Khi đọc đến những dòng này, hẳn các bạn đã suy ngẫm và chấp nhận thực tế rằng, thế giới chúng ta đang sống thật sự chứa đựng rất nhiều điều nghịch lý.
Tất cả chúng ta đều mong muốn cuộc sống của mình sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, nhưng với những yếu tố khách quan và cả chủ quan, chúng ta lại đang dồn mình vào chân tường, đang tự đầu độc cuộc sống tinh thần của chính mình. Sự gia tăng quá nhanh về dân số khiến xã hội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới. Bên cạnh đó, loài người chúng ta cứ tùy tiện khai thác, tùy tiện sử dụng và vô tâm quay lưng với các hoạt động bảo vệ cũng như tái tạo chúng nhằm đảm bảo cho bản thân mình và các thế hệ mai sau có một tương lai bình an và tốt đẹp hơn.
Trong quá trình giải trình vũ khí hạt nhân đang được ráo riết tiến hành trên phạm vi toàn cầu thì vẫn còn đó sự hiện diện của hàng vạn đầu đạn hạt nhân trên hành tinh, và nhiều nhất lại ở những quốc gia kêu gọi ngăn cấm sản xuất vũ khí hạt nhân. Chỉ cần khoảng 100 quả bom nguyên tử trong số đó đồng thời phát nổ ở các thành phố khác nhau thì cũng đủ tạo nên một đám mây đen khổng lồ che phủ cả bầu trời và nhấn chìm toàn bộ trái đất chúng ta vào màn đêm u tối, đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta có đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu cho cả thế giới, nhưng thực tế mỗi năm vẫn còn có hàng trăm ngàn người chết vì nạn đói, và hơn một tỉ người không được chăm sóc sức khỏe. Các chuyên gia y tế ước tính hiện nay có khoảng 700 triệu người đang mang trong người mầm mống các loại ký sinh trùng như giun tròn, giun móc, trùng roi…Riêng đối với người dân các nước kém phát triển thì các chủng vắc-xin ngừa bại liệt, quai bị, sốt vàng da hay các loại thuốc kháng, điều trị bệnh lao và bệnh phong…vẫn còn là những mặt hàng xa xỉ, quá đắt tiền so với mức thu nhập của người dân. Tại những nước này, chỉ có 8 triệu trong số 80 triệu trẻ em được tiêm chủng ngừa bệnh bạch cầu, ho gà và uốn ván. Ước tính có khoảng 25 triệu
người ở các nước nhiệt đới bị mù do di chứng của căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi hoàn toàn.
Mỹ là quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng vẫn có hơn 11 triệu trẻ em phải sống dưới mức nghèo khổ. Trong khoảng thời gian 10 năm, từ 1980 cho đến 1990, tỉ lệ em dưới năm tuổi phải sống trong cảnh nghèo khổ đã tăng đến 23%.
Suốt nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã không ngừng lên tiếng hô hào trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, nhưng chúng ta vẫn không dành đủ thời gian để chăm sóc và vun dưỡng cho những mầm non đó. Thời gian mà các bậc cha mẹ ở bên con cái của mình chỉ độ vài phút hay vài chục phút mỗi ngày, trong khi thời gian chúng ngồi trước màn hình ti-vi hay vi tính thì tính theo đơn vị giờ. Chúng ta tùy tiện phó mặc tương lai của con em mình cho nhà trường, nhưng đội ngũ giáo viên, những người đang nhận lãnh phần trách nhiệm nặng nề và cao cả ấy lại chỉ nhận một mức lương không-đủ-sống. Mỗi năm, xã hội lại tiếp nhận thêm hàng trăm ngàn sinh viên ra trường, nhưng rất nhiều người trong số đó họ thậm chí còn không thể hiểu được giá trị tấm bằng tốt nghiệp của mình.
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy tranh chấp và thích kiện tụng. Hàng năm, các tòa án trên toàn nước Mỹ nhận hơn 100 triệu lá đơn khiếu kiện. Trong đó, một số đơn kiện đơn thuần chỉ bắt nguồn từ việc người đệ đơn nghĩ rằng họ không phải chịu trách nhiệm gì cho những hành động của chính mình. Ngay cả khi họ chủ ý làm sai, họ cũng kiện người khác; và đôi khi, họ còn may mắn thắng kiện và trở nên giàu có nhờ vào tiền bồi thường.
Trong khi đó, giới truyền thông cũng tranh thủ chớp lấy mọi đề tài có thể giúp họ hái ra tiền bằng mọi cách mời những người phụ bạc vợ con, những kẻ giết người, cướp của, nghiện ngập…làm khách mời cho các chương trình của đài truyền hình. Vài người trong số họ thậm chí còn kiếm tiền bằng việc viết sách hoặc bán lại những câu chuyện vô đạo đức mà họ biết cho các tờ báo lá cải.
Chúng ta muốn có đất nước của mình xây dựng dựa trên những giá trị đích thực,
nhưng chúng ta lại luôn quan tâm đến cái “danh” nhiều hơn là cái “thực”. Chúng ta nói rằng mình tôn trọng quyền bình đẳng và luôn hô hào phải chống nạn phân biệt chủng tộc, thế nhưng, thực tế vẫn còn có những chủng người da màu và các dân tộc thiểu số luôn đấu tranh cho sự bình đẳng và thiếu công bằng đó.
Vẫn còn đó rất nhiều người đã và đang quay lưng lại với các giá trị tinh thần từng được bảo tồn và phát huy từ những thế hệ đi trước. Và còn cả những người quan niệm rằng mọi thứ đều là tương đối và mang tính chủ quan, vì vậy, họ tự cho mình cái quyền được quy kết rằng vạn vật trên đời này đều vô nghĩa và họ thở than, ta thán rằng cuộc đời này sao quá tẻ nhạt, trống trải, rằng họ chẳng thể tìm đâu ra ý nghĩa cuộc sống cho riêng mình.
Vậy đó, thế giới này quả thật đầy rẫy những điều nghịch lý. Bạn cảm thấy mình không thể nào hiểu và giải quyết được những điều như vậy? Chẳng sao cả. Bởi nó thật khó hiểu như vậy đấy!
Thế thì làm sao chúng ta có thể sống và tìm thấy hạnh phúc đích thực trong một thế giới đầy những mâu thuẩn và nghịch lý như vậy? Giải pháp đương nhiên sẽ không phải là những lời than phiền hay sự tuyệt vọng; mà vấn đề là bạn hãy thừa nhận: thế giới này nhiễu loạn đến mức bạn không thể nào hiểu được, nhưng dù vậy, bạn vẫn hoàn toàn có thể biến nó trở nên ý nghĩa hơn, và bạn có thể tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình. Đó cũng chính là nội dụng của cuốn sách này muốn gửi gắm đến các bạn: Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống ngay trong một thế giới đầy những nghịch lý.
Bạn chính là người phải tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cho riêng mình trong tất cả đều nghịch lý đó. “Nghịch lý” là điều gì đó trái ngược với mọi tư duy, ý thức hay những nhận định thông thường, nhưng nó lại là một trong những sự thật không thể phủ nhận.
Một khi đã thực sự hiểu những nghịch lý đó, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái khi đối đầu với những nghịch lý của cuộc sống hiện tại. Những nghịch lý này sẽ trở thành phương châm sống của chúng ta, và khi đó, bạn có thể làm bất cứ việc gì, miễn
là lương tâm mách bảo bạn rằng điều đó đúng và nên làm.
Những nghịch lý cuộc sống này hoàn toàn không mang ý nghĩa tiêu cực hay bi quan ma trái lại, chúng giúp bạn ý thức được rằng, tuy mỗi việc làm đúng đắn đều xứng đáng nhận được sự đền đáp và tưởng thưởng, nhưng không nhất thiết phải là lời tung hô hay sự thừa nhận của bất kỳ ai – ngoại trừ bản thân bạn.
Đừng tự bó buộc mình trong những lối mòn của định kiến. Bạn hoàn toàn có quyền quyết định làm những điều mình cho là có ý nghĩa – với bản thân hay với những người xung quanh – dù cho điều đó có được người khác đánh giá đúng hay không. Bạn có thể tự do đi tìm những điều mà bấy lâu nay vẫn bị người đời xem thường và sẽ gặp ở chúng những ý nghĩa thầm lặng nhưng lớn lao. Và khi nhận ra tất cả những điều đó, bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác sâu lắng của niềm hạnh phúc thật tự nhiên mà trước đây, bạn ít khi có được.
Mong rằng những điều chia sẻ này sẽ được các bạn đón nhận và giúp các bạn vượt qua rất nhiều điều nghịch lý trong cuộc sống.
Chúng ta không phải là nạn nhân của cuộc sống này mà chúng ta là những nhân tố, những con người tạo nên nó. Chúng ta có ý thức, nhận định, khả năng và có cuộc sống riêng của chúng ta. Con đường đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa của mỗi người không được quyết định bởi các tác động từ thế giới khách quan mà chính bởi thái độ của mỗi người khi phản ứng lại những tác động ấy.