cùng Ưu Thi bàn mưu kéo cánh với những quan to khác là Lý Khắc, Tuân Tức.

Một đêm, Ly Cơ nỉ non bên gối Tấn Hiến Công.

- Thái tử ở Khúc Ốc đã lâu ngày rồi. Bệ hạ nên triệu về chầu. Vừa phần cha con gặp mặt, vừa phần thiếp cũng có cớ giao thiệp. May ra thái tử thg tình mẹ con thiếp chăng?

Tấn Hiến Công cho triệu Thân Sinh về. Thân Sinh chào vua cha, rồi cũng vào chào Ly Cơ. Ly Cơ bèn bày tiệc rượu khoản đãi. Hôm sau, Thân Sinh lại vào cung Ly Cơ để tạ ơn - Ly Cơ giữ lại cùng ăn cơm. Tối hôm đó, nằm bên Hiến Công bỗng Ly Cơ sụt sùi nức nở. Hiến Công hỏi nguyên cớ. Ly Cơ nói:

- Trưa nay thiếp giữ thái tử ở lại trong cung dùng bữa, khi ngà ngà rượu, thái tử bỗng bỡn cợt bảo: "Cha tôi già rồi, liệu mẹ có chịu được không?". Thần thiếp tức quá nên không trả lời. Thái tử lại nói: "Ông tôi ngày xưa khi già cũng đem mẹ tôi là Tề Khương giao cho cha tôi. Nay cha tôi già, ắt cũng giao nàng cho tôi chứ sao nữa?". Nói rồi, Thái tử toan giở trò cưỡng hiếp, thần thiếp vùng vẫy mãi mới chạy thoát được.

Hiến Công ư hử…Ly Cơ bèn nỉ non:

- Nếu nhà vua không tin, xin để thiếp cùng Thái tử dạo chơi ở vườn hoa, rồi đứng trên đài quan sát.

- Tấn Hiến Công bằng lòng. Sáng sau cho Ly Cơ mời Thân Sinh vào cung rồi rủ cùng ra dạo vườn hoa, Thân Sinh nể lời không dám trái ý -Trước khi ra vườn, Ly Cơ đã ngầm bôi mật ngọt và nước thơm vào mái tóc.

Khi đi ngang qua các rặng hoa, quả nhiên ong bướm bu lấy đầu Ly Cơ. Nàng tỏ vẻ cuống quýt chợt quay lại bảo Thân Sinh.

- Sao Thái tử không giúp ta xua ong bướm đi.

-  Thân Sinh vô tình, lấy vạt áo xua ong bướm bay quanh đầu Ly Cơ.

Đứng trên đài cao nhìn thấy, Hiến Công cho là Thân Sinh suồng sã cố ý trêu ghẹo Ly Cơ, bèn tức giận sai người bắt chém - Ly Cơ vội vàng quỳ xuống van nài:

- Nay thiếp rủ Thái tử đi chơi vườn hoa mà bệ hạ lại giết Thái tử thì thiếp sẽ mang tiếng là lập mưu giết Thái tử. Xin nhà vua hãy nén lòng.

Tấn Hiến Công bèn bảo Thân Sinh về ngay Khúc Ốc. Ly Cơ lại cùng Ưu Thi bàn mẹo, cho người ra Khúc Ốc nói với Thân Sinh rằng "Đêm qua mơ thấy nàng Tuyên Khương (mẹ Thân Sinh) giữa mộng kêu đói. Thái tử nên mau về làm lễ tế đi.

Ở Khúc Ốc có đền tế Tề Khương, Thân Sinh liền cho bày tiệc tế lễ, sai người đem phần biếu Hiến Công. Gặp khi Hiến Công đi săn chưa về, Ly Cơ và Ưu Thi ngầm bỏ thuốc độc vào rượu thịt đó, Hiến Công nghĩ Thân Sinh hối lỗi hiếu thảo rót rượu toan uống. Ly Cơ vội níu tay, quỳ tâu:

- Mệnh hệ hoàng thượng đáng giá ngàn vàng, thiếp e nhưng thức ăn từ nơi xa đến không tốt. Xin cho thử đã.

Hiến Công nghe theo, đổ ly rượu xuống đất, thấy đất rộp lên, cắt một miếng thịt quẳng cho chó ăn, chó chết liền. Ly Cơ giả đò chưa tin, sai gọi một nội thị cho ăn, nội thị không chịu ăn, Ly Cơ ép phải ăn. Nội thị ăn xong hộc máu mồm máu mũi ra rồi chết. Lúc ấy Ly Cơ giả bộ hoảng sợ, lăn lóc ra đất kêu gào:

- Cơ nghiệp nước Tấn bao giờ chẳng thuộc về tay Thái tử - Vương thượng tuy già, nhưng sao Thái tử lại không chờ đợi ít lâu, mà dùng độc kế này sao. Thôi thiếp xin thác trước cho rồi. Nói rồi rót rượu giả vờ toan uống. Tấn Hiến Công hôt hoảng, gạt phăng ly rượu, rồi ôm lấy Ly Cơ vỗ về:

- Khanh cứ yên tâm. Ta sẽ trị tội nó.

Rồi ra điện Bình Châu, sai người đi giết Thân Sinh. Lệnh tới nơi có người xui Thân Sinh trốn đi nước khác.

Thân Sinh nói:

- Cha tôi say mê Ly Cơ, nó bảo gì cũng nghe, giờ thì sai quân đánh tôi, dù có tới đâu tôi cũng bị chê cười, mà cha tôi cũng mang tiếng. Thôi thà chết là hơn.

Nói rồi tự vẫn.

"Hai ông Ngũ" lại bàn với Ly Cơ tìm cách hại Trùng Nhĩ và Di Ngô. Ly Cơ bèn nói với Tấn Hiến Công:

- Ở ngoài người ta đồn 2 công tử Di Ngô và Trùng Nhĩ cùng cánh với Thân Sinh, đổ lỗi cho thiếp, nay sắp mang quân vào kinh đô trừ mẹ con thiếp.

Hiến Công sai người đi bắt Trùng Nhĩ và Di Ngô. Hai công tử này đều tìm cách trốn sang nước khác. Hiến Công bèn lập Hề Tế làm thái tử.

Không bao lâu sau Hiến Công ốm nặng sắp mất. Ly Cơ khóc lóc:

- Chúa công nhỡ có mệnh hệ nào, Hề Tế còn bé, bây giờ mà hai công tử ở nước ngoài kéo quân về thì mẹ con thần thiếp biết trông cậy vào ai.

Hiến Công gọi Tuân Tức vào ủy thác cho việc bảo vệ Hề Tế làm vua nước Tấn. Hiến Công mất rồi. Ly Cơ dắt Hề Tế mới mười một tuổi đến chỗ Tuân Tức. Tức bèn lập Hề Tế làm vua nước Tấn.

Lý Khắc và Phi Trịnh Phủ can Tuân Tức không được, bèn bí mật bàn nhau, cho võ sĩ gài lẫn vào đám thị vệ, nhân lúc Hề Tế đi ra thì giết. Kế hoạch diễn ra đúng như đã bàn. Ưu Thi cầm gươm tới cũng bị chém chết luôn.

Sau đó, Lý Khắc và Phi Trịnh Phủ bàn việc đón công tử Trùng Nhĩ về làm vua nước Tấn. Tuân Tức lập Trác Tử lên làm vua nước Tấn, bị bọn Đỗ Ngạn Di chém chết cả đôi, còn "hai ông Ngũ" cũng bị trị tội…

Ly Cơ được tin chạy vào vườn hoa đâm đầu xuống giếng. Lý Khắc sai vớt lên rồi xả thịt thành từng miếng nhỏ quăng đi.