100 Mẩu Chuyện Cổ Đông Tây

Lời Nói Đầu

Các cụ ta nói: “Ôn cố tri tân”, có nghĩa là ôn cái cũ biết được cái mới. Tôi rất tâm đắc câu đó, vì qua những gương sáng của lịch sử, ta soi vào sẽ biết được lẽ phải chăng, mà cố tự rèn luyện mình và giúp cho người khác tu dưỡng. Chính vì thế mà năm 1943, tôi đã soạn bộ sách Những trang sử vẻ vang để nêu lên những gương anh hùng của ông cha chúng ta.

Ngày nay, những đảo lộn trong thế giới tác động sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân ta, gây nên những tác hại lớn về mặt luân thường đạo lí, đến nỗi hằng ngày trên báo chí,… ta đọc thấy những tin đáng đau lòng, như con đánh chết mẹ, vợ đầu độc chồng, học trò chửi cô giáo, bè bạn chém giết nhau, nạn tham nhũng tràn lan, công dân phản Tổ quốc…

Là một nhà giáo, tôi vô cùng lo lắng trước những ảnh hưởng xấu xa đối với thế hệ mới lớn lên.

Đọc lại những trang sử cũ của nhân loại từ Đông sang Tây trong thời kì cổ đại, tôi thấy yên tâm và tin tưởng vào con người với những tấm gương chói lọi.

Tôi thầm nghĩ: Những gương sáng đó sẽ giúp cho mỗi người khi soi vào có thể hoặc tu tỉnh, hoặc cố vươn lên những đỉnh cao của đạo làm người.

Vì thế tôi soạn tập 100 mẩu chuyện cổ Đông Tây này, lựa chọn một trăm truyện kể về những mẫu người tiêu biểu trong cổ sử của Hi Lạp, La Mã và Trung Quốc, những cái nôi của văn minh nhân loại.

Trong tập này, những người và tên đất Hi Lạp, La Mã, tôi xin dịch theo phiên âm tiếng Pháp, còn tên người và tên đất Trung Quốc thì tất nhiên phiên âm là những từ Hán – Việt.

Để kết thúc Lời nói đầu ngắn ngủi và chân thành này tôi mong mỏi rằng các bạn độc giả thân mến sẽ có những ý nghĩ tương tự như những lời phát biểu sau đây của nhà sử học Hi Lạp Phulacơ khi viết về những tinh hoa của lịch sử:

“Tôi khắc sâu vào tâm hồn tôi kỉ niệm và hình ảnh của những người đạo đức nhất, lừng lẫy nhất: nếu trong sự giao thiệp với những người tôi buộc phải cùng sống mà khiến tôi có những định kiến xấu xa, đồi bại, không xứng đáng với con người có danh dự, thì tôi cố gắng gạt đi, trừ bỏ đi; tôi sẽ làm cho tưởng mình êm dịu và trong sáng bằng cách nghĩ đến những mẫu mực trọn vẹn về đạo lí và đức độ”.

Cuối cùng tôi xin tỏ lời chân thành cảm tạ đồng chí Từ Kính Đàm đã cho tôi mượn nhiều tư liệu quý.

Tháng 8 năm 1991

NGUYỄN LÂN