Trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến Trung Hoa, rất nhiều quan lại dựa vào quyền thế tham lam lũng đoạn bức hiếp dân lành nhưng cũng không ít vị quan nổi tiếng thanh liêm, xét xử các vụ án hết sức công minh và sáng suốt. Trong số những vị quan xử án ấy, nổi tiếng nhất vẫn là Bao Công và Tống Từ. Đến đời Minh, Thanh xuất hiện khá nhiều vị quan lại anh minh sáng suốt nhưng xét về số lượng các vụ án ly kỳ oan ức thì không thể bằng được Bao Công và Tống Từ. Thí dụ như Hải Thụy, còn được gọi là Hải công, cũng rất nổi tiếng vì tính tình chính trực nghiêm minh, không sợ cường quyền nhưng tiếc rằng ông chỉ là một huyện quan ở nơi xa xôi nên tuy rất được người dân địa phương ngưỡng mộ mà chẳng bao giờ được triều đình để mắt tới để cất nhắc lên chức vụ cao hơn.
Hải Thụy sinh năm 1514 và mất năm 1587, tức làm quan dưới thời Minh Thần Tông Chu Hủ Quân. Đó là thời kỳ nhà Minh sắp sửa tiêu vong, chế độ vô cùng hủ bại, quan lại toàn bọn nịnh bợ xu thời nên việc Hải Thụy bất đắc chí là có thể hiểu được. Số mệnh của ông lại long đong, nhiều lần thi cử mà không đậu, mãi cho đến khi 36 tuổi mới được triệu ra làm quan. Vì những lý do đó, Hải Thụy tuy cũng là một vị quan rất giỏi về xử đoán nhưng tư liệu để lại của ông ít khi được lịch sử nhắc nhở tới.
Trong khi ấy, Bao Công có lẽ là người nổi tiếng xử đoán công minh, lại được truyền thuyết cho rằng ông chính là “người trời, ngày xử án dương thế, đêm xử án Diêm La” nên lịch sử ghi chép khá nhiều về các vụ án ly kỳ mà ông đã từng giải quyết, không hề ngán ngại thế lực cường quyền hay hoàng thân quốc thích. Người ta nói: “Hoàng đế anh minh thì có hiền thần xuất hiện”, một phần có lẽ là nhờ ở sự nể trọng của Tống Nhân Tông Triệu Trinh nên ông mới phát huy được hết khả năng phán đoán sự việc và sẵn sàng xét xử không hề e ngại bị các đại thần hay hoàng thân quốc thích chống đối, như vậy mới có thể ra phán quyết một cách trung thực khiến người ta phải “tâm phục khẩu phục”.
Bao Công tên thật là Bao Chửng. Chữ “Chửng” trong tiếng Hán có nghĩa là cứu vớt, không phải âm đọc Chuẩn như nhiều người lầm tưởng. Tên tự của ông là Hy Nhân nhưng người ta không bao giờ nhắc tới, thường gọi nhất là Bao Công, Bao Thanh Thiên hay Bao Hắc Tử bởi ông có nước da nâu đậm, không trắng trẻo như thư sinh. Bao Công cũng nổi tiếng vì đã dám giết cả hoàng thân quốc thích nên còn được gọi là Bao Long Đồ (Đồ Long là giết rồng, ám chỉ ông dám cả gan giết thân thích của Hoàng đế nếu như phạm trọng tội, không hề sợ bị trách phạt). Nhưng cũng có người giải thích là Bao Công được phong Đại Học sĩ ở gác Long Đồ nên mới có tên ấy.
Lúc đó triều Bắc Tống đóng đô ở phủ Khai Phong, Bao Công là Tri phủ Khai Phong nên quyền thế rất lớn, chức là Hình bộ Thị lang, quan hàm tam phẩm, tức là ngang hàng với các đại thần trong triều, lại được Tống Nhân Tông ban đặc ân được vào cung bái kiến mỗi khi gặp cản trở. Ngoài ra, theo truyền thuyết thì Bao Công còn được sự trợ giúp tận tình của một hoàng thân là Bát Hiền vương. Chính ông này đã nhiều lần tiếp trợ cho Bao Công điều tra tới nơi tới chốn và hết lòng bênh vực ông trước mặt Hoàng đế mỗi khi có việc đối đầu với các đại thần.
Với hoàn cảnh khá thuận lợi như vậy, Bao Công đã đem hết tài sức của mình ra phụng sự quốc gia, phá được vụ án tưởng như không còn đầu mối. Nếu so sánh giữa Bao Công và Hải Thụy hay Tống Từ thì quả là khập khiễng bởi mỗi người có một hoàn cảnh riêng để phán đoán sự việc nhưng tựu trung tất cả những phán quan nổi tiếng tài giỏi trong thời phong kiến Trung Hoa đều nhờ vào sự suy nghĩ tận tâm tận tình của mình với công việc, không coi thường các chi tiết nhỏ trong vụ án, nhờ vậy mới sáng tỏ được những khúc mắc trong vụ án.
Theo ghi chép thì Bao Công bắt đầu nổi danh từ khi được bổ về làm Tri huyện Phụng Phù phủ Duyên Châu. Lúc đó ông còn rất trẻ nhưng đã biểu lộ là người thông minh chính trực, thích xem xét các vụ án ly kỳ khó giải quyết. Khi đến Phụng Phù nhậm chức, Bao Chửng (lúc đó tên Bao Công chưa phổ biến) rất nhàn hạ vì ở huyện hầu như không có vụ trọng án nào xảy ra. Ông đem hết hồ sơ văn án ra nghiên cứu nhưng xét kỹ thì toàn là những vụ việc đơn giản, đã được quan huyện trước kia giải quyết rốt ráo.
Thế nhưng khi đọc đến việc viên Áp ty của huyện tên là Tôn Văn vì nghe lời thầy bói mà tự mình nhảy xuống sông tự vẫn thì đã có chút nghi ngờ. Ông cho rằng dù mê tín dị đoan như thế nào cũng không thể vì một lời tiên đoán số mệnh mà tự mình hủy hoại thân thể do cha mẹ khổ công sinh thành dưỡng dục.
Khi Bao Chửng còn đang suy nghĩ thì chợt ông gục đầu xuống bàn mà ngủ. Trong khi ngủ ông mơ thấy mình ngồi trên công đường, phía dưới không hề có tội nhân hay nghi phạm nào. Bao Chửng hết sức ngơ ngác, nhìn về phía sau thì thấy có câu đối lời lẽ rất lạ: “Muốn biết việc canh ba, gạt lửa mà xuống nước”.
Bao Chửng còn cố nghĩ xem ý tứ của câu đối ấy muốn nói gì thì giật mình thức dậy. Ông liền nghĩ ngay đến việc tự vẫn của viên Áp Ty Tôn Văn chắc chắn là có uẩn khúc, quyết định sẽ từ đó lần ra manh mối xem sao.
Ngày hôm sau Bao Chửng thăng đường, tiếng là ra mắt các thuộc hạ nhưng lợi dụng cơ hội tụ tập đầy đủ ấy đưa hai câu đối ra nhờ họ giải thích. Tất nhiên là không ai có thể hiểu được. Bao Chửng có tính rất kiên định, đã làm việc gì thì nhất định không chịu bỏ qua nên sai người viết hai câu đối ấy treo trước nha môn, tuyên bố rằng bất cứ ai giải được ý nghĩa của nó thì sẽ trọng thưởng 10 lạng bạc. Một người có nét chữ tốt được giao nhiệm vụ viết yết thị là viên Áp ty mới, cũng họ Tôn nên người ta phân biệt gọi viên Áp ty cũ là Đại Tôn, còn người Áp ty mới gọi là Tiểu Tôn. Một phần cũng do tuổi tác hai người già trẻ khác nhau, dần dần cái tên này trở thành thông dụng.
Khi Tiểu Tôn viết xong yết thị, treo ngoài nha môn thì người người kéo đến xem rất đông, ai nấy đều nặn óc ra tìm lời giải đáp để có số bạc khá lớn ấy. Trong số người chen lấn để xem yết thị có một người nổi tiếng về khoản mê cờ bạc, lại uống rượu như hủ chìm nên dù tên thật là Vương Hưng vẫn thường bị người dân Phụng Phù gọi bằng biệt hiệu Vương Tửu Tửu. Lúc đó Vương Hưng đang thèm rượu mà tiền bạc không còn một đồng nên dù không biết bao nhiêu chữ nghĩa vẫn cố chen vào đọc hai câu đối, trong ý cầu nguyện sao tự nhiên mình giải đáp trúng thì đủ tiền uống rượu trong một thời gian.
Khi đọc đến hai câu đôi, Vương Hưng giật mình kinh sợ vì đó là hai câu mà vợ của hắn đã đem về từ miếu Đại Nhạc ở ngọn Đông Phong. Sự việc hết sức kỳ lạ nên Vương Hưng không dám tự tiện, vội vàng chạy về kể lại cho vợ là Nghinh Nhi biết. Nghinh Nhi cũng hoảng sợ không kém, nói với chồng:
- Đây là lần thứ ba Tôn Áp ty hiện hồn báo mộng, có lẽ muốn nhờ tôi giải oan cho ông ấy. Lần trước Áp ty đã cho không chúng ta một ít bạc vụn, nếu lần này vẫn kín miệng không đi trình báo quan trên thì e rằng Áp ty sẽ nổi giận hại lây đến cả hai vợ chồng đấy. Vả chăng tôi vừa nghe quan huyện mới bổ về là người công minh sáng suốt, may ra có thể làm sáng tỏ được vụ án này chăng?
Vương Hưng vốn là tên vô lại, tự biết nếu mình lên huyện tố cáo thì chẳng có ai tin nên sau khi suy nghĩ liền tìm đến một người quen họ Bùi đang làm chức Khổng mục ở huyện đường. Vương Hưng cũng không dám tiết lộ cho nhiều người biết, kéo Bùi Khổng mục đến một chỗ vắng vẻ mới đem toàn bộ sự việc kể hết cho ông ta nghe, đoan quyết rằng mình đang giữ một tờ giấy do thần nhân ở miếu Đông Nhạc, trong đó có ghi hai câu đối mà quan huyện vừa yết thị. Bùi Khổng mục cũng lấy làm kinh dị, hỏi chắc:
- Hiện giờ ngươi còn giữ tờ giấy ấy hay không?
Vương Hưng gật đầu đáp:
- Sau khi đem về, vợ chồng chúng tôi không dám tiết lộ, để kín ở dưới rương, chắc chắc không đi đâu được.
Bùi Khổng mục nghe vậy mới bằng lòng, dặn Vương Hưng:
- Bây giờ tôi phải vào huyện đường bẩm báo trước với quan, còn ngươi thì cứ về nhà lấy tờ giấy ấy, bao giờ quan hỏi đến thì trưng ra làm bằng chứng.
Vương Hưng nghe theo, vội vã trở về nhà tìm tờ giấy. Trong khi ấy Bùi Khổng mục vào huyện, chờ khi Bao Chửng đã xét hết việc, mọi thuộc hạ đều về nhà, kể cả viên Áp ty Tiểu Tôn, mới quỳ xuống thưa rằng:
- Bẩm tri huyện! Thuộc hạ thật không dám làm phiền đại nhân bởi vì chuyện sắp nói ra rất kỳ quái và hoang đường. Thế nhưng người quen là Vương Hưng cứ nhất định sẽ giải được câu đối ấy nên phải thưa trước với đại nhân, nếu đại nhân chấp thuận thì mới dám cho hắn bái kiến khai rõ mọi việc.
Bao Chửng đang nôn nóng về ý nghĩa hai câu ấy, liền hỏi:
- Vương Hưng là ai, có tài cán gì mà có thể giải được hai câu đối nát óc ấy?
Bùi Khổng mục thưa thật:
- Hắn chỉ là tên bợm rượu, ngoài việc moi tiền bạc của vợ ra đánh bài và uống rượu thì chẳng có tài cán gì. Thế nhưng việc này liên quan đến vợ của hắn là Nghinh Nhi, trước kia là hầu gái của Áp ty Đại Tôn. Chính Nghinh Nhi khi đến miếu Đông Nhạc đã được thần nhân đưa cho tờ giấy, ngoài hai câu đối ấy ra còn mấy dòng chữ nữa cũng rất bí hiểm. Lần này thấy đại nhân là người trung thực sáng suốt mới quyết định nhờ thuộc hạ thưa trình lên vụ việc.
Bao Chửng rất mừng, lập tức sai người giải Vương Hưng về nha huyện thẩm vấn. Chuyện này vẫn chưa đến hồi kết thúc bởi vẫn còn nhiều điều kỳ bí xảy ra. Đó là khi Vương Hưng về nhà bàn với vợ xong, liền mở rương quần áo, lấy mảnh giấy có viết câu đối ấy ra thì hỡi ôi, chẳng hiểu tại sao chỉ còn là giấy trắng, bao nhiêu chữ biến đâu mất hết. Vì vậy Vương Hưng không đúng lời hẹn với Bùi Khổng mục, sợ bị bắt tội vu cáo bừa bãi, đành nằm co ở nhà mà run sợ. Hắn cũng không phải sợ hãi lâu bởi ngay khi đó đã có công sai của huyện đến gõ cửa, không cho hắn giải thích câu nào, lập tức bắt dẫn đến công đường.
Lúc đó chỉ còn lại Bao Chửng và Bùi Khổng mục nên ông không sợ người khác nhòm ngó, hỏi ngay:
- Ngươi là Vương Hưng phải không? Ngươi nói với Bùi Khổng mục là có tờ giấy do thần nhân ở miếu Đông Nhạc ban cho. Nay tờ giấy ấy đâu, mau đưa cho bản quan xem thử.
Vương Hưng xanh mét mặt mũi, khấu đầu lạy như tế sao rồi mới dám thưa:
- Quả là vợ tiểu dân năm vừa rồi có đến đốt hương ở miếu Đông Nhạc, khi vừa tới cửa thì chợt có một thần nhân hiện hình giống hệt Tôn Áp ty ngày trước đưa cho mảnh giấy, trên đó viết mấy câu mà trong số câu ấy lại là hai câu đối mà đại nhân vừa yết thị sáng nay. Tiểu dân đã cất tờ giấy ấy rất kỹ tận dưới đáy rương quần áo, thế mà... thế mà... hôm nay lấy ra định trình lên đại nhân thì nó đã thành giấy trắng mất rồi.
Bao Chửng nghe vậy rất bực tức, đập tay xuống bàn đánh “chát” một cái khiến Vương Hưng giật bắn cả người, vội vàng thưa luôn:
- Bẩm đại nhân, tiểu nhân không nói dối đâu, hiện tờ giấy ấy đang mang theo đây. Nếu đại nhân là người sáng suốt tất sẽ biết nó không phải ngụy tạo, đừng bắt tội tiểu dân.
Bao Chửng gật đầu, chờ Vương Hưng lấy tờ giấy ra đưa lên. Ông nhìn xem thì quả nhiên đó chỉ là giấy trắng nhưng màu sắc đã ngà vàng chứng tỏ là đã để khá lâu, Vương Hưng là tên ngu dân không thể ngụy tạo được.
Trầm ngâm suy nghĩ một lúc, Bao Chửng hỏi Vương Hưng:
- Ngươi còn nhớ được một số chữ nào trong tờ giấy này không?
Vương Hưng mừng như chết đi sống lại, dập đầu đáp:
- Tuy tiểu dân không giỏi văn chương nhưng vì sự việc quá kỳ lạ nên hai vợ chồng đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, cố sức giải đáp ẩn ý trong đó nên đến bây giờ vẫn còn thuộc, không sót chữ nào.
Bao Chửng liền sai Vương Hưng đọc từng chữ, lấy giấy bút ra ghi lại. Quả nhiên những câu chữ trong đó đều bí hiểm nên ông phải hỏi thêm Vương Hưng:
- Thần nhân giao tờ giấy cho vợ ngươi rồi có dặn gì nữa không?
Vương Hưng mau mắn đáp:
- Bẩm đại nhân! Thần nhân có dặn là hãy giải oan ức cho ông ấy.
Bao Chửng chợt đập bàn rất mạnh, chỉ mặt Vương Hưng mà mắng:
- Hay cho tên tiện dân kia! Ngươi định đặt điều lừa dối bản quan hay chăng? Thần nhân nào mà phải nhờ người dương thế thấp cổ bé miệng như vợ ngươi giải oan giùm cho?
Vương Hưng sợ quá dập đầu lạy mấy cái rồi mới thưa:
- Tiểu dân thật không dám lừa dối đại quan. Tất cả đều có nguyên nhân của nó và chuyện này theo lời kể của vợ tiểu dân thì đã xảy ra cách đây gần ba năm rồi, nhiều lần ông Tôn Áp ty đã hiện thân chứ không phải một lần ở miếu Đông Nhạc đâu.
Bao Chửng nghe vậy càng tò mò hơn, lại biết người như Vương Hưng không đủ trí tuệ để đặt ra những điều kỳ bí lạ lùng như vậy nên dịu giọng ôn tồn nói:
- Ta đến đây nhậm chức chưa được mấy ngày, chưa xét xử vụ án nào. Bây giờ nếu ngươi kể thật thì dù không giải được oan án ta cũng trọng thưởng, nếu như ngươi dối trá thì sẽ là người mở hàng mấy cái trượng của ta đấy.
Vương Hưng được cho đứng lên, uống chút nước để lấy lại bình tĩnh rồi mới bắt đầu kể chuyện ba năm trước đây:
- Vợ của tiểu nhân là Nghinh Nhi, người hầu của vợ Tôn Áp ty trước kia.
... Hôm đó Áp ty Đại Tôn có chút rảnh rỗi nên đi dạo quanh chợ một vòng xem có sự cố gì xảy ra không. Ông ta chợt thấy ở góc phố có treo một thanh kiếm lồng trong bảng hiệu ghi bằng loại chữ rất to thì liền bước tới đọc. Hóa ra đó là người thầy bói mới từ đâu đến đây lập cửa hàng, chắc là rất tự tin về tài tướng số của mình nên mới dám treo bảng khoa trương: “Xem không đúng có thể dùng thanh Thái A này chém đầu thầy bói”.
Lúc ấy Đại Tôn vẫn còn mặc quan phục màu đen, giày vớ sạch sẽ, thấy thầy bói có vẻ khoa trương thì rất tức, liền bước vào ngồi ngay xuống ghế xin xem một quẻ Âm Dương. Thầy bói không biết đó là quan chức của huyện đường, bình thản bảo Đại Tôn ghi ngày tháng năm và giờ sinh vào mảnh giấy nhỏ rồi trầm ngâm nhìn mãi mà không đoán một câu nào. Đại Tôn càng thêm tức giận, nghĩ thầm: “Hóa ra ngươi chỉ là thứ bịp bợm, nay gặp tay ông thì khó mà sống nổi ở đất Phụng Phù này rồi”. Nghĩ vậy nên Đại Tôn cứ thúc giục thầy bói xem số cho mình. Mấy lần như vậy người thầy bói mới chậm rãi nói:
- Số của ông không xem được đâu.
Đại Tôn càng thêm nóng ruột, nhất định phải xem số cho bằng được. Bất đắc dĩ người thầy bói phải xin ông ta ghi lại ngày tháng năm sinh lần nữa cho thật chắc chắn, không bị lầm lẫn rồi mới nói:
- Theo tôi thì ông không nên xem bói thì hay hơn.
Đại Tôn cười ha hả, nói:
- Ngươi cho rằng quẻ bói sẽ xấu lắm nên không dám bói chứ gì? Ta là người chưa hề làm gì lầm lỗi, cũng chẳng hà hiếp ai nên không hề kiêng sợ điềm xấu.
Thế nhưng lão thầy bói vẫn ngần ngừ không muốn nói ra quẻ bói nên Đại Tôn càng thắc mắc, nói luôn:
- Ông cứ thẳng thắn nói cho ta biết số mệnh sẽ thế nào, nếu không ta sẽ liệt vào hạng lừa dối dân lành kiếm tiền đấy.
Nghe khẩu khí đầy vẻ hăm dọa của Đại Tôn, thầy bói nhìn kỹ mới biết đó là quan chức trong huyện, thở dài mà nói:
- Đã vậy thì tôi đành phải nói thôi. Thế nhưng báo trước cho ông biết là quẻ có tượng hết sức xấu, liên quan tới sống chết đấy. Ông có bằng lòng thì tôi mới dám nói thẳng ra.
Đại Tôn là người khỏe mạnh, tính tình trung thực, làm việc cần mẫn nên từ đó tới nay không hề bệnh tật hay phải lo lắng chút gì, nghe vậy liền cười mà nói thầy bói hãy cứ nói thật quẻ như thế nào, dù không tốt mà hiệu nghiệm thì cũng sẽ trọng thưởng chứ không trách cứ. Người thầy bói liền nói:
- Thực không dám nói bừa, quẻ này đoán rằng ngày hôm nay, tháng này ông sẽ mất mạng một cách oan uổng đấy!
Đại Tôn nghe vậy bật cười lớn, nói:
- Ta đang khỏe mạnh, sức lực tràn đầy, không hề có bệnh tật gì, dễ đến 10 năm nữa cũng chưa chết nổi huống gì hôm nay? Theo ông thì giờ nào ta sẽ chết?
Thầy bói tỏ ra nghiêm trọng, đoán:
- Theo quẻ thì giờ Tí canh ba hơn một chút thì vận số của ông sẽ hết.
Lời đoán giống như trù ẻo người ta chết sớm nên Đại Tôn hết sức tức giận, đứng bật dậy chỉ mặt thầy bói mà mắng:
- Được lắm! Nếu canh ba đêm nay ta chưa chết thì thể nào cũng lôi đầu ngươi ra trước công đường... hà hà! Để ngươi đoán xem tri huyện lão gia xét xử ra sao.
Người thầy bói vẫn bình tĩnh, chỉ thanh kiếm Thái A treo trước cửa, nói:
- Sáng mai ông còn sống thì chẳng cần đưa tôi lên huyện đường làm chi cho mất công, cứ lấy thanh kiếm kia chém đầu tôi là xong. Tôi đã treo bảng chấp nhận đoán sai thì mất đầu, ông sẽ không bị bắt tội giết người đâu.
Áp ty Đại Tôn nghe vậy càng giận, đã toan lôi luôn lão thầy bói đến huyện đường nhưng nhiều người quen biết nghe to tiếng thì liền chạy vào khuyên can, cho rằng hơi sức đâu chấp nhất với những tiên đoán mê tín dị đoan ấy. Thấy Đại Tôn bớt giận, một người lớn tuổi đứng ra nói với thầy bói:
- Này ông! Xưa nay việc bói toán mười điều chưa chắc trúng một bởi thầy bói không phải là cha của Diêm Vương mà cũng không hề thân thích gì với Ngọc Hoàng, làm sao có thể đoán chính xác đến ngày giờ chết của một người đang khỏe mạnh được? Nay ông đã gây hấn với Áp ty thì khó sống nổi nơi huyện Phụng Phù này rồi, nếu khôn ngoan thì hãy dọn đi nơi khác kiếm ăn. Nhưng ta cũng khuyên ông một điều, đó là có đoán sống chết cho người thì cũng chỉ nên nói tương đối chứ không nên cố chấp nói từng giờ từng ngày khiến người ta phải tức giận.
Lão thầy bói thở dài đáp:
- Từ trước tới nay tôi cứ theo quẻ mà bói, xấu tốt gì cũng không cần biết. Tôi cũng không thể chiều lòng người mà đoán bừa, từ tốt thành xấu, từ xấu ra tốt được. Thôi thì sự việc đã xảy ra, tôi đành phải đi nơi khác vậy.
Nói xong ông ta lập tức tiến hành dọn dẹp cửa hàng, dọn đi nơi nào đó không ai thấy nữa. Tuy nhiên Áp ty Đại Tôn vẫn không thấy thoải mái trong lòng, trên đường về nhà cứ đăm chiêu nghĩ đến lời bói. Người vợ của Đại Tôn họ Lý, thấy chồng về nhà mà mặt mũi không tươi vui như mọi ngày thì ngạc nhiên hỏi:
- Chẳng hay hôm nay có gì khó xử hay là phu quân bị quan huyện mới quở trách chăng? Theo thiếp thì phu quân vốn làm việc cẩn thận, đâu đến nỗi như thế, chắc là đã xung đột với ai phải không?
Nghe Lý thị nhắc đúng đến nỗi niềm, Đại Tôn liền trợn mắt kể lại việc sáng nay xem bói, bị người đoán rằng sẽ chết bất đắc kỳ tử. Lý thị nghe vậy cũng tức giận lây, hầm hầm nói với chồng:
- Lão thầy bói quả là ngang ngược, dám đoán đêm nay phu quân chết thì còn coi vương pháp ra gì? Sao phu quân không lôi cổ hắn đến công đường rồi giam vào ngục cho biết mùi đau khổ?
Áp ty Đại Tôn gật đầu đáp:
- Ta cũng định như vậy nhưng mọi người xúm lại khuyên can. Vả chăng nếu sáng mai lời tiên đoán không hiệu nghiệm thì ta hẵng lôi cổ hắn đến công đường cũng chưa muộn.
Thật ra Đại Tôn không muốn nói cho vợ biết là lão thầy bói đã dọn đi rồi, vì thế trong lòng vẫn không nguôi buồn bực, nói với vợ:
- Chuyện đâu còn có đó. Hãy dọn ít rượu thịt ra cho ta uống mà thức đến sáng mới được. Ta nghe kể chuyện là nhiều tên thầy bói đoán người ta chết, thế rồi để ứng nghiệm thì đúng giờ đó sai âm binh đến lấy mạng. Ta sẽ thức đến sáng xem canh ba đêm nay có gì lạ xảy ra không.
Lý thị liền gọi đứa hầu gái là Nghinh Nhi dọn rượu thịt ra. Thế nhưng mọi ngày Đại Tôn nổi tiếng là tửu lượng cao, có khi uống vài ba chục chén vẫn không say, vậy mà đêm nay chỉ mới uống tới chén thứ ba thì đã thấy đầu óc quay cuồng. Ông cho rằng có lẽ bị ám ảnh bực tức quá nên tâm thần yếu đuối, dễ bị men rượu làm say nên quên cả việc sẽ thức đêm, sai vợ dọn giường lăn ra ngủ.
Lý thị thấy vậy liền cùng Nghinh Nhi lấy vải vóc kim chỉ ra thêu thùa, quyết sẽ thức đến sáng canh chừng cho chồng. Đến khi có tiếng trống báo canh ba, Lý thị càng hồi hộp, dặn Nghinh Nhi:
- Lão thầy bói ấy đoán canh ba hơn một chút thì phu quân ta hết số. Bây giờ là giây phút quan trọng, ngươi phải mở thật to mắt mà xem có gì lạ, không được ngủ đấy.
Thế nhưng chẳng hiểu sao đôi mắt Nghinh Nhi cứ nhắm tít lại, chẳng mấy chốc đã gục trên bàn mà ngủ. Lý thị chợt nghe có tiếng động trong phòng chồng rồi thấy Đại Tôn trùm cái chăn trắng đi ra rất vội vã. Lý thị kinh hoảng gọi Nghinh Nhi dậy châm đèn cho sáng thì lúc đó bóng trắng của Đại Tôn đã ra đến cổng, mau lẹ mở cái then cài cửa rồi vùn vụt chạy thẳng đến bờ sông gần đó, nhảy xuống luôn. Từ xa cũng nghe rất rõ tiếng động của vật nặng rơi xuống dòng nước, không cần nhìn cũng biết đó là Đại Tôn nhảy xuống sông tự vận.
Con sông này tuy nhỏ nhưng thông nước với Hoàng Hà nên chảy rất mạnh, đến khi láng giềng nghe tiếng Lý thị và Nghinh Nhi gào khóc kêu gọi cứu người chạy đến thì đã muộn mất rồi, chẳng sao mò tìm được xác Đại Tôn nữa. Sáng hôm sau sự việc được đưa lên quan huyện, vì có nhiều người láng giềng làm chứng nên ông ta không truy cứu, cho rằng Đại Tôn bị ám ảnh bởi lời tiên đoán ma quái ấy tự mình nhảy xuống sông. Việc chết người bị xếp lại, không còn ai nhắc tới nữa.
Mấy tháng sau đến ngày giỗ trăm ngày của Đại Tôn, chợt có mấy bà mối đem hoa quả nhang đèn đến phúng viếng rồi nhân lúc thân mật ướm lời khuyên Lý thị nên lấy chồng khác kẻo hoài tuổi xuân. Lý thị cương quyết thủ tiết cùng chồng, đưa ra điều kiện rất ngặt nghèo là nếu có tái giá cũng phải lấy một người làm Áp ty giống chồng mình, cũng thuận thảo biết làm ăn và chiều chuộng vợ như người chồng trước kia.
Tưởng như điều kiện này là không thể có, ngờ đâu mấy bà mối cười ngất, nói:
- Ông Áp ty Đại Tôn đã chết thì huyện này tất phải đưa người khác lên thế chỗ, đó cũng là người họ Tôn, hiện giờ được gọi là Tiểu Tôn, thật xứng đôi vừa lứa.
Lý thị giả như không tin là có chuyện phù hợp đến thế, chờ bọn mai mối nói đi nói lại nhiều lần mới cúi đầu ưng thuận. Thật ra tất cả đều là sắp đặt nhưng không ai biết nên đều khen Lý thị là người chung thủy vẫn nhớ đến người chồng quá cố. Thấy Lý thị đã bằng lòng, lập tức bà mối nói rằng ngày hôm nay rất tốt, có thể tiến hành ngay việc nhân duyên.
Nguyên Tiểu Tôn là người lang thang cơ nhỡ nhưng có diện mạo rất điển trai. Lần đó hắn lỡ đường bị tuyết vùi sắp chết cóng, tình cờ Đại Tôn đi qua, sai người lấy chăn ấm cứu được, đem về nhà săn sóc. Thấy Tiểu Tôn nhanh nhẹn, Đại Tôn rất yêu quý, không những chỉ dạy cách làm văn thư trong huyện đường mà còn cho ở chung, ăn uống như anh em ruột thịt vậy. Nhân lúc Đại Tôn bận việc quan, ở nhà Tiểu Tôn mở lời chòng ghẹo Lý thị, chẳng bao lâu đã thành đôi gian phu dâm phụ.
Lý thị không muốn cứ mãi lén lút, bàn với Tiểu Tôn tìm cách ly dị với Đại Tôn rồi sau đó sẽ chính thức thành vợ chồng. Hai đứa quấn quít nhau nhiều lúc công khai nên Đại Tôn dù không ở nhà bao nhiêu cũng biết được, lập tức cho Tiểu Tôn ra ở riêng, nghĩ rằng như vậy đã cắt đứt được cuộc tình vụng trộm trái đạo đức của hai người mà mình vốn yêu mến. Tiếc rằng chính việc đuổi Tiểu Tôn đi lại làm cho hắn nung nấu thêm ý định giết chết Đại Tôn chiếm lấy vợ người.
Do vậy Lý thị cũng không chống cự, sai Nghinh Nhi viết thiếp ghi rõ họ tên, ngày sinh tháng đẻ đưa bà mối đem về cho Tiểu Tôn. Chẳng hiểu sao việc nhân duyên này hết sức xuôi thuận, chưa đầy hai tháng thì Tiểu Tôn Áp ty đã về nhà ở chung với Lý thị, ăn ở còn mặn nồng hơn Đại Tôn ngày trước. Một lần kia cả hai ăn uống no say, cười cợt trêu đùa vui thú với nhau mãi đến đêm mới tàn tiệc. Thấy trong người còn men rượu, Tiểu Tôn liền sai Nghinh Nhi xuống bếp nấu bát canh nóng uống cho giã bớt.
Lúc đó trời đã tối đen, bếp ở xa lại thiếu đèn lửa nên Nghinh Nhi rất sợ, oán trách nói một mình:
- Chủ nhân trước kia uống rượu rất lịch sự, đâu có bao giờ nửa đêm nửa hôm còn bắt gia nhân người hầu phải vất vả đến thế này đâu. Tiếc thay người tốt bao giờ cũng đoản mệnh.
Thế nhưng mấy lần không sao nhóm được lửa vì cái ống thổi bị nghẽn sao đó, Nghinh Nhi tức bực đập mạnh nó xuống bàn bếp. Đột nhiên từ trong bàn bếp nhô lên một cái đầu người, cổ còn đeo sợi dây, lưỡi thè dài như người bị thắt cổ chết, thanh âm gọi nho nhỏ như từ nơi âm ty vọng lên:
- Nghinh Nhi! Ta chết oan ức lắm, ngươi tìm cách giúp ta giải oan để đi siêu sinh được không?
Chưa nghe hết lời Nghinh Nhi đã sợ đến chết ngất, hét lên một tiếng thất thanh rồi ngã ngửa ra sau bất tỉnh, mặt mày xanh tái không còn chút máu. Vợ chồng Tiểu Tôn nghe tiếng thét liền chạy xuống rồi tìm dầu nóng, thuốc an thần đổ vào miệng Nghinh Nhi, một lúc sau mới cứu tỉnh đứa hầu gái được.
Vợ chồng Tiểu Tôn liền hỏi nhìn thấy gì mà kinh hoảng đến như vậy. Nghinh Nhi thực tình kể lại mà người vẫn còn run bắn lên vì sợ hãi. Nghe xong, Lý thị chẳng những không an ủi mà còn dang tay tát cho đứa hầu gái một cái nên thân, hậm hực nói:
- Thôi! Ngươi đừng giả vờ lòe bịp vợ chồng ta. Chắc là ngươi làm biếng xuống bếp nấu nước nên đặt điều ra đấy thôi. Nhà ta ở bao nhiêu năm nay làm gì có ma có quái?
Thế nhưng Lý thị không bắt Nghinh Nhi nấu nước nữa mà cho đi ngủ, rồi sau đó hai vợ chồng cũng vào phòng riêng nói nhỏ:
- Không ngờ hắn lại có thể hiện hồn lên cầu cứu Nghinh Nhi như vậy. Nó đã nhìn thấy rồi thì không thể để trong nhà này được nữa.
Tiểu Tôn Áp ty đồng ý nhưng không biết làm cách nào, hỏi thì Lý thị cười đáp:
- Cứ lấy cớ gả chồng cho nó là xong, đừng để mang tiếng là đuổi gia nhân vô cớ.
Tiểu Tôn cả mừng, dặn vợ ngay ngày mai phải thu xếp cho xong. Lý thị liền gọi Nghinh Nhi tới hỏi:
- Dạo này ngươi hầu hạ vợ chồng chúng ta không được cẩn thận cho lắm, tâm hồn để đâu đâu, chắc là đã muốn lấy chồng rồi phải không? Con gái tới tuổi thì mơ tưởng chồng con là lẽ thường, ta sẽ tìm người mai mối cho ngươi.
Mặc dù Nghinh Nhi cãi là không hề muốn lấy chồng nhưng Lý thị vẫn tiến hành, chẳng bao lâu đã tìm ra được Vương Hưng là tên bợm rượu hoang đàng nhất huyện, lập tức gả Nghinh Nhi cho hắn. Nghinh Nhi lấy chồng chưa được mấy tháng thì bao nhiêu của hồi môn và công sức dành dụm mấy năm nay đều bị Vương Hưng đem nướng vào sòng bài bằng hết. Sau khi thua bài, Vương Hưng còn đi uống rượu đến say mèm rồi về nhà hạch sách vợ:
- Chủ của ngươi giàu có nhất nhì huyện này, thế mà ngươi để cho chồng khổ sở không vốn liếng làm ăn được ư? Ngày mai hãy đến nhà chủ nhân mượn hay xin cho ta vài trăm lạng bạc làm vốn đi buôn, khỏi phải long đong vất vả kiếm từng đồng từng xu nữa.
Nghinh Nhi không chịu thì bị Vương Hưng túm tóc đánh rất đau, túng quá đành phải nghe lời. Tuy nhiên một người keo kiệt bủn xỉn như Lý thị thì làm gì có lòng tốt đến thế, cho Nghinh Nhi vài lạng bạc vụn rồi đuổi về, mắng chửi:
- Ngươi đã lấy chồng thì sướng khổ đều do ở chồng. Mai này có túng đến mấy cũng đừng đến đây nữa, ta không giúp thêm một trinh nào nữa đâu.
Nghinh Nhi vâng dạ trở về nhà đưa bạc cho Vương Hưng. Hắn rất mừng, lập tức cầm đi luôn, nói là sẽ hùn vốn với người ta vì số tiền quá ít. Thế nhưng Vương Hưng lại nướng cả vào sòng bài. Sợ bị vợ mắng chửi, Vương Hưng liền vay ít bạc lẽ của người quen rồi đem đi uống rượu tới say mèm, lấy men rượu để có gan trở về đánh mắng vợ lần nữa. Vương Hưng uống rượu vào rồi nổi tính côn đồ, đánh đập Nghinh Nhi rất dữ nên người vợ đáng thương kia đành phải để đầu tóc rối bù, mặt mày lem luốc, hai mắt đỏ húp vì khóc nhiều, tới van xin Lý thị lần nữa.
Quả nhiên Lý thị rất cứng lòng, dù Nghinh Nhi van lạy đến mấy, khóc lóc nếu không có tiền tất sẽ bị chồng đánh đến chết, Lý thị vẫn nhất định không cho vay thêm, đuổi ra khỏi nhà. Lúc đó trời đã chập choạng tối, Nghinh Nhi vừa đi vừa khóc, đi dọc theo một con hẻm nhỏ thì chợt có người gọi:
- Nghinh Nhi này! Ta cho ngươi ít tiền, đừng khóc nữa.
Nghinh Nhi quay lại nhìn nhưng không thể thấy rõ mặt được bởi người ấy mặc quần áo đen, đội khăn trùm đầu che hết nửa mặt, lại đứng dưới cái mái hiên tối, chỉ để lộ thân hình ra mà thôi. Nếu như Nghinh Nhi không quá lo lắng tất sẽ nhận ra bộ quần áo người đó chính là quan phục mà trước kia Áp ty Đại Tôn thường hay mặc, bên hông còn lủng lẳng cái túi đựng giấy tờ nha môn. Lo lắng làm át chế sự sợ hãi, Nghinh Nhi thò tay ra lấy gói tiền nhỏ thì người ấy lập tức biến mất. Lúc đó Nghinh Nhi mới kinh hồn bạt vía bỏ chạy thục mạng về nhà. Thấy vợ tỏ ra hoảng hốt, Vương Hưng hỏi ngay:
- Có gì mà ngươi sợ hãi vậy? Sao ta bảo đến nhà chủ cũ vay mượn mà lâu quá vậy, hay còn lang thang nhiều chuyện ở đâu bây giờ mới chịu về?
Nghinh Nhi hổn hển đáp:
- Tôi làm gì dám lang thang trò chuyện với ai. Chẳng qua là đến nhà chủ cũ không vay được đồng nào. Còn đang lo lắng thì khi qua ngõ hẻm, bất chợt... hình như ông Áp ty Đại Tôn hiện hồn về cho tôi chút bạc vụn này đây, hãy cầm lấy tiêu đỡ vài ngày.
Nghe vậy Vương Hưng liền đẩy vợ vào nhà, đóng cửa lại rồi mới nói nhỏ:
- Trước kia ngươi có kể việc ông Áp ty hiện hồn trong bếp, nay lại hiện ra lần nữa thì tất phải có gì uẩn khúc, hồn vía mới cứ lẩn quẩn không siêu thăng được. Ngày mai tôi sẽ lên huyện trình báo việc này xem sao, có khi chính vợ chồng Áp ty Tiểu Tôn đã gây ra oan ức này đấy.
Thế nhưng sáng hôm sau Vương Hưng lại nghĩ Áp ty Tiểu Tôn hiện đang làm việc trong huyện, không thể trình báo quả việc có liên quan tới ông ấy. Mới chỉ suy đoán vậy thôi, chưa có chứng cứ gì không chừng mất toi số bạc nho nhỏ này, rồi còn bị đòn đau nữa. Vì vậy Vương Hưng bỏ ý định trình báo, mua một ít bánh ngon đem về nói với vợ:
- Chúng ta thử đem biếu số bánh này rồi dò xét xem thái độ của vợ chồng Áp ty Tiểu Tôn ra sao trước đã, khi đã chắc chắn thì mới nên trình báo.
Hai vợ chồng bàn xong, đem mấy hộp bánh đến nói dối với Lý thị:
- Chúng tôi vừa được ông Áp ty giúp cho mấy việc thuận lợi, kiếm được ít tiền nên hôm nay có chút quà đem biếu, gọi là lòng thành, xin bà Áp ty chớ ngại.
Lý thị cũng mừng cho hai người, chợt nói với Vương Hưng:
- Ta với Áp ty đã sống với nhau một thời gian khá lâu mà chưa có đứa con nào. Vì vậy sáng mai ta định đến miếu Đông Nhạc cầu tự, ngươi hãy về trước đi, để vợ ở lại ngày mai cùng đi với ta cho có bạn.
Vương Hưng bằng lòng, để Nghinh Nhi ở lại, ra về một mình. Sáng hôm sau Nghinh Nhi phụ giúp Lý thị sửa soạn mâm quả cùng đi với nhau đến miếu Đông Nhạc ở ngọn núi Đông Phong. Hai người vào chính điện thắp hương cầu khấn xong thì ra hai bên hành lang thắp hương tiếp. Chợt lúc đó dây dải quần của Nghinh Nhi bị lỏng ra, phải để Lý thị đi trước, tránh vào một chỗ tối bên cạnh pho tượng phán quan ở âm ty buộc chặt lại.
Còn đang loay hoay, Nghinh Nhi chợt thấy pho tượng nhúc nhích, nhìn kỹ thì chẳng hiểu tại sao diện mạo giống hệt Áp ty Đại Tôn. Pho tượng Đại Tôn đưa cho Nghinh Nhi một gói nhỏ, nói mà âm thanh giống như ở đâu vọng về:
- Ngươi là người hầu gái hiền lương, nếu còn nhớ chủ cũ thì cố sức giải oan cho ta nhé.
Nghinh Nhi nhận gói giấy xong, dụi mắt nhìn lại thì vẫn là pho tượng bằng đất, chẳng biết tại sao mà cử động được. Nghinh Nhi hoảng quá, nhét gói giấy vào người, không dám hở môi cho Lý thị biết, thắp hương xong vội vã lấy cớ yếu mệt trong người rồi xin về nhà.
Nghinh Nhi lập tức kể lại cho Vương Hưng biết việc lạ lùng vừa xảy ra, sau đó mở gói giấy xem thử. Hóa ra trong cái gói đó lại là một tờ giấy nhỏ, ghi mấy hàng chữ: “con gái lớn con gái nhỏ, người trước cày người sau ăn. Muốn biết việc canh ba gạt lửa mà xuống nước. Tháng hai ba năm câu dĩ giải được”.
Hai vợ chồng Vương Hưng đọc đi đọc lại chẳng hiểu tí gì, đành phải cất vào đáy rương, bảo nhau cố nhớ ba năm sau vào tháng hai xem có sự cố gì xảy ra không, lúc ấy sẽ giải được ý nghĩa của mấy câu bí hiểm trên.
Khi Vương Hưng quyết định nhờ Bùi Khổng mục trình bày các việc lạ với Bao Chửng, bấm đốt ngón tay tính ra đúng là ba năm, Bao Chửng về nhậm chức cũng nhằm vào tháng hai.
Bao Chửng nghe Vương Hưng kể xong, không cần hỏi gì thêm, lập tức sai Bùi Khổng mục viết trát, sai quân đến bắt vợ chồng Áp ty Tiểu Tôn về công đường. Vì là người của huyện đường nên Tiểu Tôn tuy rất ngạc nhiên nhưng không hề chống cự, cùng với vợ theo chân bọn sai nha đi ngay. Thấy vợ chồng Tiểu Tôn tới nơi, Bao Chửng muốn thử lòng hắn nên lập tức mắng phủ đầu:
- Các ngươi thật là kẻ lòng lang dạ thú, dám toa rập giết người.
Tiểu Tôn giả ngơ ngác thưa:
- Bẩm đại nhân! Chúng tiểu dân suốt đời làm ăn lương thiện, sao lại thế được? Theo vương pháp Đại Tống thì chưa có bằng chứng tang vật thì chưa thể khép tội, xin Bao đại nhân xem lại cho tiểu dân nhờ.
Bao Chửng liền bắt hai vợ chồng quỳ xuống trước rồi mới thong thả lật tờ giấy viết mấy hàng chữ bí hiểm ra giải thích:
- “Con gái lớn con gái nhỏ” tức là ám chỉ Đại Tôn và Tiểu Tôn; “Người trước cày người sau ăn” là nói Đại Tôn xây dựng cơ nghiệp, lấy vợ rồi Tiểu Tôn cướp mà hưởng; “Muốn biết việc canh ba, gạt lửa mà xuống nước” chỉ việc Đại Tôn chết vào canh ba và chết là do bị ngạt thở rồi dìm vào nước. Như vậy bản quan suy đoán vợ chồng ngươi giết chết Đại Tôn bằng cách siết cổ đưa thòng xuống giếng, sau đó xây bếp lửa để lên che giấu; hai chữ câu và dĩ ghép lại thành chữ Bao chính là họ của bản quan đây. Ta giải nghĩa như vậy đã rõ ràng chưa?
Áp ty Tiểu Tôn giật mình xanh mặt nhưng vẫn cố cãi:
- Đó mới chỉ là suy đoán của đại nhân dựa theo mấy chữ vớ vẩn mà thôi, thực sự vẫn chưa có chứng cứ gì xác thực thì tiểu dân quyết không nhận tội.
Bao Chửng cười nhạt, nói “Được lắm” rồi sai quân sĩ giải cả vợ chồng Tiểu Tôn lẫn Vương Hưng tới nhà hắn. Tất cả người chứng kiến xử án đều nửa tin nửa ngờ nên xin đi theo khá đông, Bao Chửng đều chấp nhận hết.
Khi vào trong bếp nhà họ Tôn, đúng ngay chỗ Nghinh Nhi đã thấy hồn của Đại Tôn hiện ra, quân sĩ liền xúm nhau đập bỏ, lộ ra một phiến đá lớn bằng phẳng. Quân sĩ lại lật phiến đá lên thì lộ ra cái miệng giếng đen ngòm. Bao Chửng lập tức sai mấy tên quân gan dạ theo dây trèo xuống giếng, không bao lâu đưa lên một cái xác vẫn chưa rữa nát, nhìn mặt nhận ra ngay đó là Áp ty Đại Tôn, trên cổ xác chết vẫn còn sợi dây bao quanh. Thấy vậy mọi người đều kinh hoảng, khen thầm quan tri huyện Bao Chửng tuy trẻ tuổi mà tài cao, xét đoán việc như thần.
Hai vợ chồng Tiểu Tôn và Lý thị xanh xám cả mặt mũi, cứng đờ người không nói được câu nào. Theo như chứng cứ thì ai cũng có thể đoán được án mạng xảy ra như thế nào, đó là khi Đại Tôn đòi uống rượu chờ đến đêm để xem lời thầy bói có đúng không thì Tiểu Tôn bắt Lý thị phải bỏ thuốc mê vào rượu khiến Đại Tôn mới uống mấy chén đã say mèm.
Vì quá lo lắng với lời tiên đoán nên Đại Tôn không hề để ý là lúc đó Tiểu Tôn đã ẩn nấp trong nhà, khi thấy Đại Tôn thấm thuốc mê thì liền cùng Lý thị tròng dây thắt cổ Đại Tôn cho đến chết, sau đó khiêng xác quăng xuống giếng, xây bếp đè lên để phi tang. Khi giết xong Đại Tôn, Tiểu Tôn mặc quần áo quan phục, che mặt rồi la lên cho mọi người biết, chạy ra mé sông. Nơi đó hắn đã đặt sẵn một tảng đá lớn, ném xuống tạo thành tiếng động giống như người nhảy. Vì vậy ai cũng tưởng là Đại Tôn tự mình nhảy xuống sông tự vẫn. Cũng vì lý do này mà mấy ngày sau Lý thị bỏ tiền ra nhờ người chèo thuyền tìm xác chồng mà không sao thấy được.
Đã đủ bằng chứng, Bao Chửng liền thăng đường, làm án văn bắt hai vợ chồng gian dâm giết người kia phải điểm chỉ vào rồi kết án tử hình, giải lên tỉnh phê duyệt. Từ đầu chí cuối hai vợ chồng Tiểu Tôn biết thân phận không phản kháng một câu nào, cúi đầu chịu tội, khi bị giải đi bị người dân chửi đổ ra xem mặt và mắng chửi hết lời.
Khi án đã xong, chính ra là do Bao Chửng giải được câu đối chứ không phải Vương Hưng nhưng ông vẫn thưởng cho hắn 10 lạng bạc như đã yết thị. Vương Hưng quá mừng, chia cho Bùi Khổng mục 3 lạng gọi là đền ơn. Vụ án ly kỳ này đã được kết thúc nhờ vào tài suy đoán thần tình của Bao Chửng, từ đó trở di danh tiếng của ông bắt đầu vang dội, đến mức sau này triều đình phải gọi ông về thăng lên làm Tri phủ Khai Phong, trở thành vị Bao Công mặt sắt đen xì lẫy lừng trong lịch sử hành pháp Trung Hoa.