1Q84 - Tập 3

Chương 3: Tengo

Đều là súc vật mặc áo quần

Chiều nào Tengo cũng tới phòng bệnh của cha, ngồi bên giường giở cuốn sách anh mang đến ra đọc thành tiếng. Đọc được chừng năm trang, anh dừng lại nghỉ một lát, rồi đọc thêm khoảng năm trang nữa. Anh đọc thành tiếng bất cứ quyển sách mình đang đọc dở. Có lúc là tiểu thuyết, có lúc là truyện ký, có lúc là sách về khoa học tự nhiên. Quan trọng nhất là việc đọc từng câu lên thành tiếng, chứ không phải nội dung.

Tengo không rõ cha mình có nghe thấy hay không. Chỉ nhìn gương mặt ông thì không thể nhận ra phản ứng gì. Cặp mắt ông già gầy guộc ốm yếu nhắm nghiền, ông mê man ngủ. Thân hình ông không nhúc nhích, thậm chí còn không nghe thấy tiếng thở. Tất nhiên, ông vẫn đang thở, nhưng nếu không ghé sát tai vào, hoặc dùng chiếc gương nhỏ kề gần mũi miệng kiểm tra xem có hơi sương không thì chẳng thể xác định được. Chất lỏng trong chai dịch truyền đi vào cơ thể, ống dẫn niệu lại đưa một chút chất thải ra ngoài. Duy chỉ có những chuyển động lặng lẽ chậm chạp này chứng tỏ rằng ông vẫn còn sống. Thỉnh thoảng, y tá dùng dau cạo râu điện cạo râu cho ông, dùng chiếc kéo nhỏ đầu tù cắt lông trắng mọc thò ra ngoài lỗ tai và lỗ mũi của ông, tỉa lại lông mày cho gọn gàng. Cho dù ông mất đi ý thức, chúng vẫn cứ mọc dài ra như bình thường. Nhìn con người ở trước mắt, Tengo dần dần không hiểu được người ta sống hay chết có bao nhiêu khác biệt. Rốt cuộc có thứ gì đáng để gọi là sự khác biệt hay không? Có lẽ chỉ vì muốn thuận tiện nên chúng ta một mực cho rằng có sự khác biệt.

Khoảng ba giờ bác sĩ đến, cập nhật về bệnh tình với Tengo. Lời giải thích luôn luôn súc tích, nội dung đại loại lần nào cũng như lần nào. Bệnh tình không có gì thay đổi. Ông già chỉ đang ngủ say. Sức sống từ từ suy giảm. Nói cách khác, ông đang bị đẩy về phía cái chết, một cách chậm rãi nhưng chắc chắn. Xét từ góc độ y học, hiện giờ không còn phương cách nào nữa. Chỉ có thể để ông yên tĩnh ngủ say ở đây. Đó là tất cả những gì bác sĩ có thể nói.

Đến xế chiều, có hai hộ lý nam đưa cha anh tới phòng kiểm tra. Mỗi ngày đều là những gương mặt khác nhau, nhưng người nào cũng đều ít nói. Có lẽ là do chiếc khẩu trang quá lớn, họ không hề nói một lời nào. Một trong số họ trông như người nước ngoài, dáng người thấp nhỏ, da ngăm ngăm đen, luôn mỉm cười với Tengo qua lớp khẩu trang. Nhìn đôi mắt là biết anh ta đang mỉm cười. Tengo cũng mỉm cười gật đầu đáp lại.

Sau khoảng từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ, cha anh được đưa trở lại phòng bệnh. Rốt cuộc họ kiểm tra những gì, Tengo không biết. Sau khi cha được đưa đi, anh xuống căng tin tầng dưới uống một cốc trà xanh nóng, ở đó chờ khoảng mười lăm phút, rồi mang theo niềm mong đợi trở về phòng bệnh: trên giường bệnh trống không kia, liệu có xuất hiện nhộng không khí một lần nữa không? Bên trong liệu có cô thiếu nữ Aomame đang nằm hay không? Thế nhưng chuyện ấy không xảy ra. Trong căn phòng bệnh hơi u ám ấy, chỉ còn tàn lưu lại mùi của người ốm và chiếc giường trống có vết hõm xuống.

Tengo đứng trước cửa sổ, dõi mắt nhìn phong cảnh bên ngoài. Đối diện khoảng sân cỏ xanh mơn mởn là dải rừng thông chắn gió đen kịt nằm vắt ngang, từ bên kia dải rừng vẳng ra tiếng sóng. Những con sóng cuồng bạo của Thái Bình Dương. Tựa như có nhiều linh hồn tụ tập về, mỗi hồn thì thầm kể chuyện của mình, ở đó vang lên những âm hưởng tăm tối, dày nặng, chừng như đang kêu gọi thêm những linh hồn khác gia nhập, tìm thêm nhiều câu chuyện có thể kể ra.

Trước đây, hồi tháng Mười, Tengo từng đến viện điều dưỡng ở Chikura này hai lần vào ngày nghỉ, đi và về trong ngày. Anh đi chuyến tàu nhanh buổi sớm đến Chikura, ngồi cạnh giường cha, thi thoảng lại nói chuyện với ông. Nhưng không nhận được hồi đáp. Cha anh nằm ngửa đó, chìm sâu vào giấc ngủ. Hầu hết thời gian thăm nom, Tengo chỉ nhìn ra phong cảnh ngoài cửa sổ. Khi hoàng hôn buông xuống, anh chờ đợi chuyện gì đó xảy ra, nhưng chẳng có gì xảy ra. Duy chỉ bầu trời lặng lẽ chuyển tối, căn phòng bao bọc trong một thứ bóng tối mờ nhạt. Rốt cuộc, anh đành đứng dậy, lên chuyến tàu nhanh cuối cùng trở về Tokyo.

Có lẽ mình nên chuyên tâm ở với cha lâu hơn, một hôm Tengo nghĩ vậy. Những chuyến thăm nom đi về trong ngày e rằng không đủ. Có lẽ cần có một sự quan tâm sâu hơn. Tengo không có căn cứ gì cụ thể để nghĩ như vậy; chỉ là anh cảm thấy thế.

Giữa tháng Muời một, anh xin nghỉ dài ngày. Anh giải thích với trường dự bị rằng cha mình bệnh nặng, anh phải đến đó chăm sóc. Đây không phải lời nói dối. Anh nhờ một người bạn học cùng đại học đến dạy thay. Trong mạng lưới giao tế vốn rất nhỏ bé của Tengo, anh ta là một trong những bạn bè hiếm hoi đến nay vẫn còn duy trì quan hệ. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ vẫn giữ liên lạc, tuy mỗi năm chỉ một hai lần. Ngay cả trong khoa Toán đầy rẫy quái nhân ấy, người này vẫn nổi tiếng là một kẻ quái dị và cực kỳ thông minh. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp anh ta không đi làm, cũng không học lên nghiên cứu sinh, lúc nào hứng lên thì đến trường dự bị của người quen mở dạy toán cho học sinh cấp hai, thời gian còn lại anh ta dùng để đọc đủ loại sách linh tinh, hoặc lên núi câu cá, cuộc sống rất ư nhàn tản. Tengo tình cờ biết được anh ta rất có năng khiếu làm thầy giáo, chẳng qua anh ta không còn hứng thú với tài năng của mình nữa mà thôi. Thêm nữa, anh ta sinh trong gia đình giàu có, nên không cần phải gắng sức làm việc. Trước đây Tengo cũng từng nhờ anh ta dạy thay, học sinh đánh giá rất cao. Tengo gọi điện cho anh ta, giải thích tình hình, anh ta liền nhận lời ngay lập tức.

Tiếp theo còn một vấn đề: Fukaeri đang sống chung với anh ta thì tính sao? Tengo khó lòng quyết được, để cô gái vốn đã rời xa thế tục này ở lại căn hộ trong một thời gian dài liệu có thỏa đáng hay không? Vả lại, cô đang ẩn náu để tránh tai mắt người đời. Anh bèn hỏi thẳng Fukaeri: “Em muốn ở lại đây một mình trông nhà, hay là tạm thời chuyển đến một nơi khác?”

“Anh đi đâu,” Fukaeri nghiêm túc nhìn anh, hỏi.

“Đến thành phố mèo,” Tengo trả lời. “Bố anh đã mất ý thức, hôn mê một thời gian dài rồi. Họ nói chắc ông ấy không sống được bao lâu nữa.”

Chuyện trên giường bệnh xuất hiện nhộng không khí vào buổi hoàng hôn ngày nọ, anh không nhắc đến. Cả chuyện bên trong đó có Aomame đang nằm cũng vậy. Cả chuyện chiếc nhộng không khí ấy giống hệt như Fukaeri miêu tả trong tiểu thuyết đến từng chi tiết nhỏ nhất. Cả chuyện anh âm thầm mong đợi nó xuất hiện lần nữa, cũng không.

Fukaeri nheo mắt, cặp môi mím lại thành đường thẳng, nhìn chằm chằm vào mặt Tengo hồi lâu, tuồng như muốn đọc ra thông tin viết trên đó bằng những con chữ nhỏ xíu. Anh gần như vô thức đưa tay rờ lên mặt mình, nhưng anh không có cảm giác rằng trên đó có viết gì.

“Được,” một lúc sau, Fukaeri gật đầu. “Anh không cần lo cho em. Em ở đây trông nhà cho.” Sau đó cô nghĩ ngợi giây lát, rồi bổ sung thêm: “Trước mắt chưa có nguy hiểm.”

“Trước mắt chưa có nghuy hiểm,” Tengo lặp lại.

“Anh không cần lo cho em,” cô nhắc lại lần nữa.

“Ngày nào anh cũng gọi điện cho em.”

“Đừng bị bỏ lại ở thành phố mèo rồi không về được.”

“Anh sẽ cẩn thận,” Tengo nói.

Tengo đi siêu thị, mua về rất nhiều thực phẩm, như thế thì Fukaeri sẽ không cần ra ngoài mua đồ nữa. Toàn những món chỉ cần xứ lý đơn giản là được. Tengo biết cô gần như không có khả năng nấu nướng, mà cũng không có hứng thú. Anh không muốn sau hai tuần nữa trở về lại thấy đống đồ ăn tươi sống trong tủ lạnh rữa ra nhão nhoét.

Anh nhét quần áo và đồ vệ sinh cá nhân cùng mấy quyển sách, bút và giấy viết vào cái túi nhựa. Như mọi khi, anh lên chuyến tàu nhanh ở ga Tokyo, đổi sang tàu điện phổ thông ở Tateyama, và xuống tàu ở ga thứ hai, Chikura. Anh tới quầy thông tin du lịch ở trước ga tàu điện, tìm một khách sạn giá cả vừa phải. Đang là mùa vắng khách nên rất dễ tìm được phòng trống. Anh trọ ở một lữ quán giản dị chủ yếu phục vụ người đến câu cá ngủ lại. Phòng ốc chật hẹp nhưng được cái sạch sẽ, thoang thoảng mùi chiếu tatami mới. Từ cửa sổ lầu hai có thể nhìn thấy cảng cá. Tiền phòng bao gồm bữa sáng còn rẻ hơn so với dự liệu của anh.

Tengo nói mình chưa biết sẽ ở mấy ngày, tạm thời trả trước ba ngày tiền phòng. Bà chủ lữ quán không phản đối. Bà ta nhẹ nhàng nói rõ với Tengo, lữ quán đóng cửa lúc mười một giờ đêm, và không được đưa phụ nữ vào phòng. Tengo không phản đối. Sau khi ổn định trong phòng, anh gọi điện thoại tới viện điều dưỡng, hỏi cô y tá nghe điện (chính là nữ y tá trung niên mọi khi) rằng anh muốn đến thăm cha vào khoảng ba giờ chiều có được không? Cô y tá trả lời là không có vấn đề gì. “Ông Kawana vẫn ngủ suốt,” cô ta nói.

Cứ vậy, những ngày tháng của Tengo ở thành phố mèo bên bờ biển bắt đầu. Buổi sáng, anh dậy sớm ra bờ biển tản bộ, nhìn những con thuyền đánh cá ra ra vào vào ở cảng, sau đó trở về lữ quán dùng bữa sáng. Món ăn đưa lên lần nào cũng giống lần nào, mỗi ngày đều là cá ngừ khô nướng với trứng rán, một quả cà chua cắt làm tư, rong biển tẩm gia vị, xúp miso và cơm tẻ, nhưng không hiểu sao ăn lại rất ngon. Ăn sáng xong, anh ngồi bên chiếc bàn nhỏ viết tiểu thuyết. Đã lâu lắm anh không viết văn bằng bút máy nên cảm thấy viết thế này thật thích. Làm việc ở một nơi xa lạ, tách ra khỏi cuộc sống thường nhật, đổi gió một chút, cũng không hề tệ chút nào. Tiếng động cơ đơn điệu của những con thuyền đánh cá trở về vẳng lại từ phía cảng. Tengo thích âm thanh ấy.

Anh viết về câu chuyện xảy ra trong thế giới có hai mặt trăng cùng lơ lửng trên bầu trời. Đó là thế giới có Người Tí Hon và nhộng không khí. Anh mượn thế giới ấy từ Nhộng không khí của Fukaeri, nhưng giờ đây nó hoàn toàn biến thành của anh. Khi đối diện với tờ giấy viết, ý thức của anh sống trong thế giới ấy. Đôi lúc, sau khi anh đã đặt bút xuống, rời khỏi bàn, ý thức của anh vẫn ở lại nơi đó. Những lúc như thế, anh liền có một cảm giác rất đặc biệt, tuồng như cơ thể và ý thức sắp sửa tách rời nhau. Ranh giới giữa thế giới hiện thực và thế giới hư cấu trở nên mơ hồ, không thể nhận biết. Nhân vật chính lạc vào thành phố mèo trong câu chuyện hẳn cũng nên trải cảm giác ấy. Trọng tâm của thế giới thoắt cái đã chuyển dịch đến nơi khác, vậy là nhân vật chính (có vẻ như) sẽ mãi mãi không bao giờ lên được đoàn tàu rời thành phố nhỏ ấy nữa.

Mười một giờ anh phải rời phòng để nhân viên dọn dẹp. Khi đến giờ, anh liền dừng bút, ra khỏi lữ quán, thả bước đi tới trước cửa ga, vào quán uống cà phê. Đôi khi, anh cũng ăn một chút sandwich, nhưng hầu hết thời gian anh chẳng ăn gì cả. Anh sẽ tiện tay cầm tờ báo sáng ở đó lên, tỉ mỉ xem xét có bài báo nào liên quan đến mình không. Nhưng anh chẳng tìm thấy gì. Nhộng không khí từ lâu đã biến mất khỏi bảng xếp hạng sách bán chạy, đứng đầu bảng là một cuốn sách hướng dẫn giảm béo có nhan đề Muốn ăn cứ việc ăn, thân hình vẫn yểu điệu. Một cái tên thật oách. Cho dù bên trong toàn là giấy trắng có khi cũng vẫn bán chạy như thường.

Uống xong cà phê và lướt qua hết tờ báo, Tengo ngồi xe buýt đến viện điều dưỡng. Thường vào khoảng từ một giờ rưỡi đến hai giờ là anh đến đó. Lần nào anh cũng đứng ở quầy lễ tân nói chuyện phiếm mấy câu với các y tá. Từ khi Tengo ở lại thị trấn nhỏ và đến thăm nom cha hằng ngày, các y tá đối xử với anh mềm mỏng hơn trước, thái độ tiếp đãi thân thiện hơn, giống như người thân trong gia đình chào đón đứa con phiêu bạt nay đã cải tà qui chính.

Một cô y tá trẻ mỗi lần trông thấy Tengo đều mỉm cười ngượng nghịu. Chừng như cô rất thích anh. Thân hình cô nhỏ nhắn, tóc buộc đuôi ngựa, mắt to, hai má đỏ hồng. Chắc cô chỉ hơn hai mươi. Thế nhưng, từ khi thấy Aomame nằm trong nhộng không khí, lòng Tengo chỉ nghĩ đến một mình Aomame. Đối với anh, những người phụ nữ khác chẳng qua chỉ là cái bóng mờ ngẫu nhiên lướt qua bên cạnh mà thôi. Bóng hình Aomame luôn chiếm lấy một góc trong tâm trí anh. Aomame đang sống ở một nơi nào đó trong thế giới này, anh cảm nhận được điều đó. Chẳng những vậy, rất có thể Aomame đang tìm kiếm anh. Chính vì thế, buổi tối hôm ấy cô mới đi qua một đường hầm đặc biệt để tới gặp anh. Cô cũng chưa hề quên anh.

Nếu những gì mắt mình trông thấy không phải là ảo giác.

Thi thoảng có đôi lúc anh nhớ đến người tình hơn tuổi. Giờ cô ra sao? Trong điện thoại, chồng cô nói, cô đã mất rồi, vì vậy sẽ không đến gặp Tengo nữa. Mất rồi. Cách diễn đạt này đến nay vẫn khiến tâm trạng Tengo thấp thỏng không yên. Không nghi ngờ gì, rõ ràng là có âm hưởng chẳng lành trong đó.

Vậy mà rốt cuộc sự tồn tại của cô cũng dần biến thành một ký ức xa xăm. Nay hồi tưởng lại, những buổi trưa ở bên cô chỉ còn là những sự kiện xảy ra trong quá khứ, diễn ra để nhằm đạt tới những mục đích nào đó. Điều này khiến Tengo cảm thấy mình tội lỗi. Nhưng, không biết từ khi nào, trọng lực đã thay đổi, đã bị chuyển hoán, không thể nào hồi phục nguyên dạng được nữa.

Bước vào phòng bệnh của cha, Tengo ngồi xuống ghế cạnh giường, chào hỏi ngắn gọn. Sau đó anh lần lượt kể rõ từ chập tối hôm qua đến giờ đã làm những gì, theo trình tự thời gian. Đương nhiên là chẳng có chuyện gì to tát. Anh ngồi xe buýt về thị trấn, vào nhà hàng ăn bữa tối đơn giản, uống một chai bia, về lữ quán đọc sách. Anh đi ngủ lúc mười giờ. Sáng sớm, anh dậy đi tản bộ trong thị trấn, ăn sáng, viết tiểu thuyết khoảng hai tiếng. Ngày nào cũng lặp lại những việc giống nhau. Mặc dù thế, Tengo vẫn ngày ngày thuật lại mọi hoạt động của mình cho người đàn ông đang hôn mê ấy nghe, gồm cả những chi tiết cụ thể. Ông không có phản ứng gì. Giống như kể chuyện với một bức tường vậy. Tất cả chẳng qua chỉ là một nghi thức theo thói quen. Có điều, đôi khi sự lặp đi lặp lại đơn thuần cũng có ý nghĩa nhất định. Sau đó Tengo đọc to cuốn sách anh mang đến. Không nhất thiết phải là cuốn cụ thể nào, anh đang đọc dở cuốn nào đến đâu thì đọc tiếp thành tiếng từ đó trở đi mà thôi. Nếu vừa khéo vớ phải một quyển sách hướng dẫn sử dụng máy cắt cỏ bằng điện, chắc anh cũng sẽ đọc lên. Tengo cố đọc bằng giọng rõ ràng, chậm rãi, để người nghe hiểu được dễ dàng. Đây là điều duy nhất mà anh lưu ý.

Sấm chớp bên ngoài càng lúc càng dữ dội, trong khoảnh khắc, ánh sáng xanh lam chiếu sáng rực cả con đường, nhưng không nghe thấy tiếng sấm. Hoặc có lẽ sấm đang rền, nhưng vì gã còn đang ngơ ngẩn nên không nghe thấy. Trên đường, nước mưa chảy thành những gợn sóng lăn tăn, chảy mãi không ngừng. Những người khách tựa hồ đạp lên nước mưa, nườm nượp không ngớt đi vào trong tiệm.

Thấy người bạn đi cùng chỉ mãi nhìn chăm chăm vào mặt người khác, trong lòng gã lấy làm lạ lắm, nhưng từ nãy đã không nói gì rồi. Xung quanh lao xao ồn ào, tuồng như những người khách ngồi cùng từ bên cạnh, từ phía đối diện chen qua bên này, khiến nguồi ta không thở nổi.

Không biết có ai đang ho khan, hay là thức ăn nghẹn trong cổ họng, âm thanh nghe thật kỳ quái, nghe khục khà khục khặc như tiếng chó.

Đột nhiên một tia sét mãnh liệt bừng lên, ánh sáng màu lam bắn thẳng vào trong, chiếu lên những người trong căn nhà đất. Rồi một tiếng sấm lớn, tuồng như trần nhà vỡ toác ra. Gã giật mình hốt hoảng đứng bật dậy, và những người khách trong gian nhà đất thảy đều ngoảnh mặt về phía gã. Không biết những gương mặt ấy là chó hay cáo nữa, tóm lại, đều là súc vật mặc quần áo, có vài con thè cái lưỡi dài ra liếm xung quanh miệng[1].

[1] Đoạn này trích từ bài “Nhật ký Đông Kinh” trong Bách Văn Tùy Bút 1.

Đọc tới đây, Tengo nhìn gương mặt cha, nói: “Hết rồi.” Tác phẩm kết thúc ở đây.

Không có phản ứng.

“Bố có cảm tưởng gì không?”

Cha anh vẫn không đáp.

Có khi, Tengo đọc bản thảo tiểu thuyết viết được hồi sáng cho ông nghe, đọc xong anh lấy bút bi ra sửa lại những chỗ không vừa ý, rồi đọc lại phần vừa sửa. Nếu vẫn chưa hài lòng, anh lại bắt tay sửa chữa, rồi đọc thêm một lần nữa.

“Những chỗ sửa hay hơn nhiều rồi,” anh nói, tựa như mong cha đồng ý. Nhưng đương nhiên, cha anh không bày tỏ ý kiến gì. Không nói “đúng là hay hơn nhiều,” cũng chẳng nói “không phải, như lúc đầu vẫn hơn,” hoặc “chẳng có gì khác nhau cả.” Mí mắt ông sụp xuống, che đi đôi mắt hõm sâu, giống như một ngôi nhà bất hạnh, nặng nề kéo cửa cuốn xuống vậy.

Đôi lúc, Tengo đứng lên khỏi ghế, vươn mình vài cái, đi tới trước cửa sổ ngắm nhìn phong cảnh bên ngoài. Sau nhiều ngày liên tục âm u, hôm nay trời mưa. Cơn mưa chiều dai dẳng thấm đẫm cả rừng thông chắn gió, thoạt nhìn chỉ thấy âm u nặng nề. Hôm đó, anh không thể nghe thấy tiếng sóng, cũng không có gió, duy có những hạt mưa từ trên không rơi thẳng xuống. Lũ chim màu đen kết đàn bay qua màn mưa. Trái tim lũ chim cũng tối tăm, và ẩm ướt. Trong phòng bệnh cũng ẩm sì. Gối, sách vở, cái bàn, tất cả đồ đạc đều mang hơi ẩm. Thế nhưng, chẳng liên quan gì đến thời tiết, hơi ẩm, tiếng gió và tiếng sóng, cha anh vẫn chìm sâu trong giấc ngủ say kéo dài không dứt. Sự tê liệt, hồ như chiếc áo cà sa của đấng Đại từ Địa bi, bao bọc lấy thân ông. Tengo nghỉ ngơi một chốc, rồi lại tiếp tục đọc sách. Trong căn phòng chật hẹp ẩm thấp này, ngoài việc đó ra, anh chẳng thể làm được gì nữa.

Đọc đến khi phát chán rồi, Tengo lặng lẽ ngồi đó, nhìn thân hình say ngủ của cha, suy đoán xem trong bộ não ông đang xảy ra chuyện gì. Ở nơi đó… bên trong hộp sọ cứng rắn như chiếc đe sắt ấy… rốt cuộc tiềm tàng một ý thức có hình thái như thế nào? Hay là nơi đó cũng đã trống huếch? Giống như một căn nhà bị bỏ lại, đồ đạc đã chuyển hết đi, những con người từng sống ở đó cũng biến mất không tăm tích, không để lại dấu vết? Nhưng dù là thế, trên tường, trên trần nhà, chắc chắn vẫn còn in dấu những ký ức và cảnh tượng lúc này hay lúc khác. Những thứ được bồi đắp qua năm rộng tháng dài không dễ gì bị hút vào hư không như thế. Có lẽ, khi nằm trên chiếc giường bệnh giản dị trong bệnh việc điều dưỡng bên bờ biển này, ở bóng tối tĩnh lặng của căn phòng trống nơi sâu thẳm nội tâm, cha anh vẫn đang bị bủa vây giữa những cảnh tượng và ký ức mà người khác chẳng thể trông thấy đó.

Không lâu sau, cô y tá trẻ má đỏ hây hây bước vào, nhoẻn miệng cười với Tengo, sau đó cô đo nhiệt độ cho cha anh, kiểm tra lượng dịch truyền còn lại, xác nhận lượng nước tiểu tích tồn. Cô dùng bút bi viết một chuỗi con số vào sổ. Động tác của cô thuần thục và nhanh nhẹn, theo bài bản được huấn luyện. Quan sát loạt động tác liền mạch ấy, Tengo băn khoăn không hiểu tâm thái của cô ra sao khi phải sống ở viện điều dưỡng nhỏ bên bờ biển này, chăm sóc những người già ngây dại không còn chút hy vọng trị liệu nào nữa? Cô trông trẻ trung và khỏe mạnh. Bên dưới bộ đồng phục trắng hồ cứng, bầu ngực và vòng eo nhỏ nhắn nhưng căng tràn, Trên cần cổ mịn màng, những sợi lông tơ ánh lên sắc vàng lóng lánh. Tấm bảng tên bằng nhựa đeo trước ngực có ghi Adachi.

Rốt cuộc cái gì đã đưa cô đến đây, đến nơi xa xôi mà sự quên lãng và cái chết từ từ đến ngự trị trên mọi thứ này? Tengo biết cô là một y tá giỏi giang cần nhẫn, tuổi còn trẻ, lại thạo việc. Nếu muốn, cô hoàn toàn có thể làm việc ở những cơ sở chữa bệnh loại khác, những nơi còn có sức sống hơn, thú vị hơn, Tại sao cô lại chọn cái nơi buồn tẻ thế này? Tengo rất muốn biết nguyên do và quá trình ấy. Nếu anh hỏi, chắc hẳn cô sẽ trả lời thẳng thắn. Anh có cảm giác như thế. Nhưng Tengo nghĩ, tốt nhất là chớ nên dây dưa với những chuyện đó. Dù sao chăng nữa, nơi này xét cho cùng là thành phố mèo. Sẽ có một ngày anh phải lên tàu hỏa để trở lại thế giới của mình.

Sau khi hoàn thành những công việc được quy định, cô y tá gấp sổ lại, bẽn lẽn mỉm cười với Tengo.

“Không có gì thay đổi. Giống như mọi ngày.”

“Tức là tình hình ông ấy ổn định,” Tengo cố ý nói bằng giọng vui vẻ. “Nói theo chiều hướng tích cực.”

Trên mặt cô hiện ra nụ cười nửa như áy náy không yên, cô nghiêng nghiêng đầu, ánh mắt hướng về phía quyển sách gấp lại đặt trên đầu gối anh. “Anh đang đọc quyển sách đó cho ông ấy à?”

Tengo gật đầu. “Củng không biết ông ấy có nghe được không nữa.”

“Dù là thế, tôi thấy cũng là chuyện tốt mà,” cô y tá nói.

“Tốt cũng được mà xấu cũng được, đằng nào tôi cũng không nghĩ ra mình có thể làm gì khác.”

“Nhưng mà, không phải người nào cũng làm được như anh đâu.”

“Đại đa số mọi người không giống tôi, người ta đều bận bịu với cuộc sống của mình,” Tengo nói.

Cô y tá định nói gì đó, nhưng do dự, và rốt cuộc chẳng nói gì. Cô nhìn cha Tengo đang thiêm thiếp, rồi lại nhìn sang Tengo.

“Anh hãy giữ gìn,” cô nói.

“Cám ơn nhiều,” Tengo trả lời.

Sau khi y tá Adachi ra ngoài, Tengo đợi một lúc, rồi bắt đầu đọc tiếp.

Đến sẩm tối, cha anh được đặt lên giường bánh xe đẩy vào phòng kiểm tra, Tengo bèn xuống căng tin uống trà, dùng điện thoại công cộng ở đó gọi về cho Fukaeri.

“Có gì thay đổi không?” Tengo hỏi.

“Chẳng có gì thay đổi cả,” Fukaeri đáp. “Giống như bình thường.”

“Ở chỗ anh cũng chẳng có gì thay đổi. Ngày nào cũng làm những việc giống nhau.”

“Nhưng thời gian vẫn đang tiến về phía trước.”

“Đúng thế,” Tengo nói. “Thời gian mỗi ngày đều tiến về phía trước hai mươi bốn tiếng đồng hồ.”

Mà sự vật hễ đã tiến về phía trước thì không thể trở lại chỗ cũ nữa.

“Vừa nãy mấy con quạ lại đến,” Fukaeri nói, “con quạ đen to lắm.”

“Con quạ đen ấy cứ chập tối là lại bay đến cửa sổ nhà anh.”

“Ngày nào cũng làm những việc giống nhau.”

“Đúng thế,” Tengo trả lời, “giống như chúng ta vậy.”

“Nhưng nó chẳng nghĩ gì về thời gian cả.”

“Quạ chẳng bao giờ nghĩ ngợi chuyện thời gian đâu. Chắc chỉ con người mới có ý niệm thời gian thôi.”

“Tại sao.”

“Con người lý giải thời gian như một đường thẳng, kiểu như khắc dấu lên một cây gậy vừa dài vừa thẳng ấy, phía trước là tương lai, phía sau là quá khứ, hiện tại là điểm mà chúng ta đang đứng đây. Giống vậy đấy. Em hiểu không?”

“Đại khái.”

“Nhưng trên thực tế, thời gian không phải là một đường thẳng. Nó không có hình dạng gì cả. Xét theo mọi trường nghĩa, nó đều không có hình dạng. Có điều, bộ óc của chúng ta không thể tưởng tượng nổi những thứ không có hình dạng, nên chỉ có thể coi nó là một đường thẳng. Trước mắt, chỉ có con người mới có thể thực hiện kiểu hoán đổi quan niệm này thôi.”

“Nhưng cũng có thể chúng ta sai.”

Tengo ngẫm nghĩ giây lát. “Ý em là, việc coi thời gian như một đường thẳng cũng có thể là sai lầm?”

Không có câu trả lời.

“Đương nhiên là có khả năng này. Có lẽ chúng ta sai và con quạ đúng. Thời gian có thể hoàn toàn không phải là đường thẳng. Có lẽ nó có hình dạng xoắn vặn như cái bánh quẩy,” Tengo nói. “Nhưng mà, con người có lẽ đã như vậy từ mấy chục nghìn năm nay rồi. Họ coi thời gian mãi mãi là một đường thẳng và hành động dựa trên nhận thức cơ bản này, và cho đến nay cũng chưa phát hiện ra cách này có điểm gì không ổn hay mâu thuẫn. Vì vậy, là một quy luật dựa trên kinh nghiệm, có lẽ nó chính xác.”

“Quy luật kinh nghiệm,” Fukaeri nhắc lại.

“Tức là, thông qua nhiều ví dụ thực tế, ta chứng thực một suy luận là chính xác.”

Fukaeri thoáng im lặng. Tengo không biết cô có hiểu được những lời vừa rồi hay không.

“Alô,” Tengo lên tiếng, kiểm tra xem cô có còn ở đó hay không.

“Anh ở đó đến bao giờ,” Fukaeri hỏi, không thêm dấu chấm hỏi.

“Em hỏi anh định ở Chikura đến lúc nào à?”

“Đúng.”

“Anh không trả lời chắc được,” Tengo thành thật trả lời. “Giờ anh chỉ có thể nói, phải ở đến lúc nào làm rõ tình hình thì thôi. Có mấy chuyện anh chưa có rõ lắm, muốn xem tình hình rồi tính tiếp.”

Ở đầu dây bên kia, Fukaeri trầm ngâm không nói. Mỗi khi cô im lặng, đến cả hơi thở cũng biến mất luôn.

“A lô,” Tengo lại lên tiếng gọi.

“Đừng để lỡ tàu hỏa,” Fukaeri dặn.

“Anh sẽ để ý,” Tengo trả lời. “Sẽ không lỡ chuyến tàu nào đâu. Chỗ em vẫn ổn chứ?”

“Vừa nãy có một người đến.”

“Ai cơ?”

“Người của NHK.”

“Nhân viên thu phí của đài NHK à?”

“Nhân viên thu phí,” cô hỏi mà không có dấu chấm hỏi.

“Em nói chuyện với anh ta rồi à?” Tengo hỏi.

“Em không hiểu anh ta nói gì.”

Fukaeri hoàn thoàn không biết NHK là gì. Cô gái này không được trang bị một số kỹ năng thường thức về xã hội, dù cơ bản nhất.

Tengo nói: “Kể ra thì dài dòng lắm, trên điện thoại không thể nói rõ được. Giải thích đơn giản thì đó là một tổ chức khổng lồ, có rất nhiều người làm việc ở đó. Bọn họ tháng tháng lại đến các gia đình trên khắp Nhật Bản thu tiền. Có điều, anh và em không cần phải nộp. Vì chúng ta không nhận được bất cứ thứ gì từ họ cả. Dù sao thì, em không mở cửa đấy chứ?”

“Không mở cửa. Như anh nói.”

“Vậy là tốt rồi.”

“Nhưng anh ta bảo chúng ta là kẻ trộm.”

“Em không cần quan tâm đến những lời ấy,” Tengo nói.

“Chúng ta chẳng ăn trộm gì cả.”

“Tất nhiên. Em cũng thế mà anh cũng thế, chúng ta chưa bao giờ làm việc xấu.”

Fukaeri dừng ở đầu dây bên kia.

“A lô,” Tengo gọi.

Fukaeri không trả lời. Có lẽ cô đã gác máy rồi, nhưng anh không nghe thấy âm thanh nào giống như thế.

“A lô,” Tengo lại gọi lần nữa, lần này giọng anh lớn hơn một chút.

Fukaeri khẽ đằng hắng. “Anh ta biết rất nhiều về anh.”

“Người thu phí ấy hả?”

“Đúng. Người của NHK.”

“Và anh ta còn bảo em là kẻ trộm nữa.”

“Không phải bảo em.”

“Vậy tức là anh rồi?”

Fukaeri không trả lời.

Tengo nói: “Nói gì thì nói, nhà anh không có ti vi, anh chẳng ăn trộm thứ gì của NHK cả.”

“Nhưng tại vì không mở cửa nên anh ta nổi giận.”

“Mặc kệ anh ta, cho anh ta đi mà nổi giận. Nhưng bất kể người ta nói gì, tuyệt đối không được ở cửa đâu đấy nhé.”

“Em không mở cửa.”

Dứt lời, Fukaeri đột ngột gác máy. Có lẽ không phải đột ngột. Với cô, đặt ống nghe xuống vào thời điểm này là hết sức tự nhiên, hợp tình hợp lý. Nhưng, trong tai Tengo, gác máy kiểu đó lại là “đột ngột.” Tóm lại, về chuyện Fukaeri đang nghĩ gì, nghĩ như thế nào, cảm nhận ra sao, có cố đoán cũng chỉ uổng công phí sức. Điểm này Tengo hiểu rõ. Dựa trên quy luật kinh nghiệm.

Tengo đặt ống nghe xuống, trở về phòng bệnh của cha.

Cha anh vẫn chưa được đưa về. Trên tấm ga trải giường bệnh vẫn còn lưu lại vệt lõm của ông. Không có nhộng không khí nào cả. Trong gian phòng bị sương chiều nhàn nhạt mà lạnh lẽo làm nhuốm vẻ u ám, chỉ còn sót lại chút dấu vết nhỏ của con người vừa ở trong phòng cách đây không lâu.

Tengo thở dài một tiếng, ngồi xuống ghế. Anh đặt hai tay lên đầu gối, nhìn chằm chằm vào vệt lõm trên ga trải giường thật lâu. Sau đó anh đứng dậy, bước tới cạnh cửa sổ ngó ra ngoài. Mưa đã tạnh, mây thu muộn kéo một đường thẳng tắp phía trên khu rừng chắn gió. Dường như đã lâu lắm rồi không có ráng chiều đẹp như vậy.

Tại sao nhân viên thu phí của đài NHK lại “biết rất nhiều về anh?” Tengo không biết. Lần trước nhân viên thu phí của đài NHK đến thu tiền là vào gần một năm trước. Khi đó, anh đứng ngoài cửa lịch sự nhã nhặn giải thích trong nhà không có tivi, bản thân anh không bao giờ xem truyền hình. Tay nhân viên thu phí nửa tin nửa ngờ, nhưng chỉ cằn nhằn mấy câu móc máy, rồi chẳng nói gì thêm mà bỏ về luôn.

Hôm nay cũng là tay nhân viên thu phí đó chăng? Còn nhớ hình như người đó cũng gọi anh là “kẻ trộm.” Nhưng cùng một nhân viên thu phí cách đây một năm thình lình chạy đến, lại bảo “biết rất nhiều” về Tengo, thì hơi kỳ lạ một chút. Hai người chẳng qua chỉ đứng trước cửa nói chuyện năm phút mà thôi.

Được rồi, mặc xác nó, Tengo nghĩ. Quan trọng là Fukaeri không mở cửa. Nhân viên thu phí chắc sẽ không đến nữa. Hoàn thành được công việc định mức bọn họ đã mệt chết đi rồi, chẳng hơi đâu mà tranh cãi với những người từ chối nộp tiền. Vì vậy, để tiết kiệm sức lực, họ sẽ vòng tránh khu vực phiền phức, chỉ thu phí ở những nơi dễ thu hơn.

Tengo nhìn lại về phía vết lõm cha anh để lại trên giường, nhớ ra ông từng đi hỏng rất nhiều giày. Ngày qua ngày bôn ba trên tuyến đường thu phí, trong bao tháng năm đằng đẵng cha anh đã đi hỏng vô số giày. Đôi nào cũng giống hệt đôi nào. Màu đen, đế dày, loại da rẻ tiền cực kỳ thực dụng. Chúng chịu đủ giày vò, bị làm cho rách rưới tơi tả, bung ra, mòn vẹt, đế sau vẹo đi. Hồi nhỏ, mỗi khi thấy đôi giày biến dạng một cách ghê gớm như thế, Tengo không khỏi đau lòng. Anh không thương cho cha, mà thương cho những chiếc giày. Những chiếc giày ấy làm anh nghĩ đến lũ súc vật lao dịch đáng thương bị lợi dụng một cách vô cảm hết lần này đến lần khác, lúc nào cũng cận kề cái chết.

Nhưng nghĩ kỹ lại, giờ đây cha anh chẳng phải giống như một con vật lao dịch đang cận kề cái chết hay sao? Chẳng phải cũng hệt như đôi giày da bị mài cho mòn vẹt hay sao?

Tengo lại hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, nhìn ráng mây phía trời Tây từ từ sậm dần. Anh nhớ đến cái nhộng không khí phát ra ánh sáng xanh trắng nhàn nhạt, nhớ đến Aomame thời thiếu nữ đang ngủ say trong đó.

Cái nhộng không khí ấy còn xuất hiện ở đây nữa không?

Hình dạng của thời gian thực sự là đường thẳng ư?

“Có vẻ như hết cách rồi,” Tengo nói với bức tường. “Quá nhiều biến số. Cho dẫu là thần đồng xưa kia thì cũng không sao giải đáp được.”

Đương nhiên, bức tường không đáp, củng không phát biểu ý kiến, chỉ lặng lẽ ánh lên sắc ráng mây chiều.