10 Quy Luật Cuộc Sống

QUY LUẬT 6

NỖ LỰC VÀ SỰ TẬN HƯỞNG

Thành công không phải là điều gì khó đạt được như nhiều người nghĩ, mà thật ra, chính con đường thúc đẩy chúng ta đi đến thành công và thái độ khi
đạt được điều mình mong muốn mới quan trọng hơn cả. Bạn có cảm thấy thành công hôm nay mình đạt được chính là kết quả của quá trình làm việc nỗ lực, say mê bằng tất cả niềm vui, sự hào hứng. Và khi đi đến đích, bạn hân hoan đón nhận nó, sẵn sàng chung vui với thành quả đạt được? Nếu cảm nhận được điều đó, nghĩa là bạn đã tạo điều kiện cho nguồn năng lượng của sức sáng tạo và hành động trong bản thân mình sinh sôi. Nhiều người từng suy nghĩ sai lầm rằng, thành công hay không chẳng liên quan gì đến niềm vui hay cảm hứng với công việc, và từ đó, họ không màng đến việc tạo cho mình cơ hội để tận hưởng thành quả. Họ sẵn sàng lao vào những công việc không có hứng thú gì, cũng chẳng quan tâm mấy đến việc cảm nhận thành công mình đạt được ra sao. Họ làm việc như một cái máy mà quên đi những cảm xúc của bản thân. Đó là dấu hiệu của việc suy thoái tinh thần và là biểu hiện của sự phát triển không bền vững. Sáng tạo trong mọi lĩnh vực hoạt động có liên hệ mật thiết đến sự tận hưởng và vui chơi – động lực thường trực để tiến hành những công việc mới mẻ.

Hãy làm mọi việc trong niềm yêu thích và hứng khởi, chắc chắn kết quả bạn đạt được sẽ còn tốt hơn nhiều.
Trong xã hội quan liêu, người lao động được trả công theo thời gian và công sức họ bỏ ra. Nhưng đối với những xã hội tiên tiến, họ được trả công theo giá trị mình tạo ra, bất kể sử dụng phương thức gì. Ngày nay, chúng ta đều hiểu rằng không phải thời gian và công sức bỏ ra có thể làm nên tất cả mà chính kết quả đạt được mới là điều quan trọng.

Nếu bạn đạt được kết quả như mong muốn hoặc có thể tốt hơn mà vẫn cảm thấy yêu thích công việc mình đang làm thì bạn đang đi đúng hướng. Chỉ cần một thái độ đúng đắn, biết tận hưởng những giá trị do mình tạo ra thì bạn có thể luôn tìm thấy niềm vui và sự phát triển cho bản thân, kể cả trong những việc khó khăn hay khiến bạn nản chí nhất.

Tìm kiếm niềm vui – Tự giải phóng

Năm 19 tuổi, Clifford Shearing làm việc tại một nông trại ở Nam Phi trong thời điểm nạn phân biệt chủng tộc ở đây vẫn diễn ra căng thẳng. Nông trại có rất nhiều công nhân và họ được chia thành các nhóm để làm việc với nhau; Clifford là quản lý của một nhóm trong số đó. Tuy nhiên, điều làm Clifford cảm thấy khó hiểu là mặc dù chẳng có nhiều kiến thức hay kinh nghiệm gì, anh vẫn được làm quản lý. Điểm có thể coi là lợi thế duy nhất Clifford đang sở hữu đó là anh là người da trắng. Để tận dụng triệt để năng suất làm việc của công nhân, mỗi thứ sáu hằng tuần, người chủ nông trại đến giao công việc và bảo: “Nếu hoàn thành sớm, tất cả sẽ được nghỉ vào cuối tuần”. Nhưng công việc ông ta giao luôn chất chồng như núi, công nhân không thể hoàn thành trong một tuần, và vì vậy, họ phải làm việc quần quật cả những ngày cuối tuần, không có thời gian nghỉ ngơi.

Một ngày như thường lệ, ông ta giao cho nhóm của Clifford phải dọn sạch đầm lầy. Ai cũng biết là không thể hoàn thành việc này chỉ trong vài ngày.

Chắc chắn nó lại sẽ ngốn hết những ngày cuối tuần của họ. Chán nản nhưng lại nảy ra một ý nghĩ tinh quái, Clifford quyết định sẽ trêu tức ông chủ nông trại cho hả dạ và cũng muốn cho lão một bài học. Trước hết, anh động viên nhóm của mình dậy thật sớm vào lúc 2 giờ sáng mỗi ngày. Sau đó, anh nhờ các nhóm khác đến giúp thêm. Tất cả đều tiến hành một cách âm thầm. Kết quả là chưa đầy một tuần, họ đã hoàn thành việc được giao. Để ăn mừng cho kế hoạch thành công đúng như dự định, sáng ngày thứ sáu, anh cho mua một con cừu và tụ tập tất cả anh em lại thưởng thức bữa sáng với thịt cừu nướng ngoài trời.

Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, ông chủ nông trại đến. Ông ta nhìn thấy các công nhân đang tiệc tùng vui vẻ, cười đùa ầm ĩ mà không làm việc. Ngay lập tức, ông nghĩ ngay Clifford chính là kẻ đầu trò và lôi cậu ra gay gắt:

– Cái này là do anh bày ra chứ không ai khác. Clifford, anh đang phá hoại kỷ cương của trang trại này!

Tiếp theo đó là những tràng nhiếc móc thậm tệ. Dù đang bị mắng xối xả nhưng Clifford vẫn bình tĩnh. Anh nói:

– Tôi không hiểu tại sao ông lại làm ầm ĩ lên như thế. Cái việc bé tí ngớ ngẩn ông giao cho, chúng tôi đã làm xong từ lâu rồi.

Tức thì, đồng loạt các công nhân rú lên cười. Ông chủ nông trại xấu tính ấy bị một phen bẽ mặt, đến chết cũng không quên.

Vì nhiều lần chơi khăm ông chủ, Clifford đã bị ông ta thù hằn và một ngày nọ, anh buộc phải thu dọn đồ đạc đi khỏi trang trại. Trong hoàn cảnh tưởng chừng bế tắc đó, anh phát hiện ra một điều mà sau này định hình nên cuộc đời anh. Đó là sức mạnh của nạn phân biệt chủng tộc không nằm trong tay chính phủ, cảnh sát hay quân đội mà đang nằm trong chính những con người này. Nông dân, công nhân và các tầng lớp bị bóc lột khác không chỉ là nạn nhân mà còn chính là công cụ của nạn phân biệt chủng tộc. Một ý nghĩ loé lên trong đầu giúp anh nhận thấy rằng, nếu sự phân biệt chủng tộc này có ở khắp nơi thì ai cũng có thể tạo nên thế giới của riêng họ.

Sau này, Clifford trở thành một học giả được cả thế giới biết đến và kính nể với mối quan tâm đặc biệt về những vấn đề an ninh, xã hội. Hàng thập kỷ sau ngày xảy ra sự việc ở nông trại, những kiến thức ông thu thập được đã đóng vai trò chủ yếu trong việc giúp cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào năm 1994 ở Nam Phi diễn ra tốt đẹp. Trong sự kiện này, dựa trên kinh nghiệm bản thân và qua điều tra của tổ chức, Clifford thấy rằng để cuộc bầu cử diễn ra êm thấm, các nhóm diễu hành phải kết hợp chặt chẽ và có trách nhiệm tự quản. Kết quả là rất ít cảnh sát dẹp loạn được điều động đến, điều đó có nghĩa là những xung đột vũ lực có thể gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực tạo ra một môi trường dân chủ đã được tránh khỏi.

Bây giờ, chúng ta hãy quay lại thời điểm mà Clifford bị đuổi khỏi nông trại. Nếu lúc đó Clifford bỏ đi với thái độ cay cú, thù hận thì có lẽ cuộc đời ông hẳn đã rẽ sang hướng khác và ông cũng không thể mở rộng tầm nhìn để có thể đóng góp cho thế giới này một tương lai tốt đẹp hơn.

Ý nghĩa của sự tận hưởng

Tìm cách tạo ra niềm vui, niềm hứng khởi trong công việc sẽ làm tăng sức sáng tạo và khiến chúng ta ý thức mình đang kiểm soát công việc hơn là bị chính công việc điều khiển. Điều này giúp chúng ta có những khám phá mới về bản thân, và có thể sẽ giúp chúng ta phát hiện ra trong mình một con người can đảm, mạnh mẽ mà bấy lâu không hề hay biết. Nếu xem cuộc đời như một cuộc vui và sự phát triển là mục tiêu sống, bạn sẽ thấy bản thân mình tận hưởng cuộc sống như tận hưởng một chuyến phiêu lưu. Và cho dù nó dẫn bạn đi đến đâu, bạn cũng sẽ bất ngờ trước những gì đang chờ đón mình.

Tinh thần vui vẻ có thể tạo ra năng suất làm việc đáng kể, đồng thời thúc đẩy, tạo cảm hứng cho những người xung quanh. Tiếp cận công việc với thái độ như vậy, chắc chắn bạn sẽ thu hút được nhiều nguồn giúp đỡ, hỗ trợ. Người ta sẵn lòng nhiệt tình hoàn thành mọi thứ nếu chúng đem lại niềm vui cho họ và dĩ nhiên, họ sẽ chẳng làm vậy nếu ngược lại.

Paul Hamilton, quản lý dự án trong công ty chúng tôi, là người rất vui tính. Khi số lượng đơn đặt hàng tăng cao, để khuyến khích công nhân làm việc kịp tiến độ, ông thường cho tổ chức những buổi xem phim và ăn nhẹ sau những buổi làm ngoài giờ. Mọi người đều cảm thấy thoải mái vì đã cùng nhau làm việc, đồng thời cũng cảm thấy sung sức vì đã có những giây phút thư giãn vui vẻ, tái tạo sinh lực sau một ngày vất vả.

Chúng ta có thể thấy sự tận hưởng và niềm hân hoan khiến cho công việc trở nên dễ dàng hơn bình thường. Đó cũng là lý do tại sao sự tận hưởng lại vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi chúng ta.

Phát huy khả năng đặc biệt

Có bao giờ bạn để ý những thứ bạn giỏi nhất, đam mê nhất, đem lại những cơ hội tốt nhất cho sự phát triển và hoàn thiện liên tục lại là những hoạt động mang đến cho bạn niềm vui và sự tận hưởng. Chúng tôi gọi chúng là những hoạt động phản ánh năng lực đặc biệt của bạn. Mỗi người đều có một khả năng đặc biệt và một cơ hội tốt nhất để đóng góp sức mình. Và sự đóng góp này có thể có được từ quá trình khám phá khả năng đặc biệt đó cũng như tìm ra những phương thức để tận dụng nó, nhằm tạo ra giá trị ngày càng lớn hơn.

Mọi người thường bị mắc bẫy khi rơi vào những công việc họ làm rất giỏi nhưng lại không yêu thích. Những nỗ lực để hoàn thành xuất sắc công việc có thể đem đến nhiều thành quả nhưng chúng không đem đến niềm vui, sự tận hưởng hay sự phát triển đáng kể nào về lâu dài. Người ta có thể làm tốt hơn lên chút ít cho những hoạt động họ không hề có đam mê nhưng sẽ không bao giờ có động lực để phát triển cao hơn nữa. Nếu tập trung vào những gì chẳng đem đến niềm vui, rất có thể bạn sẽ phá huỷ các cơ hội tuyệt vời cho một sự phát triển hiệu quả. Bạn sẽ thật sự tạo ra một đóng góp đặc biệt nếu nỗ lực tìm kiếm thành quả và sự tận hưởng vào một việc gì đó.

Làm những gì bạn yêu thích và tìm cách tạo ra niềm vui trong công việc, bạn sẽ mở ra cho mình những cơ hội phát triển không ngừng. Và hẳn bạn không ngờ tất cả những điều đó lại đang nằm ngay trong bản thân mình.

Thực hành

Xem công việc như một trò chơi

Chúng tôi thích dùng thủ thuật gọi là “cuộc chạy đua nước rút” để chia nhỏ những việc lớn thành những phần việc dễ quản lý hơn và biến chúng thành một trò chơi hay một thú tiêu khiển. Ý tưởng cuộc chạy đua nước rút là nhằm lập ra một mục tiêu có thể cân, đo, đong đếm được và thách thức bạn phải hoàn thành nó trong một khoảng thời gian nhất định. Theo dõi kết quả công việc của bạn, và nếu thích, hãy tự thưởng cho mình một phần quà mỗi khi đạt mục tiêu.

Khi thử thách bản thân như vậy, bạn không chỉ tạo ra niềm vui trong một công việc tưởng như quá nhàm chán mà còn tạo ra động lực để tìm ra những cách làm việc tốt hơn. Điều này giúp bạn vừa hoàn thành tốt công việc vừa tiến bộ nhanh hơn rất nhiều.

Sáng tạo để đạt kết quả mong muốn

Điều này liên quan nhiều đến mặt cảm xúc. Nếu bạn bắt đầu công việc với ý nghĩ rằng đây là một công việc rất thú vị, bạn có thể đưa ngay niềm vui ấy vào công việc. Quyết định gây quỹ bằng việc lái xe khắp đất nước của gia đình ông bà Singer vì Rebecca rất thích được ngồi xe hơi, là một ví dụ khá điển hình cho điều này. Hãy tự hỏi, tôi có thể làm gì để tạo ra một trải nghiệm thú vị cho công việc của mình?