Trong thời nhà Hán, có một người nông dân tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) chăm nghề làm ruộng và chăn cừu, tên là Bốc Thức.
Cha mẹ mất sớm, Bốc Thức phải nuôi một người em. Khi người em lớn lên, ông cho em tất cả gia tài, nhà cửa, vườn ruộng, chỉ giữ một số cừu.
Ông vào núi chăn cừu, trong mười năm trời, số cừu tăng rất nhanh. Thức có tiền mua ruộng vườn, xây nhà cửa. Trái lại, người em vì lười biếng và ăn tiêu xa xỉ, nên đã bán hết sản nghiệp. Thức lại chia gia tài cho em đến mấy lần.
Hồi đó, vì nạn lụt, nhân dân trong nước đói khổ, lại thêm có nạn người Hung nô sang xâm lăng. Vua nhà Hán, một mặt phải lo cung cấp lương thực cho dân nghèo, mặt khác phải cho quan quân ra biên thùy chiến đấu với kẻ xâm lược.
Thấy thế, Bốc Thức dâng thư xin nộp một nửa gia sản cho quan lại địc phương, để đóng góp vào việc cứu nước.
Nghĩa cử đó đến tai vua. Nhà vua cho sứ giả đến hỏi Thức :
- Có muốn được làm quan không ?
- Từ nhỏ tôi chỉ biết việc chăn nuôi, không quen làm quan, nên không muốn làm quan.
- Trong nhà có điều gì oan ức muốn bày tỏ không ?
- Tôi vốn không tranh giành gì với ai, trong thôn xóm, tôi sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo; nếu có ai hư hỏng thì tôi khuyên bảo, mọi người đều nghe lời tôi. Vì thế tôi chẳng có điều gì oan ức cả.
- Vậy ông muốn gì ?
- Hiện có giặc ở biên giới. Người có tài năng thì phải ra đi giết giặc, người có của thì phải góp phần vào việc đuổi giặc ngoại xâm.
Sứ giả về kể lại cho nhà vua. Vua Hán Vũ Đế phải khen người chăn cừu đó là người quân tử.