12 Kỳ Án Trung Hoa

Ngô Ngọc - Sát Nhân Giấu Xác

Ở huyện Giang Hạ, phủ Võ Xương có một thương buôn tên là Trịnh Nhật Tân, từ nhỏ đã sống rất thân thiện với người em họ tên là Mã Thái. Hai người chơi chung như anh em ruột thịt, đến khi lớn Nhật Tân làm nghề buôn bán vải vóc thì Mã Thái cũng xin theo, rất ý hợp tâm đầu. Nhờ vậy hai anh em cũng kiếm khá nhiều tiền, không những đủ sống mà còn có số vốn tăng lên. Cứ mỗi năm hai anh em lại về quê ăn tết Nguyên đán rồi sau đó đến đầu năm thì sửa soạn ra đi. Năm ấy cũng theo lệ như thế, khi ăn Tết xong mỗi người đem theo gần 300 lạng bạc đến thành Hiếu Cảm thu mua vải lụa, toan tính với giá cả này thì sẽ có lời nhiều.

Hai anh em vội vã lên đường, mấy ngày sau thì đến Hiếu Cảm. Nơi đây có nhiều làng thôn dệt vải nên Nhật Tân bàn với Mã Thái:

- Nếu chúng ta cùng lúc mua một chỗ thì đã không được nhiều mà còn có khi bị người bán nâng giá. Chi bằng đệ đi đến Tân Lý, còn ta vào thành thu mua.

Mã Thái thấy có lý nên nghe theo. Trước khi chia tay, hai anh em vào một quán rượu quen của người chủ tên là Lý Chiêu uống vài chén. Hai anh em chỉ định uống một chút rồi lên đường ngay, nào ngờ Lý Chiêu mời mọc rất ân cần:

- Bây giờ vẫn còn là trong Tết. Năm mới mời hai vị uống một bình gọi là lấy may mắn.

Nể nang Lý Chiêu mời mọc kèo nài, hai anh em uống quá chén, người nào cũng khá say. Đây là lần đầu hai anh em chia nhau đi mỗi người một chỗ nên Nhật Tân dặn dò Mã Thái rất cẩn thận, khuyên đừng quá tham mà đi xa, bao giờ mua đủ số thì cứ thuê người gánh vào thành cho khỏi mệt sức.

Mã Thái chia tay xong, một mình tiến bước, thế nhưng chưa được mấy dặm thì rượu đã ngấm, ngồi dưới bóng cây nghỉ ngơi. Chẳng ngờ quá mệt, Mã Thái ngủ luôn một giấc dài đến mãi chiều tối mới tỉnh dậy. Vì vậy khi đi được vài dặm nữa thì đến một nơi hoang vắng, rất ít nhà cửa dân chúng, tên gọi là Nam Tích. Mã Thái đã toan trở về nhưng như thế hỏng hết việc buôn bán nên cố sức đi thêm một đoạn đường nữa, hy vọng tìm được một quán trọ thì nghỉ ngơi, ngày mai sẽ đi tiếp.

Ngờ đâu càng đi càng thấy đồng không mông quạnh, vài ba dặm mới có một căn nhà rách nát của người tiều phu. Tuy nhiên vì đã có qua đây một lần, Mã Thái biết trước mặt có một nhà của người tên là Ngô Ngọc, có thể trú chân được nhưng lại phân vân bởi Ngô Ngọc nổi tiếng là tham lam, nghe đồn là có nhiều hành vi bất chính, không nên tin tưởng. Thế nhưng trời càng lúc càng tối, lại có dấu hiệu một cơn mưa lớn sắp kéo tới, cuối cùng Mã Thái đành phải ráng bước đến nhà Ngô Ngọc hỏi thăm:

- Tôi đang định đi đến Tân Lý, bị lỡ đường, chẳng biết phía trước có quán trọ nào không?

Ngô Ngọc đáp:

- Mười lăm dặm phía trước toàn là rừng rậm, chắc sẽ có nhiều thú dữ. Bây giờ trời đã tối, sao quan khách không nghỉ chân nơi đây cho tiện? Dù nhà tôi nghèo hèn nhưng vẫn có thể dành cho quan khách một chỗ nằm tốt, tránh được mưa bão.

Bất đắc dĩ Mã Thái phải bằng lòng, Ngô Ngọc liền ra ruộng đuổi bò về nhốt trong chuồng rồi mới tìm vợ là Cung thị, nói:

- Hôm nay có người khách buôn đến đây. Ngươi hãy mau sửa soạn rượu thịt đãi đằng, không sợ lỗ lã đâu.

Thật sự người mẹ của Ngô Ngọc và Cung thị thừa biết từ lâu rồi hắn chuyên làm điều ác nhân, nhiều lần giết chết khách ngủ đêm đoạt của nhưng khuyên bảo mãi không chuyển. Vì vậy Cung thị tiếp đãi Mã Thái với vẻ giận dữ, trong ý muốn Mã Thái phật ý mà bỏ đi. Mã Thái không ngờ như vậy, lại tưởng mình làm phiền vợ chồng Ngô Ngọc, nói vuốt:

- Thật làm phiền các vị quá. Tôi tuy không giàu có nhưng cũng biết thế nào là đền ơn đáp nghĩa, sáng mai sẽ hậu tạ xứng đáng.

Cung thị nghe vậy không hề bớt giận, trái lại càng cau có hơn, liếc mắt hất ra phía ngoài mấy lần, ra hiệu cho Mã Thái mau mau cao bay xa chạy nhưng anh ta hoàn toàn không hiểu tí gì. Đến khi Ngô Ngọc bày rượu thịt ra thì trời đã khuya, đang lúc đói bụng nên ngồi ngay vào bàn ăn uống. Ngô Ngọc lại giả ân cần mời rượu, Mã Thái vô tình uống luôn mấy chén có pha thuốc độc nên chưa hết bữa cơm đã gục xuống bàn chết rồi. Ngô Ngọc liền lục soát lấy hết tiền bạc, sau đó vác xác Mã Thái đến một cái ao lớn phía chân núi, buộc thêm mấy tảng đá cho thật nặng rồi quăng xuống phi tang. Những hành động của hắn hết sức nhanh gọn, chứng tỏ đã nhiều lần làm như vậy.

Trong khi ấy Nhật Tân vào thành Hiếu Cảm thu mua được khá nhiều vải tốt, đến ngày hẹn vẫn không thấy Mã Thái quay về thì rất nóng lòng sốt ruột. Chờ thêm 10 ngày sau, Nhật Tân không còn chịu được nữa, lập tức gởi hàng hóa nơi nhà người quen rồi một mình đến Tân Lý hỏi thăm tung tích của Mã Thái. Khi tới nhà người chuyên thu mua vải ở Tân Lý tên là Dương Thanh. Nhật Tân chưa kịp hỏi thì Dương Thanh đã nói trước:

- Sao năm nay huynh đài đến trễ vậy. Bao nhiêu vải tốt giá lại rẻ nên những lái buôn khác mua hết cả rồi. Bây giờ huynh mới đến thì còn gì đâu mà mua?

Nghe vậy Nhật Tân biết ngay Mã Thái chưa đến nơi, lo lắng nói:

- Tôi đã chia tay với người em họ Mã Thái từ hơn nửa tháng nay. Bây giờ lại biết Mã Thái không đến đây thu mua thì thật lạ. Theo huynh đài biết thì Tân Lý này còn chỗ nào có thể thu mua vải được không?

Dương Thanh lắc đầu đáp:

- Tân Lý này không phải chốn phồn hoa đô hội. Từ trước tới giờ chỉ có tôi làm nghề thu mua vải lụa của các thôn chung quanh rồi bán buôn lại cho thương lái, không hề có người nào khác. Thế Mã Thái đi từ ngày nào, có dặn hờ gì không?

Nhật Tân cho biết:

- Chúng tôi đến Hiếu Cảm rồi chia tay trong quán Dương La vào ngày 12 tháng giêng, bây giờ đã là đầu tháng hai mất rồi.

Dương Thanh nghe vậy cũng sốt sắng nói Nhật Tân nghỉ tạm ở nhà mình, sai gia nhân đi mấy chỗ hỏi thăm giùm, tất cả đều về thưa không thấy bóng dáng của Mã Thái lai vãng. Nhật Tân liền cấp tốc quay lại Dương La dịch, hy vọng Mã Thái vì sự cố nào đó phải gián đoạn việc buôn bán rồi trở về đó gặp lại anh em. Thế nhưng Lý Chiêu cho biết cũng không hề thấy Mã Thái nên Nhật Tân bắt đầu kinh sợ, chắc chắn đứa em đã gặp chuyện chẳng lành rồi.

Ở đó mấy hôm, Nhật Tân dò la biết rằng hơn tháng nay không hề có vụ trộm cướp nào xảy ra thì càng băn khoăn, một lần nữa đến Tân Lý, gặp Dương Thanh nói luôn:

- Chúng tôi đã có ước hẹn với nhau, tôi thu mua ở Hiếu Cảm, còn Mã Thái thu mua ở Tân Lý này. Hơn tháng nay suốt vùng không có tai nạn trộm cướp nào xảy ra thì không thể nói Mã Thái bị nạn dọc đường. Mã Thái có mang theo số bạc khá lớn gần 300 lạng, như vậy chắc chắn là ngươi đã nổi tính tham, lén giết chết đứa em tội nghiệp này mà đoạt của rồi. Nếu không tự dưng tại sao biến mất được?

Dương Thanh tức quá cãi lại:

- Ông nhìn thử coi, nhà tôi bao giờ cũng tấp nập người khắp nơi đến mua bán, chẳng lẽ Mã Thái đến mà không một ai biết hay sao? Theo tôi thì em ông đã bị bọn cướp giết chết dọc đường, đừng vu oan giá họa cho tôi là người làm ăn lương thiện.

Nhật Tân không chịu, cãi lại:

- Dù em tôi có bị giết dọc đường thì cái xác vẫn còn đó, quan nha cũng biết đến. Mãi hôm nay vẫn chưa có tung tích gì thì nhất định ông đã giết người đoạt của, giấu xác trong nhà rồi.

Thấy Nhật Tân nhất định gán tội cho mình, Dương Thanh đỏ bừng cả mặt, gân cổ lên to tiếng mắng lại. Sau nhiều lời qua tiếng lại, cả hai xông vào đánh nhau kịch liệt. Nhật Tân không đánh lại với Dương Thanh, tức tối nói:

- Được lắm! Ngươi có sức khỏe nhưng không chống nổi với quan quân đâu. Ta quyết lần này lôi ngươi ra công đường, xem thử xem ai đúng ai sai mới hả lòng.

Ngay hôm sau Nhật Tân thuê người viết đơn kiện, tố cáo Dương Thanh lén giết người cướp của. Quan tri huyện ở Tân Lý là Trương Thời Thái nhận đơn kiện xong cho gọi Nhật Tân và Dương Thanh đến nha phủ xét hỏi. Vốn là người đầu óc nông cạn, Trương Thời Thái hỏi cung rất đơn giản:

- Dương Thanh kia, có phải ngươi giết người rồi giấu xác trong nhà phi tang phải không? Mau khai ra cho bản quan rõ, nếu không sẽ dùng tới khảo đả.

Nhật Tân thấy vậy rất nóng ruột, không chờ Dương Thanh phản bác, lập tức lên tiếng:

- Gian nhân tất phải có nhiều thủ đoạn, lại biết giữ bí mật, nếu đại nhân chỉ hỏi cung mà không tra khảo thì đời nào bọn chúng chịu khai nhận? Xin đại nhân cứ theo đơn mà dùng cực hình thì mới có kết quả.

Dương Thanh tức quá cãi luôn:

- Toàn những lời hồ đồ để hại người ngay. Trước mặt đại quan nhân đây, tiểu dân là Dương Thanh, buôn bán đã mấy năm nay ở Tân Lý chưa hề có tai tiếng nào xảy ra, xin trình với đại quan nhân rằng Mã Thái từ đầu năm đến giờ chưa hề đặt chân đến nhà tiểu dân lần nào, nếu sai lời thì xin chịu tội chết. Theo tiểu dân thì chắc có lẽ Nhật Tân giết em lấy của rồi vu cáo cho người khác để chạy tội. Xin đại nhân cứ cung hình Nhật Tân sẽ rõ ngay.

Quan huyện Trương Thời Thái trợn mắt nhìn Nhật Tân quát hỏi:

- Ngươi nói Dương Thanh giết em ngươi nhưng rõ ràng có nhiều người làm chứng Mã Thái không hề đến nhà Dương Thanh. Hóa ra ngươi giết em phải không? Hai người đi chung sao lại chia tay? Lúc chia tay có ai làm chứng không?

Nhật Tân thưa:

- Hai anh em chúng tôi có vào quán của Lý Chiêu ăn uống, được họ Lý mời rượu mừng xuân, sau đó rõ ràng là có chia tay. Lý Chiêu có thể làm chứng được.

Quan huyện liền tạm dừng xử án, triệu Lý Chiêu đến thẩm vấn. Lý Chiêu liền xác nhận đó là sự thật nên quan huyện chuyển nghi ngờ về phía bị cáo. Dương Thanh phải sai người về nhà gọi một số khách buôn đã đến nhà mình từ đầu năm, đến nay vẫn còn lưu lại vì chưa mua đủ số hàng đến làm chứng là không hề thấy Mã Thái lai vãng. Nhật Tân nhất định không chịu, nói:

- Những khách này thật ra đều là bằng hữu của Dương Thanh, chắc chắn họ làm chứng dối, không chừng cũng được chia phần ít nhiều rồi. Không thể coi họ là chứng cớ chạy tội được.

Quan huyện họ Trương hết sức hồ đồ, nghe Nhật Tân nói chắc như dinh đóng cột thì lập tức sai quân đè Dương Thanh xuống tra khảo. Mới đầu Dương Thanh còn chịu được, sau đến hình cụ kẹp mười đầu ngón tay ngón chân thì đau đến chết đi sống lại mấy lần, không còn sức để kêu oan nữa. Cuối cùng sợ bị chết oan bởi tên quan huyện mù mờ, Dương Thanh đã nghiến răng nhận tội giết người.

Thế nhưng khi quan huyện Trương Thời Thái hỏi số bạc giấu ở đâu, xác chết phi tang nơi nào thì Dương Thanh ú ớ không biết khai làm sao cho phải, đành phải nói thật:

- Thật tội cho tiểu dân. Đó là vì quan lớn tra tấn quá nặng, tiểu dân không sao chịu nổi nên nhận bừa tránh khỏi đau đớn. Bây giờ đại nhân hỏi đến số bạc cùng xác chết thì tiểu nhân đành chịu bởi có ra tay giết người đoạt của đâu mà biết?

Nghe vậy quan huyện Trương Thời Thái nổi hung lên, chỉ mặt Dương Thanh mắng:

- Tên gian xảo kia! Mỗi lần ngươi khai một khác. Lúc thì nhận tội bây giờ lại chối thì còn coi ta ra thể thống gì nữa. Bây đâu! Lần này kẹp đến khi hắn chết thì thôi.

Dương Thanh sợ quá, vội vàng nói:

- Thôi thôi! Tội dân xin khai. Số bạc ấy tội dân đã ăn chơi sạch hết rồi, còn cái xác Mã Thái thì quăng xuống Trường Giang, chắc đã trôi mất hoặc là làm mồi cho tôm cá còn đâu.

Quan huyện rất mừng, lập tức viết văn án bắt Dương Thanh điểm chỉ vào rồi sai đóng gông nhốt vào ngục thất, chờ khi trình lên phủ phê chuẩn sẽ đem hành hình sau. Những tưởng trước sau gì Dương Thanh cũng bị chết oan nhưng số mệnh của hắn chưa đến ngày nên gặp được phán quan nổi tiếng sáng suốt thời bấy giờ là Bao Công.

Vụ việc đã xong gần một tháng, tri phủ chưa phê chuẩn án văn thì chợt có Bao Công theo lệnh Hoàng đế tuần thú đến thành Hiếu Cảm. Đêm hôm đó tri phủ đưa lên tất cả hồ sơ án mạng cho Bao Công duyệt xét. Khi ông đọc đến vụ án Dương Thanh giết người cướp của thì đã có chút nghi ngờ bởi ngoài lời tố cáo của Nhật Tân thì hoàn toàn không có vật chứng, nhân chứng nào. Bao Công còn đang suy nghĩ, cảm thấy người mệt mỏi bất thường, thiếp đi một lát.

Trong giấc ngủ, Bao Công nằm mơ thấy có một con thỏ đội mũ chạy trước án thư, định vồ lấy nó thì giật mình tỉnh dậy. Bao Công biết ngay đây là vụ án oan, ngay hôm sau gọi Dương Thanh lên thẩm tra lại. Biết Bao Công là vị phán quan anh minh, xét xử như thần, Dương Thanh liền phản cung, nhất quyết khai rằng chưa hề gặp Mã Thái, chỉ vì bị bức cung mà nhận tội bừa.

Thời gian đã qua khá lâu mà vẫn không thấy tung tích của Mã Thái, dựa vào lời khai của Lý Chiêu thì đúng là hai anh em đã chia tay nơi quán Dương La, Bao Công đã hình thành ý tưởng là Mã Thái chắc chắn chết ở dọc đường. Vì vậy hôm sau Bao Công không thăng đường xử án mà cùng mấy tùy tùng giả làm khách buôn đến thị sát nơi Dương La dịch và Nam Tích.

Bao Công ghé lại Dương La dịch nghỉ chân và ăn uống. Lý Chiêu không biết mặt Bao Công nên vẫn tiếp đãi như người bình thường, nhờ vậy Bao Công dò hỏi được nhiều điều quan trọng. Đó là khi đi khỏi Dương La dịch thì đường đến Tân Lý phải qua Nam Tích, toàn là rừng bụi ao đầm hoang vu, rất ít nhà dân ở. Bao Công nghĩ ngay đến vùng đất này chắc chắn phải là nơi yếu địa cho bọn giết người tung hoành nên cùng với mấy tùy tùng đến tận nơi, đi loanh quanh dò xét.

Bao Công nhìn xa xa, chợt thấy đàn quạ xúm lại một điểm nơi góc rừng thì liền đi tới. Thì ra đó là cái ao khá rộng, nước không lưu thông nên xám xanh, bốc mùi hôi thối. May mắn sao, khi ấy Bao Công nhìn thấy khuất sau bụi lau sậy là một cái xác người nổi lên, vẫn chưa thối rữa hết, tức là nạn nhân chỉ mới chết gần đây.

Bao Công liền trở về huyện đường ra lệnh cho quan huyện phải cùng nha dịch và quân lính tới ao nước đó vớt cái xác lên. Một người quân lính tên là Triệu Trung vốn can đảm lại biết bơi giỏi nên tình nguyện xuống ao vớt xác. Thế nhưng sau khi kéo được cái xác kia lên bờ, Triệu Trung quỳ xuống báo với Bao Công:

- Thuộc hạ đã nhìn thấy lờ mờ dưới đáy ao có nhiều bộ xương. Chắc chắn còn nhiều xác chết nữa nhưng đã thối rữa hết rồi, chỉ riêng cái xác này chắc là chết chưa lâu nên còn nổi trên mặt nước.

Bao Công nghe vậy cả kinh, lập tức huy động thêm người bơi lặn giỏi, truyền lệnh vớt toàn bộ các bộ xương dưới đáy ao lên, chưa biết đã hết chưa mà được hơn 10 xác, chuyển hết về nha môn để chờ quan pháp y tới khám nghiệm. Tất cả đều phí công vô ích bởi không thể nào nhận diện được bất cứ thân thế của ai, kể cả cái xác nổi trên mặt nước.

Đây là cái ao hoang giữa rừng nên không thể truy cứu trách nhiệm cho ai được, thế là Bao Công mất biết bao công sức vẫn chưa nắm được chút đầu mối nào. Thế nhưng, với hơn 10 xác chết, đó là một vụ án lớn không thể bỏ qua, Bao Công suy nghĩ tìm cách phải làm sáng tỏ sự việc mới cam tâm. Sau mấy ngày tính toán, cuối cùng Bao Công nghĩ ra một kế sách, truyền lệnh gọi toàn bộ số người sống ở chu vi mấy dặm chung quanh cái ao đó đến công đường. Bao Công bắt tất cả quỳ xuống, khai rõ họ tên, làm như họ đều là thủ phạm. Sau khi nha lại ghi xong tên tuổi, đưa danh sách lên, Bao Công liền nói:

- Ta đã biết tên tội phạm giết người, quăng xuống ao nước phi tang. Hôm nay xem lại danh sách thì quả đúng là có ở đây.

Nói xong, Bao Công cầm bút giả như khoanh một cái vào danh sách rồi nói:

- Trong số danh sách này bản quan đã chấm được mấy tên chắc chắn là hung thủ, còn lại đều vô tội. Bây giờ ai tự biết mình không phạm tội thì cứ đứng lên ra về, còn những tên thủ phạm thì quỳ ở đó nghe bản quan tra xét lấy lời khai.

Trong số người ấy tất nhiên là có cả Ngô Ngọc bởi vì nhà của hắn gần cái ao hơn hết. Nghe Bao Công tuyên bố, hầu như tất cả đều đứng dậy, chỉ riêng Ngô Ngọc tỏ ra lúng túng, không biết nên nhận tội hay cứ thử chối cãi, thành ra chậm hơn những người khác một vài giây. Chỉ cần như thế, đôi mắt tinh tường của Bao Công đã nhận ra, khi Ngô Ngọc quyết định đứng dậy thì Bao Công lập tức đập bàn quát lớn:

- Tên kia, ngươi là thủ phạm giết người, sao dám đứng lên?

Đòn phủ đầu của Bao Công khiến Ngô Ngọc sợ quá, lại quỳ xuống như cũ, cúi đầu thật thấp chứ không dám ngẩng lên. Thái độ đó đã đủ thừa nhận hắn chính là hung thủ giết người, Bao Công liền quát tiếp:

- Ngươi tên họ là gì, hãy khai thực đã giết bao nhiêu người? Nếu ngươi ngoan cố thì bản quan không nhẹ tay đâu.

Lần này Ngô Ngọc đã hơi bình tĩnh một chút, trong lòng thầm nghĩ: “Ta giết người nhiều năm nay chưa hề có chút chứng cứ nào. Tại sao tên quan kia biết được? Hay là hắn chỉ đoán chừng mà thôi?”. Do vậy Ngô Ngọc liền kêu oan, nói:

- Thảo dân sinh sống bằng nghề chăn nuôi trâu bò, bán cho lái buôn nuôi gia đình. Thảo dân chưa hề biết đến việc sát nhân, xin đại quan minh xét cho.

Bao Công cả giận, mắng Ngô Ngọc:

- Bản quan xét xử đã nhiều vụ án giết người nhưng ngươi mới là kẻ sát nhân vô lương tâm nhất, không những giết nhiều người vô tội mà còn cứng đầu không chịu khai thật. Người đâu! Đánh cho hắn 40 roi thị uy, xem có còn chối cãi được mãi không?

Thế nhưng Ngô Ngọc là tên hung ác, chịu đau rất giỏi, dù đã hứng 40 roi thịt máu đầm đìa vẫn nhất định không nhận tội. Sau khi bị đánh hắn còn cố sức thều thào nói:

- Đại nhân cứ một mực ghép thảo dân vào tội giết người thì chưa tâm phục khẩu phục. Thảo dân dù có chết cũng không oán thán nếu như đại nhân đưa ra bằng chứng xác thực.

Bao Công cười nhạt, nói:

- Ngươi thật cứng đầu! Bản quan đã nắm được bằng chứng xác thực trong tay rồi nhưng muốn ngươi tự khai ra. Nếu ngươi nhất định ngoan cố thì bản quan cứ dùng cực hình cho ngươi biết thế nào là đau khổ, sau đó sẽ đưa bằng chứng ra cũng chưa muộn.

Thật sự Bao Công hoàn toàn chỉ dựa vào thái độ lúng túng của hắn mà suy đoán là hung thủ mà thôi, vì vậy đành phải dùng tới cực hình. Tuy nhiên, mấy lần dùng đến hình cụ kẹp ngón tay ngón chân, hầu như Ngô Ngọc gẫy hết tứ chi mà hắn vẫn nhất định không nhận tội.

Bất đắc dĩ Bao Công phải tìm cách trì hoãn, nói:

- Bây giờ trời đã chiều. Ngày mai bản quan sẽ tra khảo lần nữa, nếu cuối cùng ngươi nhất định không khai thì sẽ đưa bằng chứng ra, dựa vào đó mà kết tội là được.

Buổi tối hôm ấy đích thân Bao Công đến nhà Ngô Ngọc hạch hỏi bà mẹ của hắn cùng với Cung thị. Hai người này từ trước đến nay rất bất nhẫn vì những hành vi vô nhân của hắn nên đều khai ra hết. Bao Công cả mừng, lấy lời khai xong mới yên tâm trở về huyện đường nghỉ ngơi. Đồng thời ông cũng truyền lệnh cho hai người phải có mặt ở công đường đối chất với Ngô Ngọc.

Thoạt đầu Ngô Ngọc cũng không chịu khai nhưng khi thấy Bao Công gọi mẹ và vợ ra quỳ trước công đường thì biết rằng đã lộ mọi việc, đành phải cúi đầu xin khai thật. Bao Công liền hỏi:

- Ngươi bắt đầu giết người từ bao lâu rồi?

Ngô Ngọc đáp:

- Thật tình tội dân không hề có ý định giết người. Thế nhưng khi thả trâu ngoài đồng ăn cỏ, công việc hết sức vất vả mà thường kiếm không đủ cho ba miệng ăn. Trong khi ấy thường các khách buôn lỡ đường lại mang nhiều vàng bạc nên dần dần bị tính tham lam lấn át, ra tay giết người cướp của. Một lần làm được thì những lần sau không còn ngại ngùng gì nữa, tiểu nhân thấy cướp của quá dễ dàng thì cứ vậy mà tiếp tục. Tội dân cũng nhiều lần muốn dừng tay nhưng không hiểu ma đưa lối quỷ đưa đường như thế nào mà không sao từ bỏ nổi.

Bao Công gật đầu hỏi tiếp:

- Trong số hơn mười xác chết chỉ có một là chưa thối rữa hết, như vậy ngươi giết vào ngày nào?

Ngô Ngọc thưa:

- Tội dân không nhớ rõ, chỉ biết là lúc đó vào khoảng đầu năm, vừa ăn tết xong.

Bao Công nghe vậy biết ngay đó là xác của Mã Thái, tức giận nói:

- Ngươi quả thật vô nhân tính. Đầu năm người ta lỡ đường, thật sự ngươi phải tiếp đãi khách lỡ đường cho đầy đủ, thế mà lại đang tay giết người không có thù oán gì với mình. Hiện giờ ngươi đã tích cóp của vô nhân ấy được bao nhiêu rồi, chôn giấu ở đâu? Riêng số bạc gần ba trăm lượng của Mã Thái chắc chắn ngươi chưa dùng tới phải không?

Ngô Ngọc biết cái chết đã chắc chắn, cúi đầu nói nho nhỏ:

- Thật ra tội dân cũng không muốn giết Mã Thái. Thế nhưng chẳng hiểu tại sao khi thấy số bạc quá lớn thì tự nhiên tối mắt tối mũi lại, như bị ma quỷ xúi giục mất hết lương tri nên mới theo cách cũ bỏ thuốc độc vào rượu, giết xong rồi đem quăng xuống ao phi tang, số bạc ấy tội dân chôn chung với những số tiền đã cướp được ngoài vườn sau nhà.

Bao Công thấy như vậy đã đủ, không cần bắt mẹ của Ngô Ngọc và Cung thị khai thêm, truyền giam hắn lại, giải lên phủ thẩm xét kết tội lần cuối cùng. Ông gọi Nhật Tân đến nhận xác đứa em, trách mắng một hồi về việc vu cáo cho người lương thiện để đến nỗi Dương Thanh phải bị đau đớn. Nhật Tân hứa sẽ đền bù cho Dương Thanh một số tiền rồi xin phép Bao Công cho mình đem xác Mã Thái về quê chôn cất.

Đồng thời Bao Công cũng cùng quan quân đến nhà Ngô Ngọc đào tìm số tiền đã cướp được của khách qua đường làm tang chứng. Khi thấy quan quân rầm rộ kéo đến, người mẹ của Ngô Ngọc và Cung thị sợ bị tội, chạy ra ao nước nhảy xuống tự vẫn. May sao quan quân đuổi kịp cứu được Cung thị còn người mẹ vì quá già yếu, uống nước nhiều nên không thể cứu chữa nổi. Tuy được cứu sống nhưng Cung thị vẫn ân hận vì đã để chồng giết người quá nhiều, thưa với Bao Công:

- Chồng làm việc ác, vợ không ngăn cản được, cũng không tố giác để số người chết nhiều thì cũng là phạm tội. Tuy rằng tiểu dân đã hết sức khuyên can, đến mẹ già cũng nhiều lần khuyên bảo nhưng dù sao vẫn là có tội thông đồng. Xin Bao quan nhân xử trí thì mới yên tâm sống hết cuộc đời được.

Bao Công thấy Cung thị là người hiểu đạo đức, khuyên nhủ:

- Ngươi đã nhiều lần khuyên can mà không được thì việc này không thể gọi là thông đồng. Nay Ngô Ngọc sẽ chết mà mẹ già cũng không còn, bản quan cho ngươi tùy ý muốn tái giá hay ở vậy cũng được, đừng nhớ lại chuyện cũ rồi đâm ra buồn phiền.

Sau đó không lâu, án văn được phê duyệt, Ngô Ngọc bị đem ra giữa chợ chém đầu làm gương cho những kẻ có lòng dạ ác độc vô nhân. Riêng Cung thị không sống ở Tân Lý nữa, bỏ đi đâu biệt tích, sống chết thế nào không rõ.