10 Quy Luật Cuộc Sống

QUY LUẬT 4

KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THÀNH TÍCH

Không ngừng nâng cao chất lượng thành tích là biểu hiện của một quá trình ngày càng phát triển. Đây là giai đoạn được xem là bước ngoặt có thể đưa bạn tiến xa hơn hoặc kìm chân bạn lại. Bởi lẽ,khi đạt được thành tích cao, bạn phải đứng trước hai lựa chọn. Một là, bị cám dỗ bởi những lời tán dương và quên hết những việc cần làm kế tiếp. Hai là, xem những lời tán dương đó như động lực thúc đẩy bạn phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được. Trong mọi lĩnh vực, người gặt hái được thành công cao nhất bao giờ cũng là người luôn nỗ lực làm việc. Có thể xem đó như quá trình tự thân vượt qua chính những thành quả của mình để vươn lên nấc thang cao hơn nữa.

Tương lai không nằm ở vầng quang hào nhoáng của sự ngợi khen mà ở hành động và kết quả chúng ta đạt được từ hôm nay. Dù rằng chúng ta cũng hiểu sự ngợi khen sau mỗi thành công là điều hiển nhiên và ta đáng nhận được, trong nhiều trường hợp, nó còn có giá trị và hữu ích; tuy nhiên, đừng bao giờ đặt nó làm tâm điểm cho sự cố gắng. Điều thật sự có ý nghĩa lúc này là hướng đến những mục tiêu kế tiếp để hoàn thành.

Mục tiêu ở đây là luôn phấn đấu làm việc tốt hơn, biết trân trọng những gì mình đạt được, đồng thời, luôn nỗ lực để vươn xa hơn nữa. Muốn làm được như vậy, bạn phải không ngừng cố gắng hoàn thiện năng lực, nâng cao trình độ để tiến bước xa hơn.

Nỗ lực đạt thành tích

Quá trình nâng cao thành tích là giai đoạn tạo ra sự phát triển. Trong khi cố gắng đạt được kết quả tốt nhất, chúng ta đã gắn kết niềm đam mê và năng lực của mình lại với nhau để vươn tới tầm cao. Trong tiến trình đó, những khó khăn chúng ta gặp phải sẽ là điều kiện và cơ hội để ta đón nhận cũng như chinh phục những thử thách này.

Nở một nụ cười, Todor Kobakov thú nhận rằng anh “là một cậu bé 16 tuổi ngạo mạn khi mới rời Bulgaria đến Canada”. Anh gặp William Aide, thầy dạy đàn dương cầm của mình tại Khoa Nhạc trường Đại học Toronto. Ngày đầu tiên gặp Giáo sư Aide, Todor nói thẳng với Giáo sư là anh chẳng thích chơi nhạc cổ điển, cũng không có ý định trở thành nghệ sĩ dương cầm mà chỉ quan tâm đến việc sáng tác nhạc jazz. Nhưng không lâu sau đó, những suy nghĩ của Todor bỗng chốc thay đổi. Giáo sư Aide đã truyền cho anh một bài học mà có lẽ anh sẽ phải luôn nhắc nhở mình suốt đời.

Trong hai năm đầu học dương cầm, Todor dần học được ở Giáo sư Aide một điều quan trọng. Đó là biểu diễn âm nhạc không chỉ đơn thuần là buổi trình diễn những nốt nhạc và kỹ năng nhạc lý mà quan trọng hơn, phải thể hiện được phong cách riêng của cá nhân người nghệ sĩ. Anh và những người bạn đồng môn bắt đầu hiểu ra rằng, những gì họ đang nỗ lực là để trở thành một con người tốt chứ không chỉ là một nghệ sĩ dương cầm giỏi – và hai điều này thì luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Trong nỗ lực không ngừng hoàn thiện bản thân, anh đã bắt đầu nhận thức rõ những phẩm chất bên trong con người mình. Qua âm nhạc, anh khám phá ra những hạn chế ở bản thân muốn thay đổi và những phẩm chất tốt đẹp muốn phát huy. Sự nhận thức này đã góp phần giúp anh kiểm soát được những buổi trình diễn theo ý đồ của riêng mình và qua đó, thể hiện phong cách riêng với hình thức kể chuyện độc đáo bằng âm nhạc.

Sau bốn năm học với một tình cảm thầy trò cao quý, ngày chia tay, thầy Aide đã nhắn nhủ với Todor rằng: “Tôi nghĩ tôi đã dạy anh cách tự hoàn thiện bản thân mình”.

Bây giờ, dù mới xấp xỉ 30, Todor đã là một người chín chắn, điềm tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Chính những kinh nghiệm để trở thành một nghệ sĩ đã giúp anh trưởng thành, và quan trọng hơn, giúp anh không ngừng hoàn thiện trong suốt cuộc đời mình qua những buổi biểu diễn ngày một ấn tượng hơn. Anh nói anh vẫn thích cứ cách vài tháng biểu diễn lại một lần những trích đoạn nhỏ vì chính phong cách mỗi lúc một khác sẽ giúp anh thấy được sự thay đổi và phát triển của bản thân.

Tất cả chỉ là trải nghiệm

Dù Todor luôn nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ phía khán giả sau những buổi biểu diễn, song đối với anh, điều đó lại không quan trọng. Anh bày tỏ, thật ra, chính sự tán thưởng ấy đôi khi lại làm anh buồn vì nó báo hiệu buổi biểu diễn đã kết thúc. Theo quan điểm của anh, đã là một nghệ sĩ thì không ai chơi nhạc chỉ vì muốn gây ấn tượng với khán giả. Một buổi biểu diễn được coi là thành công khi cả người nghệ sĩ và khán giả cùng nhau hướng tới sự cao khiết, thăng hoa của âm nhạc. Người nghệ sĩ “tán thưởng” âm nhạc một cách gián tiếp thông qua màn trình diễn của mình, còn khán giả thì tán thưởng trực tiếp bằng những tràng pháo tay.

Điều này cũng đúng đối với những lĩnh vực khác. Khi bắt đầu làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng như người nghệ sĩ bước lên sân khấu, chỉ tập trung vào một việc là làm sao để khán giả trải nghiệm những điều chúng ta muốn hướng tới chứ không chỉ đơn thuần mong nhận được phản hồi từ khán giả.

Những ai tự hào với kết quả công việc của mình và luôn cố gắng tạo ra trải nghiệm ngày càng ý nghĩa hơn cho người thưởng thức là những người luôn thành công trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngay cả một nhân viên phục vụ ở tiệm bán thức ăn nhanh cũng có thể được xem là thành công khi anh ta dốc hết sức mình cho công việc: vừa nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, vừa tươi cười với thực khách, vừa nhanh tay đóng gói thực phẩm khách mua về…

Bất cứ việc gì cũng đòi hỏi chúng ta phải thật sự chú tâm, giống như những nghệ sĩ trên sân khấu. Nếu bạn làm vì niềm vui, sự phấn khởi, vì những thử thách mà công việc ấy mang đến cho bạn và lòng tự hào về những gì làm được, bạn sẽ không ngừng phát triển bản thân. Nếu làm việc chỉ vì danh tiếng, tư lợi bạn sẽ dậm chân tại chỗ. Suy cho cùng, sự khen tặng, ái mộ mọi người dành cho bạn rồi cũng tan biến đi khi cảm giác mới lạ trong họ không còn nữa. Còn nếu bạn muốn lặp lại những việc tương tự chỉ để nhận lấy những lời khen cũ rích thì bạn sẽ chẳng có động lực nội tại nào thúc đẩy bản thân tiến buớc xa hơn.

Luôn làm mới thành tích

Có một câu chuyện thật về nghệ sĩ kịch Laurence Olivier như sau. Để cho buổi biểu diễn mỗi đêm đều mới mẻ như buổi đầu tiên, Olivier luôn có một “nghi thức” trước khi sân khấu mở màn. Ông sẽ đứng sau sân khấu, quan sát khán giả qua cánh gà và tự nói với mình: “Đây không phải là khán giả của đêm diễn hôm qua. Đây không phải là buổi biễu diễn đêm qua. Đây không phải là diễn viên của đêm qua. Đây không phải là vở kịch đêm qua. Đây không phải là những câu thoại của đêm qua…”. Bằng cách này, ông đã động viên bản thân luôn nỗ lực thể hiện vai diễn một cách tốt nhất, dù rằng ông đã diễn vai ấy rất nhiều lần rồi.

Một nghệ sĩ chân chính và tài năng là người có thể sáng tạo nhiều cách thể hiện khác nhau ở cùng một vở diễn, để mỗi lần anh bước ra sân khấu, khán giả lại được thưởng thức những điều mới mẻ. Đó có thể xem là sự giao thoa giữa nhiều yếu tố: sự thăng hoa trong cảm xúc – cái thần – của người nghệ sĩ, tình cảm nhiệt thành của khán giả, địa điểm tổ chức… Do đó, mỗi buổi diễn đều đem đến một kinh nghiệm cho người diễn viên và một cơ hội để thử nghiệm tài năng của họ. Nhưng điều quan trọng nhất là giúp họ học hỏi từ chính “bài học”. tưởng chừng đã cũ.

Dan, một diễn giả, đã kể một câu chuyện về những gì ông đã trải qua, mà cho đến tận bây giờ, nó vẫn là kinh nghiệm vô cùng quý báu cho cuộc đời ông.

“Tôi đã từng diễn thuyết ở rất nhiều nơi, thường là những nhóm nhỏ như một buổi nói chuyện trao đổi thân tình. Nhưng đôi khi cũng có những bất ngờ. Có lần, tôi được mời đến diễn thuyết cho một số lượng thính giả rất lớn, khoảng 300 người. Điều này đã làm tôi rất hào hứng. Tuy nhiên, tất cả đều không như dự kiến, buổi diễn thuyết diễn ra mà chỉ có 30 người đến dự.

Một sự hụt hẫng và thất vọng. Nhưng sau đó, tôi vẫn bắt đầu và nghĩ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng hết sức. Tôi bước ra, bắt đầu buổi diễn thuyết một cách thật thoải mái. Tôi để cho mọi cảm xúc thăng hoa trong mình tuôn trào mà không bận tâm có bao nhiêu khán giả ở dưới. Đây chính là cuộc thử nghiệm mới cho tôi, để tôi tự do thể hiện mình. Và khi buổi diễn thuyết kết thúc, thật bất ngờ, khán giả đứng hẳn dậy tung hô tôi. Sự hưởng ứng nồng nhiệt này đã tăng thêm cảm hứng cho tôi ở những buổi diễn thuyết sau này”

Là một phương tiện thúc đẩy sự phát triển, lời tán thưởng có thể rất hữu ích. Nó mở ra cánh cửa của những cơ hội, năng lực để có thể phát huy thành tích lên một tầm cao hơn. Nhưng nếu để sự tán thưởng trở thành mục đích cuối cùng của bạn, nó sẽ trở thành chướng ngại vật to lớn cho sự phát triển. Nó huỷ hoại trí tưởng tượng và làm suy yếu động lực tiến thủ. Khi không ngừng tập trung vào việc phát huy thành tích và xem sự tán thưởng như một kết quả phụ, chắc chắn bạn sẽ không ngừng tiến lên phía trước đến những tầm cao mới.

Thực hành

Sự tán thưởng không phải là mục đích cuối cùng

Tỏ thái độ cảm kích hoặc biết ơn chân thành những lời khen tặng có thể bảo vệ bạn trước những cám dỗ của danh vọng. Chỉ cần một phần nhỏ con người bạn ngủ quên trong những lời tán dương cũng đủ khiến bạn không sẵn lòng nỗ lực cho những thành tích cao hơn.

Nỗ lực hết mình trong hiện tại

Những suy nghĩ viễn vông, mơ mộng hão huyền về kết quả rất có thể sẽ góp phần huỷ hoại những gì lẽ ra bạn được nhận về. Niềm tin sẽ không đi vào thực tế nếu thiếu hành động. Để có thành tích tốt nhất, bạn cần phải tập trung hết mình vào công việc hiện tại. Nếu làm được, bạn sẽ không phải mơ mộng hay bị chi phối bởi những lời khen tặng.