10 Lời Khuyên Khởi Nghiệp

Chương 9: Cách Khởi Nghiệp Kinh Doanh Ít Rủi Ro

Bạn đã có ý tưởng và đang sẵn sàng hành động. Giờ là lúc bạn cần một chút khôn ngoan của vận động viên leo núi Chris Bonnington:

Hãy làm những điều mạo hiểm theo cách an toàn.

Đây là một nguyên tắc tuyệt vời. Bất kỳ ai cũng có thể nghỉ việc, thế chấp nhà và bước vào kinh doanh mà không hề do dự. Người điều hành phải rất khôn ngoan và chăm chỉ thì mới có thể giảm thiểu được những rủi ro khi mới bắt đầu. Nó cần trở thành điều tâm niệm của bạn khi tiến hành mọi hoạt động kinh doanh.

Dưới đây là một vài cách giúp giảm thiểu rủi ro khi mới khởi nghiệp.

Chiến lược khởi nghiệp ít rủi ro

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ ông chủ hiện tại: Biến ông chủ hiện tại trở thành khách hàng chính của bạn là một cách khá hay khi mới kinh doanh. Điều này không hề lố bịch. Rất nhiều doanh nhân đã bắt đầu theo cách này. Bạn giúp họ xử lý một bộ phận không sinh lời trong doanh nghiệp, chính vì thế họ rất sẵn lòng hỗ trợ bạn hoặc bạn có thể trở thành nhà cung cấp tuyệt vời cho họ.

Công ty con: Một cách khác để khởi nghiệp là thành lập công ty con nằm dưới sự bảo trợ của một công ty lớn. Tuy bạn phải chấp nhận mức độ sở hữu doanh nghiệp ít hơn và sẽ phải lưu tâm đến nhiều quan điểm khác nhau khi đưa ra quyết định song bạn sẽ được công ty mẹ hỗ trợ trong giai đoạn đầu quan trọng. Cách này giúp bạn tiếp cận với nhiều loại nguồn lực, có được nhiều khách hàng và nhận được sự trợ giúp cần thiết. Cuối cùng, sau khi tính toán thiệt hơn thì bạn sẽ thích sở hữu 25% một công ty trị giá 1 triệu bảng hơn là sở hữu 100% một công ty đang phải vật lộn với trị giá 100 nghìn bảng.

Nhưng cũng đừng quên những bất lợi của việc kinh doanh với tư cách người làm thuê:

“Điều này nghe có vẻ tham lam nhưng có cách gì để tôi có thể vừa phát triển ý tưởng của mình, vừa đảm bảo được chia phần doanh thu xứng đáng khi mà ông chủ là người đã đứng ra chịu mọi chi phí và rủi ro?” (James, nhân viên PR)

Người nào dám chấp nhận rủi ro thì sẽ có được phần thưởng lớn nhất.

Duy trì công việc đem lại thu nhập ổn định?

“Liệu tôi có nên tiếp tục công việc hiện tại cho đến khi kiếm đủ vốn?” (Muriel, nhà thiết kế)

Điều này nghe có vẻ hợp lý? câu trả lời là “Không”. Thứ nhất, thực tế mỗi tháng bạn tiết kiệm được bao nhiêu và liệu số tiền đó có tạo nên sự khác biệt? Và thông thường bạn sẽ không giữ được ý tưởng kinh doanh lâu. Vì bạn vẫn phải đảm đương nhiệm vụ của công việc hiện tại, ý tưởng kinh doanh của bạn sẽ dần mai một. Việc chuẩn bị quá lâu khiến bạn bị sao nhãng khỏi mục tiêu. Rồi cũng đến lúc bạn phải quyết tâm bắt tay vào hành động.

Nhượng quyền

Nhượng quyền, hiểu đơn giản là sử dụng phương thức của người khác để kinh doanh. Kiểu kinh doanh này từng bị xem nhẹ nhưng giờ đây thì ngược lại – hiện nay toàn nước Anh có hơn 30.000 đại lý nhận quyền và trong số đó có trên 93% đại lý tuyên bố kinh doanh có lãi.

Lợi thế của kiểu kinh doanh này là bạn có một mặt hàng đã được thử nghiệm và kiểm chứng, một thương hiệu đã được khẳng định. Bạn chỉ còn việc bắt tay vào làm và sẽ nhanh chóng có doanh thu. Bạn cũng được hỗ trợ, được đào tạo và có cơ hội cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tế với những người khác trong cùng mạng lưới.

Tất nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Bạn sẽ phải trả một khoản tiền như phí nhượng quyền ban đầu, phí quản lý dịch vụ hoặc bản quyền, thuế quảng cáo và/hoặc tiền chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá vốn của sản phẩm.

Tuy nhiên những chi phí này không chỉ là vấn đề tài chính. Quản lý một đại lý nhận quyền thậm chí còn bị hạn chế khá nhiều – công ty nhượng quyền sẽ đưa ra một hệ thống tiêu chuẩn buộc bạn phải tuân theo, định mức doanh thu bạn phải đáp ứng và họ được phép kiểm tra cơ sở kinh doanh của bạn.

Nói chung, nếu bạn khởi nghiệp là để có một nguồn thu nhập ổn định, vậy thì đây là điều bạn cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Ngược lại, nếu bạn muốn được tự do và tự quản lý doanh nghiệp, đây không phải là kiểu kinh doanh dành cho bạn.

Hãy ghé thăm trang web của Hiệp hội Nhượng quyền Anh quốc (www.britishfranchise.org) để có thêm thông tin về vấn đề này.

Tất nhiên, cách ít rủi ro nhất là không chấp nhận rủi ro tài chính. Điều này dẫn đến kiểu kinh doanh “tay trắng làm nên”.

Lợi ích của kiểu khởi nghiệp “tay trắng làm nên”

“Công việc kinh doanh nào càng cần nhiều tiền lúc đầu thì càng ít có cơ hội thành công”. (Mark McCormark, tác giả cuốn Những gì người ta không dạy bạn ở Trường Kinh doanh Harvard)

Cụm từ “Tay trắng làm nên” dùng để nói về việc khởi nghiệp từ con số không. Rất nhiều công ty lớn như Microsoft khởi nghiệp chỉ với vài đồng xu. Có nhiều điều phải bàn khi bạn khởi nghiệp.

  • Bạn có thể mắc sai lầm với giá rẻ. Bạn không cần phải làm đúng ngay từ lần đầu tiên vì bạn không có những khoản nợ khổng lồ và bạn có thể thay đổi hướng chiến lược bất kỳ lúc nào.

  • Bạn không cần biết khách hàng muốn gì cho đến khi bạn bắt đầu bán hàng cho họ. Ví dụ, bạn có thể đã quyết định mở một quầy bán lẻ nhưng sau đó nhận ra khách hàng lại thích mua hàng qua điện thoại hơn.

  • Bạn có thể dành thời gian giải quyết Quy luật của những hậu quả không lường trước1 (xem Chương 23). Nói cách khác, bạn có tiềm lực tài chính để tìm hiểu khách hàng thật sự muốn gì từ bạn.

  • Ít tiền giúp bạn rèn luyện tính tiết kiệm khi bạn dần trưởng thành.

Một số kỹ xảo để “tay trắng làm nên”

Hãy để khách hàng trả tiền cho công việc kinh doanh ban đầu của bạn: Điều này nghe có vẻ khác lạ nhưng đừng xem thường khả năng khách hàng sẽ cung cấp tài chính để bạn khởi nghiệp. Nếu bạn sản xuất một sản phẩm giúp khách hàng tiết kiệm một khoản chi phí hoặc một sản phẩm hữu ích và chưa từng có, khách hàng có thể hỗ trợ vốn để bạn bắt tay vào sản xuất bằng cách trả tiền đặt cọc cho đơn đặt hàng.

Một nhà thiết kế làm một mẫu thiệp Giáng sinh. Cô giới thiệu mẫu thiệp này đến một nhà bán lẻ lớn, họ thích loại thiệp này và đặt hàng 10.000 cái. Sau đó, cô nói sẽ giảm giá 10% nếu họ đặt cọc trước cho đơn đặt hàng này. Họ vui lòng đồng ý. Và cô đã dùng số tiền này để thanh toán tiền in.

Hãy tự hỏi bản thân, cái đó có thật sự cần thiết? Cách tốt nhất là phải dùng càng ít tiền càng tốt. Hãy suy nghĩ kỹ khi mua sắm bất kỳ đồ dùng nào mà chưa thật sự cần thiết. Bạn có thật sự cần một chiếc laptop/ôtô mới, hào nhoáng hay bạn có thể mua sau? Bạn có cần văn phòng riêng hay có thể làm việc ngay tại nhà. Liệu bạn có thể “suy nghĩ” về hoạt động kinh doanh ở trong văn phòng của một công ty lớn? Bạn sẽ thấy nhiều thứ thật ra chỉ là thứ bạn muốn có chứ không phải thứ bạn cần cho việc khởi nghiệp kinh doanh.

“Tôi hoan nghênh những ý tưởng gây vốn của các bạn. Tôi muốn xây dựng một mô hình máy bay giả để giúp mọi người vượt qua nỗi sợ đi máy bay.” (Angela)

Bạn sẽ thán phục ý tưởng của Angela, nhưng chắc hẳn còn có cách khác ít chi phí hơn? Bạn có thể ngồi trên một chiếc máy bay thật, thậm chí đó có thể là máy bay không còn sử dụng. Phát huy tính sáng tạo không chỉ trong việc gây dựng vốn mà còn cả giảm chi phí ban đầu.

Đừng mua toàn bộ: Nếu bạn thật sự cần dùng một lượng vốn lớn, hãy suy xét về việc bạn có thể đi thuê, cho thuê hoặc mượn chứ không mua toàn bộ. Khi bắt đầu kinh doanh, bạn thường bị cuốn theo ý nghĩ là mình cần có mọi trang thiết bị để hoạt động, nhưng điều này không đúng. Bằng cách thuê những thứ đáng ra phải mua bằng rất nhiều tiền, bạn có thể nâng cấp các thiết bị nhanh và rẻ, hoặc thay đổi cho phù hợp.

Thương thảo và khảo giá hàng hóa: Mọi thứ đều có thể thương lượng được. Hãy luôn mặc cả khi mua đồ. Hỏi xem có được giảm giá nếu thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán trước không. Điều xấu nhất có thể xảy ra chỉ là câu trả lời ‘không’.

Có được giá hợp lý từ nhà cung cấp: Mọi người thường cố kỳ kèo để có thêm vài xu từ khách hàng nhưng lại quên mất khoản tiết kiệm kiếm được từ nhà cung cấp cũng tác động đáng kể đến lợi nhuận.

Hãy để cho nhà cung cấp được suy nghĩ sáng tạo. Hãy nói cho họ biết số tiền trong ngân sách của bạn và sản phẩm cuối cùng của bạn sẽ như thế nào. Sau đó, hãy hỏi xem họ có thể nghĩ được cách chuyển hàng khác hay hơn không.

Đừng chây lười với hiện trạng như vậy. Bạn nên khảo giá hàng hóa ít nhất một lần trong năm để xem bạn có thể có được giá tốt hơn không. Hay ít ra điều này cũng khiến nhà cung cấp hiện tại không thể coi thường bạn. Hãy nhớ, nếu khách hàng của bạn thường xuyên tham khảo giá trên thị trường thì bạn cũng phải thường xuyên làm như họ.

Khi thương thảo với các nhà cung cấp, bạn có thể dùng kỹ xảo “giả nai”:

Một phụ nữ trẻ gây dựng được một doanh nghiệp trang sức rất thành công, bắt đầu từ một quầy hàng trong chợ Glassgow’s Barrowland. Khi thương thảo với các nhà cung cấp, đặc biệt với những người chuyên nghiệp, cô đã luyện tập thành thạo kỹ năng hỏi những câu hỏi “giả nai” như: “Thay vì tôi phải thanh toán trước chi phí cho ông, sao ông không khấu trừ luôn phần trăm từ khoản tiền ông đã giảm giá cho tôi?” Nhà cung cấp rất ngạc nhiên vì chưa từng có ai đặt câu hỏi như vậy và câu trả lời của họ thường là: “Đồng ý!”

Làm việc tại nhà và làm việc ở văn phòng

Khi mới kinh doanh, bạn nên xem xét việc làm việc tại nhà. Dù không phải là điều kiện lý tưởng nhưng nếu gặp khó khăn trong một vài tháng thì bạn cũng không phải lo lắng về tiền thuê nhà hay những chi phí khác kèm theo.

David Jones thành lập công ty máy tính DMA Design ở trong phòng riêng khi còn là một sinh viên khoa tin học. Khoản tiền bản quyền của hai trò chơi đầu tiên đã giúp anh tiếp tục phát triển trò chơi thứ ba - trò chơi Lemmings. Chỉ trong vài ngày trò chơi này đã bán được 60.000 phiên bản và tiếp tục trở thành trò chơi bán chạy nhất trên toàn thế giới.

Điều quan trọng là bạn cần phải tách bạch rõ ràng giữa cuộc sống gia đình và công việc. Nếu có thể, hãy dành một phòng làm việc riêng. Có một bí quyết khác là “đi ra khỏi nhà”. Trước khi bạn bắt đầu làm việc, hãy ra khỏi nhà và đi bộ. Đây là cách thức tuyệt vời để bạn phân chia hai nửa cuộc sống của mình.

Nếu phải thuê văn phòng hoặc thuê mặt bằng, đừng thuê địa điểm ở khu trung tâm đắt đỏ. Trừ phi bạn là một doanh nghiệp bán lẻ, thông thường bạn phải đến với khách hàng chứ không phải ngược lại.

Bí quyết doanh nhân: Thận trọng khi ký kết hợp đồng dài hạn

Bạn không thể rút khỏi hợp đồng ngay cả khi doanh nghiệp đã ngừng hoạt động.

Tất nhiên, làm việc tại nhà có thể gây rắc rối cho bạn khi phải nhận thêm nhân viên:

Tôi nhớ cuộc phỏng vấn nhân viên đầu tiên khi còn làm việc tại nhà. Tôi đã tìm mọi cách che cái giường ở góc phòng. Suốt buổi phỏng vấn tôi cứ phải tự nhắc mình: “Đừng có nhìn vào cái giường, đừng có nhìn vào cái giường…”

Tránh hình thức công ty hợp danh

Nhiều người muốn thành lập công ty hợp danh để giảm thiểu rủi ro. Họ cho rằng họ có những kỹ năng có thể bù đắp cho nhau nhưng lý do chủ yếu là họ sợ phải tự mình làm mọi việc.

Tôi muốn đưa ra lời cảnh báo. Tôi đã chứng kiến khá nhiều doanh nghiệp thành công rồi lại tan vỡ vì những cộng sự xung khắc nhau. Nguyên nhân là do doanh nghiệp nhỏ có thể gây áp lực lớn cho mọi người và qua thời gian, các cộng sự ngày càng rời xa nhau. Điều này cũng giống như việc kết hôn với người đầu tiên bạn hẹn hò. Hãy kiểm tra lại:

  • Hãy thành thật với bản thân. Bạn muốn thành lập công ty hợp danh vì lo lắng? Thực tế còn có những cách khác dễ dàng hơn như xây dựng mạng lưới hỗ trợ.

  • Nếu bạn làm điều này vì những lý do chiến lược, ví dụ như các bạn có những kỹ năng có thể bù đắp cho nhau, vậy hãy lập một bản thỏa thuận hợp danh rõ ràng, chi tiết ngay từ đầu. Bản thỏa thuận này quy định rõ ràng trách nhiệm của bạn cùng cộng sự (một hoặc nhiều hơn) và những việc bạn phải làm nếu có thay đổi trong tương lai. Điều này giống như việc làm một hợp đồng trước hôn nhân nhưng rõ ràng là về sau nó sẽ có ích cho bạn.

Có một ngoại lệ cho trường hợp này:

Hợp danh với vợ/chồng/người yêu: Dù đi ngược với logic kinh doanh nhưng trong thực tế cách này lại hoạt động khá tốt. Tôi đã thấy khá nhiều công ty hợp danh của vợ/chồng đem lại hiệu quả trong cả cuộc sống cá nhân và kinh doanh. Có thể là do bạn đã quyết tâm phải thành công.

Tuy nhiên, việc này cũng tạo ra căng thẳng khi mới bắt đầu:

“Điều khó khăn nhất với tôi là làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình cũng như đưa ra quyết định rạch ròi khi bạn đang làm việc với người bạn đời. Xung đột tình cảm có thể xảy ra hoặc phá vỡ mối quan hệ kinh doanh giữa hai người. Và tôi rất muốn có một cuốn sách có thể trình bày những rủi ro về tình cảm khi kinh doanh theo kiểu này.” (Mark)

Nếu bạn nhận ra những rủi ro này thì bạn có thể làm một số việc để giải quyết chúng:

  • Luôn chuyên nghiệp: coi nhau như những đồng sự. Có một bản miêu tả công việc rõ ràng về giới hạn, vai trò và trách nhiệm của từng người. Điều này giúp các bạn dễ dàng nói chuyện với nhau – bạn sẽ không gọi vợ/chồng là “kẻ vô tích sự, nuôi tốn cơm gạo”. Hãy biết kiềm chế để không nói ra những lời như thế.

  • Công việc là công việc. Một cặp vợ chồng viết một dòng chữ trên sàn bếp: “Không bàn đến công việc trong bếp”. Đó là một ý kiến hay, vì nếu không thì những lo lắng công việc sẽ luôn theo bạn ở mọi nơi.

  • Nếu có nhân viên, hãy tính cả họ vào quá trình trao đổi thông tin. Hãy nhớ, những nhân viên này luôn cảm giác có một thế giới bí mật ở đâu đó trong bếp, nơi những quyết định thật sự được đưa ra. Luôn đưa ra báo cáo và thường xuyên tổ chức các cuộc họp.