1988 - Tôi Muốn Nói Chuyện Với Thế Giới

Chương 6

Na Na đã hiểu ra: À.

Tôi vuốt mái tóc của cô ấy an ủi: Cũng đừng lo lắng quá.

Na Na chửi thề: Thằng khốn nạn, giả mạo chính nhân quân tử, đeo cái cặp kính vào trông rõ là tử tế, rồi tuôn ra toàn những câu đạo đức giả, hắn nói đã khởi nghiệp thành công ra sao, rồi thì làm đàn ông quan trọng nhất là phải có trách nhiệm, thế mà có chuyện cần tìm là lặn mất tăm.

Tôi chỉ định an ủi Na Na vài câu, vô tình lại tạo cho tên kia một lối thoát, tôi bảo: Na Na, em cũng chẳng nói rõ chuyện gì, không chừng vì hắn không muốn chơi bời linh tinh nữa, em gửi cho hắn một tin nhắn, biết đâu có ngày hắn lại đọc được.

Nét mặt Na Na giãn ra, nhìn tôi ngưỡng mộ: Anh giỏi thật, cái gì cũng biết.

Tôi nói: Anh hiểu mà, vì trước đây anh cũng bị bạn gái chặn số, anh gửi tin nhắn và cô ấy đã đọc được.

Trời sinh ra con gái vốn luôn tò mò vói diễn biến của những câu chuyện tình yêu, Na Na tạm thời quên mất nỗi đau mất tiền của mình, quay sang hỏi tôi: Sau đó thế nào?

Tôi bảo: Sau đó mọi chuyện ổn cả, người yêu cô ấy nhắn lại cho anh, bảo rằng hôm nay là kỷ niệm một năm tình yêu của chúng tôi, tình cảm của chúng tôi đang phát triển tốt đẹp, mong anh đừng quấy rầy cô ấy nữa.

Na Na nói: Ôi chao, thế thì chắc là sau đó anh phải buồn thối ruột mất.

Tôi bảo: Đúng vậy, nhưng anh và cô ấy mới chia tay được đúng hai tháng.

Na Na có vẻ đã quên sạch chuyện của mình, háo hức hỏi: Thế anh còn tìm cô ấy làm gì?

Tôi đáp: Cô ấy đã lăn lộn nhiều năm ngoài cuộc sống, quen biết rất nhiều, lúc đó anh có người bạn bị bắt nên muốn hỏi xem cô ấy có quen biết ai không.

Na Na bắt đầu bị cuốn vào câu chuyện của tôi, tò mò hỏi: Bạn anh bị sao?

Tôi đáp: Nó đột nhập vào xưởng hóa chất.

Na Na hỏi lại: Xưởng hóa chất là sao? À à, xưởng sản xuất hóa chất, thế anh ấy vào xưởng hóa chất làm gì?

Tôi bảo San San: Chuyện này dài lắm, để anh kể cho em nghe sau, bây giờ em gửi tin nhắn đi.

Na Na lúc này chợt nhớ ra, nói: Vâng.

Kỳ thực tôi còn lo lắng hơn cô ấy gấp vạn lần, chúng tôi tuy có cùng chung hoạn nạn, nhưng tôi chẳng có tí tình cảm nào với cô nàng, tôi chỉ mong cô ấy giải quyết xong xuôi mọi chuyện của mình, rồi xuống xe. Tôi hy vọng rằng cái gã đàn ông thứ hai mà cô ấy liên lạc có thể giúp được, như thế ít ra cô nàng sẽ không mượn tiền của tôi. Tôi chẳng có cách nào để lôi theo cô ta đi cùng, cô ta đơn giản chỉ là một ả gái điếm mà tôi có thể chuyện trò thêm vài câu trong cuộc hành trình kéo dài của mình.

Chúng tôi dừng xe trước cửa một siêu thị ven đường, tôi đưa cô ấy một trăm tệ và bảo: Na Na, em vào mua một ít đồ ăn, anh đợi em trên xe.

Siêu thị này được xem là một siêu thị lớn ở vùng này, ánh đèn màu sáng trưng, trước cửa siêu thị là tấm bạt hình cầu với đủ thứ màu sắc được treo trên cao, mấy gã thanh niên mình trần, eo thon đang khom người bắn bi-a một cách rất điêu luyện, đối diện là một nhà máy rất lớn.

Na Na cầm tiền, chạy về phía trước khoảng chục mét, rồi bỗng như nhớ ra điều gì, quay đầu nhìn tôi hỏi: Anh muốn ăn gì?

Tôi trả lời: Gì cũng được.

Trong lúc ngồi đợi trên xe, tôi cố gắng dò kênh phát thanh của vùng này, nhưng khốn nỗi những thị trấn nằm ven đường Quốc lộ kiểu này, quanh quẩn chỉ có một tiết mục giống nhau, tôi dò từ kênh 95 đến kênh 109, chỉ nghe thấy thính giả không ngừng gọi điện thoại đến, nếu không thì lại giới thiệu về bệnh lậu, đến một kênh âm nhạc cũng chả có. Khu bàn bi-a đằng kia bắt đầu huyên náo, một gã da ngăm ngăm, để kiểu đầu mái bằng đang cởi thắt lưng, quất vào hai tên đối diện bên kia bàn, xoay thêm một vòng thì cái quần tụt xuống, tức mình gã tụt luôn cả chiếc quần bò, rồi ném thẳng về phía hai tên kia khiến chúng cuống cuồng chạy mất. Gã đầu mái bằng nhặt quần lên, buộc hai ống quần vào cổ rồi đứng phắt lên bàn bi-a, chỉ vào mười mấy tên còn lại và tuôn ra một tràng. Tôi cũng chả hiểu gã nói cái gì, chỉ thấy gã sao mà giống anh trai tôi.

Tôi lại nhớ đến khoảng thời gian sau khi ngã từ trên cột cờ xuống. Trên chuyến hành trình này, tôi định đợi đến khi mọi thứ lắng xuống, sẽ xếp lại những mảnh hồi ức tuổi thơ ấy một cách hoàn chỉnh. Đúng rồi, tôi còn quên chưa kể tôi có một ông anh trai. Là một gia đình kiểu mẫu luôn tuân thủ quy định luật pháp, tôi hẳn là không thể có một ông anh trai ruột, cũng chẳng phải là anh họ, đó là anh hàng xóm Đinh Đinh của tôi. Anh ấy là sinh viên, là tấm gương để chúng tôi noi theo. Hồi ấy, ai cũng thi vào những trường cao đẳng hoặc trung cấp kỹ thuật. Tuần đầu tiên anh tôi đỗ đại học, đám sinh viên cao đẳng, trung cấp ấy cứ xúm xít xung quanh đòi xem giáo trình, để xem anh ấy học cái gì, đại học và trung cấp có gì khác biệt. Anh trai tôi lấy ra hai quyển sách, Nắng tháng tám[2] và Chùm nho uất hận[3] nói: Sách của anh chỉ có bốn trang thôi.

[2] Nắng tháng Tám (Light in August), là tiểu thuyết của nhà văn William Faulkner.

[3] Chùm nho uất hận (The Grapes of Wrath), còn có tên trên bản dịch là Chùm nho nổi giận hay Chùm nho phẫn nộ, là tiểu thuyết của văn hào John Steinbeck, bao gồm 30 chương, phản ánh những biến đổi sâu sắc trong nông thôn nước Mỹ khoảng những năm đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thời đại công nghiệp hóa.

Bọn tôi đều biết anh ấy đang giả bộ, nhưng tôi vẫn bị anh lừa cho tin sái cổ. Anh Đinh Đinh bảo, nếu em thích đọc sách, cầm lấy một quyển mà đọc.

Thằng nhóc tiểu học là tôi, khi đó đã chọn cuốn Chùm nho uất hận, vì trông nó có vẻ rất hấp dẫn. Nhưng tôi chỉ đọc được một trang, vì nó hoàn toàn không phải là cuốn sách nói về nho, mà trong sân nhà tôi hiện lại đang nuôi gà và trồng nho, cây nho đã mon men bò theo lên cái giàn phơi quần áo, và tôi đang tò mò muốn biết cây nho nhà tôi nghĩ gì, cuộc đời của nó ra sao.

Ngày hôm sau, anh Đinh Đinh tìm tôi, lấy lại quyển sách Chùm nho uất hận, anh ấy bảo: Hôm qua anh nghĩ rồi, thấy rằng dù em có đọc cũng chẳng hiểu đâu.

Trong tất cả những ông anh xung quanh mình, tôi chỉ thực lòng quan tâm đến anh và gọi là anh trai, vì tôi rất nể phục anh. Anh ấy học rất giỏi, chính trực và luôn giúp đỡ người khác. Tuy rằng anh ấy chỉ toàn nhiệt tình với các chị em. Anh Đinh Đinh đã đi rất nhiều nơi, mỗi lần trở về là anh ấy lại kể tôi nghe những câu chuyện mới mẻ, anh luôn là đại diện chỗ này, đại diện nơi kia, đi đến những nơi chỉ có thể đến được bằng tàu hỏa, mà tôi thì đến cái tàu hỏa hình dáng ra sao cũng mù tịt. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy tàu hỏa cũng là do anh Đinh Đinh dẫn đi, tôi ngồi trên càng xe phía trước. Anh đạp xe không nghỉ, phi như bay, tôi ngồi đằng trước sợ hãi bám chặt cánh tay anh. Anh Đinh Đinh bảo tôi: Giá như mình có cái xe máy thì tốt nhỉ. Tôi ngạc nhiên hỏi anh: Anh biết lái không? Anh tự hào trả lời: Đương nhiên rồi.

Sau hơn một tiếng đồng hồ, tôi mới nhìn thấy đường sắt, chúng tôi ngồi đợi thêm một tiếng đồng hồ nữa, và cuối cùng tôi cũng đã được nhìn thấy đoàn tàu màu đỏ chầm chậm chạy qua trước mắt mình. Và giống như bản năng của mọi đứa trẻ khác, tôi bắt đầu đếm số toa tàu, đột nhiên phát hiện ra điều rất lạ, tôi liền quay sang hỏi anh Đinh Đinh: Tại sao đoàn tàu này không phải là màu xanh?

Anh Đinh Đinh cũng gật gù: Ừm, lạ nhỉ, lần đầu tiên anh nhìn thấy tàu hỏa màu đỏ đấy, có lẽ là tàu này chỉ dành cho các vị nguyên thủ Quốc gia thôi, vậy nên mới có màu đỏ như thế.

Tôi lập tức đứng nghiêm, hướng về chiếc tàu hỏa cúi người hành lễ.

Anh Đinh Đinh ngạc nhiên: Em làm gì thế?

Tôi bảo: Em cúi chào các vị lãnh đạo.

Anh Đinh Đinh bật cười nói: Tàu hỏa chạy nhanh như vậy, các vị lãnh đạo chẳng thể trông thấy em chào đâu.

Nhưng tôi vẫn cứ nghiêm trang cúi chào.

Toa tàu cuối cùng rít một tiếng còi inh ỏi rồi khuất dần.

Anh Đinh Đinh gào to một tiếng: Kết thúc nghi thức.

Lúc ấy tôi mới hạ tay xuống.