10 Lời Khuyên Khởi Nghiệp

Chương 4: Làm Thế Nào Trở Thành Doanh Nhân?

Theo Từ điển tiếng Anh Collin, từ “doanh nhân” bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp là “đảm nhiệm” - có từ thế kỷ XIX. Định nghĩa chính xác là:

Người chủ một doanh nghiệp sử dụng sự mạo hiểm và sáng kiến để tạo ra lợi nhuận.

Muốn trở thành doanh nhân, bạn phải dành thời gian cho hai việc:

• mạo hiểm

• sáng kiến

Hãy trở thành người sẵn sàng mạo hiểm

Tôi đã phải bỏ học một bằng kinh tế. Tuy nhiên, có một công thức kinh tế cơ bản luôn hiện lên trong đầu tôi giữa những lúc ngủ gà ngủ gật:

Lợi nhuận là phần thưởng cho sự mạo hiểm.

Để thành công, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm.

Sự mạo hiểm rõ ràng nhất mà ai cũng nhìn thấy là mạo hiểm tài chính. Nhưng còn có một sự mạo hiểm lớn hơn mà không ai dám thú nhận. Đó là nỗi sợ hãi vì mình trở nên khác biệt với đám đông. Đó là nỗi sợ bị những người xung quanh đánh giá. Đó không phải là nỗi sợ thất bại, đó là nỗi sợ bị đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và hàng xóm thấy mình thất bại, sợ bị coi là ngu ngốc. Xét cho cùng, đó là nỗi sợ bị từ chối. Nỗi sợ này là rào cản lớn nhất trên con đường trở thành doanh nhân.

Công việc kinh doanh đầu tiên của tôi là làm cuốn kỷ yếu cho năm học cuối ở trường đại học. Đó là một cuốn sách tồi vì có khá nhiều hình chưa được chỉnh sửa, một vài từ ngữ thô tục. Tôi đầu tư khoảng 1 nghìn bảng để in cuốn kỷ yếu này.

Rồi ngày tốt nghiệp cũng tới. Tôi dựng một quầy hàng và đứng bán, mỉm cười và căng thẳng chờ đợi người đến mua sách. Người đầu tiên xuất hiện là một học giả ăn mặc nhếch nhác trông như Herman Munster1. Ông ta nhặt một cuốn kỷ yếu lên, xem qua một lượt trong khi tôi đang căng thẳng quan sát phản ứng của khách hàng đầu tiên. Ông ta quăng nó trở lại bàn và nói: “Thật tồi tệ! Một sự ô nhục tên tuổi của trường. Tôi sẽ khiến việc này phải chấm dứt ngay lập tức.” Ông ta quay lưng và lê bước đi.

Tôi không nghe nói hay gặp lại ông ta nữa. Tiếp đó rất nhiều sinh viên kéo đến và mua (hay chính xác hơn là phụ huynh của họ). Tôi kiếm đủ tiền trả cho nhà in và công việc kinh doanh đầu tiên thành công.

Nhưng tôi cũng thật sự lo lắng. Những nhận xét của ông ta đã khiến tôi rất thất vọng và nhiều năm sau, tôi vẫn còn nhớ đến cảm giác sợ hãi của ngày hôm đó.

Thật không may, đây không phải là mạo hiểm duy nhất của việc đi vào phòng và nói với ông chủ rằng bạn nghỉ việc. Bạn phải trở thành người luôn chấp nhận mạo hiểm trong kinh doanh.

• Rủi ro trong việc tạo ra sản phẩm/dịch vụ khác biệt.

• Rủi ro với chiến dịch marketing và quảng cáo để có cơ hội nhanh chóng vượt qua những lời đồn đại thị phi.

• Đối mặt với những sự từ chối không thể tránh khỏi khi bán ý tưởng của mình.

Nhưng bạn có thể học cách xử lý vấn đề tốt hơn. Làm doanh nhân là vấn đề về hành vi và chúng ta có thể thay đổi hành vi. Ngay khi vượt qua được nỗi sợ phát biểu trước đám đông, chúng ta có thể học cách trở thành những người dám đương đầu với rủi ro. Các nhà tâm lý ước tính là cần khoảng 7 đến 21 ngày để tạo lập một thói quen hoặc hành vi mới, vậy tại sao bạn không thực hành một vài bài tập dưới đây?

Bài tập 1: Loại bỏ những người cản trở bạn

Tôi đang làm tư vấn marketing cho nhà sáng lập của một công ty máy tính thành công. Đây là người có thể nói chuyện cả đêm. Ông nồng nhiệt và có nhiều câu chuyện hay về thuở sơ khai của máy tính, việc cùng uống rượu với Bill Gates, về lúc mới thiết lập hệ thống vệ tinh nhân tạo. Nhưng khi nhìn vào hình ảnh công ty và marketing thì quả thật rất ảm đạm, tẻ nhạt và bình thường.

Tôi hỏi: “Sao ông không dành lòng nhiệt tình và sáng tạo cho công việc kinh doanh?” Ông nói: “Chúng tôi có một khách hàng là McTaggarts of Dundee. Đây là một công ty gia đình và có lịch sử hoạt động hàng trăm năm. Đối với chúng tôi, họ rất quan trọng và chúng tôi luôn phải mặc những bộ com-le và cà-vạt chỉnh tề, nếu không họ sẽ không giao dịch với chúng tôi nữa.”

Như vậy, họ đã để cho khách hàng McTaggarts of Dundee điều khiển hoạt động của họ dành cho 99% khách hàng còn lại, đồng thời cản trở sự phát triển của chính công ty.

Vấn đề là chúng ta đều có những khách hàng như McTaggarts.

Họ có thể là những khách hàng đã chỉ trích chúng ta, những người bạn luôn cảm thấy khó chịu vì chúng ta thành công hơn họ, những người thân không muốn chúng ta bị tổn thương, những thầy cô giáo phiến diện hay người bạn đời lo lắng vì các khoản thế chấp.

Một vấn đề khác là chúng ta đã nghe họ nói và chấp nhận những hạn chế của họ. Họ khiến chúng ta không thể suy nghĩ và hành động năng động và hiệu quả. Họ khiến chúng ta không thể suy nghĩ khác biệt, sáng tạo và theo hướng kinh doanh. Vì vậy, chúng ta phải loại bỏ họ. Tất nhiên, không phải là theo nghĩa đen, mà phải thông qua những bước sau.

Phương pháp: Thực hành bài tập khiến những lời chỉ trích biến mất theo những bước sau:

Những người cản trở Tình huống Suy đoán Căn cứ? Lý do thật sự
Ví dụ: Quản lý bộ phận marketing tại ột công ty hàng đầu* Tôi có một cuộc gọi chào hàng và khách hàng thô lỗ với tôi Tôi cảm thấy sản phẩm không hấp dẫn anh ta x Anh ta nhận được 30 cuộc gọi chào hàng mỗi ngày và rất bận rộn
... ... ... ... ...
... ... ... ... ...
... ... ... ... ...
... ... ... ... ...
... ... ... ... ...

Cột thứ 1: Bạn cần liệt kê danh sách những người có thể cản trở bạn. Bạn có thể nhớ ngay một số người. Để mở rộng danh sách, hãy đặt những câu hỏi sau:

• Ai cười nhạo những ý tưởng của tôi hoặc khuyên tôi không nên làm những gì mình muốn?

• Gần đây có lời chỉ trích nào không và nó là của ai?

• Nếu tôi đang ở trên bục diễn thuyết và quên nội dung, tôi ghét phải nhìn thấy ai nhất trong số những khán giả kia?

• Ai khiến tôi ngần ngại khi kể về những tham vọng điên rồ nhất của mình?

• Cột thứ 2: Đối với mỗi người, miêu tả tình huống hoặc lời chỉ trích cụ thể.

• Cột thứ 3: Vào một thời điểm nào đó, điều gì khiến bạn cho rằng họ có những đánh giá như vậy?

• Cột thứ 4: Chỉ cần đánh dấu nhân: liệu họ có nói thẳng cho bạn biết không hay đó là suy đoán của bạn?

• Cột thứ 5: Điều gì khác có thể đang diễn ra trong cuộc sống của họ, tình huống hoặc tính cách nào (không phải hành vi) của bạn có thể 1728 0 TDdẫn đến những lời chỉ trích đó?

Bài tập này sẽ giúp bạn:

• Bạn sẽ nhận ra ai là người luôn phản đối và ngăn cản cuộc sống của bạn?

• Thậm chí nếu danh sách của bạn kết thúc có 20 người, họ chỉ chiếm khoảng 1% số khán giả của bạn.

• Chúng ta không bao giờ hỏi thẳng họ! Chúng ta thường suy đoán lý do cho lời chỉ trích của họ và tự kết tội mình.

• Họ có những lý do hoàn toàn khác để giải thích cho hành động và nhận xét của mình. Lời chỉ trích càng mang tính cá nhân thì càng có khả năng là do họ bị kích động bởi sự ghen tị, xấu hổ, thất vọng của bản thân chứ không phải do lỗi của bạn.

• Và trong một vài trường hợp hiếm hoi khi lời chỉ trích đúng, chúng ta cũng không cần quan tâm đến nó. Chúng ta không phải là những cái máy hoàn hảo và những điểm yếu đó lại thường là tấm gương phản chiếu của điểm mạnh khác của bạn.

Bài tập 2: Đối mặt với nỗi sợ hãi

Các doanh nhân không trở thành người dũng cảm trong chốc lát. Họ đã thực hiện từng bước một. Nhiều doanh nhân thành công chịu ảnh hưởng từ mẹ – người đã nuôi dưỡng tính cách doanh nhân cho họ từ khi còn nhỏ.

Mẹ của Richard Branson thường lái xe đưa ông đến vùng nông thôn và để ông tự tìm đường về nhà (nếu bạn có một đứa con hiếu động, tôi biết ý tưởng này thật tuyệt vời).

Còn mẹ của Bill Cullen, một doanh nhân lỗi lạc của Ireland, thường nhờ ông đi mua đồ. Sau đó, bà bảo ông mang trả lại và mặc cả với người bán hàng để lấy lại tiền.

Bằng cách ngày ngày đối mặt với nỗi sợ hãi, bạn sẽ thấy chính góc tối trong trí tưởng tượng của bạn đã nuôi dưỡng nỗi sợ hãi đó lớn mạnh lên mà thôi.

Khi tám tuổi, tôi được giao đóng một vai trong vở kịch “Murder in the Cathedral” (Kẻ giết người trong nhà thờ) của T. S. Eliot. Và điều tồi tệ là chúng tôi không thể tụ tập lại để diễn thử. Buổi trình diễn đầu tiên được tổ chức trước tất cả học sinh trong trường. Nhưng tôi vẫn chưa học thuộc lời thoại. Tôi nghĩ: “Không vấn đề gì. Mọi người cũng vậy mà và sẽ có ai đó diễn vụng về trước khi đến lượt mình.”

Chỉ có điều các học sinh khác không như vậy.

Vậy là, tôi đứng một mình trên sân khấu trước 200 bạn bè đang nhìn chằm chằm vào mình và không nói được một từ nào. Giáo viên dạy kịch nóng tính nhắc lời cho tôi… nhưng tôi vẫn không biết… ông lại nhắc lại… tôi vẫn im lặng. Trước toàn trường, ông đi lên sân khấu, mắng tôi ngay trên sân khấu và hủy buổi diễn.

Và ngày hôm nay, liệu tôi có cảm thấy run sợ khi phải nói trước đám đông không? Câu trả lời là “Không”. Sự kiện đau buồn đó có thể xảy ra với bất kỳ ai bởi so sánh với bây giờ thì ngày hôm đó chỉ như một chuyến đi bộ trong công viên mà thôi.

Trường Dạy nhảy dù của Không lực Hoàng gia Anh có một khẩu hiệu rất hay:

Kiến thức xua tan nỗi sợ hãi.

Họ bắt học viên thực hành nhiều lần việc nhảy ra khỏi một chiếc máy bay tiện nghi. Họ sẽ cho bạn nhảy từ một cái ghế băng, sau đó là từ một bức tường, rồi một giàn giáo. Cho đến khi được học nhảy từ máy bay, bạn đã chán ngấy với việc luyện tập và quăng mình nhảy khỏi máy bay mà không hề sợ hãi.

Hãy áp dụng cách làm tương tự.

• Viết ra giấy những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất có thể trong kinh doanh.

• Cố gắng tìm một phương án giải quyết chúng. Nếu đó là việc bán hàng, hãy bắt đầu thực hiện một danh sách những cuộc gọi dễ dàng. Nếu đó là việc phát biểu trước đám đông, hãy tìm đến một câu lạc bộ hoặc trường học mà bạn có thể thuyết trình và không phải lo lắng nếu bài thuyết trình đi sai hướng. Từ đây, hãy dần dần tạo ra những thử thách lớn hơn.

Bạn sẽ sớm nhận ra rằng những thứ từng làm bạn sợ hãi nhất giờ đây thật ra lại không hề đáng sợ.

Những nỗi sợ hãi trong kinh doanh: Chúng ta sẽ xem xét việc vượt qua những rào cản và nỗi sợ hãi xuyên suốt cuốn sách này. Tuy nhiên, bạn có thể quá lo lắng vì một nỗi sợ hãi cụ thể khi quyết tâm hành động. Trước tiên, hãy nhìn vào bảng hướng dẫn cách vượt qua nỗi sợ hãi và sau đó, hãy đọc tiếp cuốn sách:

Bắt đầu một công việc kinh doanh có thể gặp thất bại: Học cách chấp nhận thất bại: xem Chương 24
Cuộc gọi chào hàng và bán hàng cho người lạ: Chuẩn bị sẵn sàng cho lời từ chối: xem Chương 16
Hết tiền: Tiền là tiên là phật: xem Chương 19
Gây vốn: Người cấp vốn muốn tìm kiếm điều gì: xem Chương 10

Bài tập 3: Trở thành người nhập cư

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều doanh nhân thành công lại là những người nhập cư. Lý do là gì? Họ không có những tình cảm và bị tổn thương vùng đất mới. Họ có thể phá vỡ các quy tắc, mắc nhiều sai lầm và không phải lo lắng về việc những người hàng xóm ngó qua hàng rào và nói: “Anh ta không có công việc nào thích hợp hơn hay sao?”

Nếu bạn không thể đi sang một vùng khác, có một vài cách giúp bạn trở thành “người nhập cư ảo” kể cả ngay trong gia đình mình:

Steve Jobs được công ty máy tính Apple mời làm việc nhằm giúp công ty phát triển. Ông lo lắng rằng tư tưởng đang thịnh hành không ủng hộ sự đổi mới. Vì vậy, ông thành lập một nhóm lấy tên là “SkunkWorks”. Nhóm này làm việc ở một tòa nhà khác, không tiếp xúc hay nói chuyện với những nhân viên khác của công ty. Thậm chí, họ còn treo một lá cờ của những tên cướp biển trên nóc nhà. Cuối cùng, nhóm đã cho ra đời sản phẩm máy nghe nhạc iPod.

Bài học rút ra là, bạn đừng nói về những kế hoạch của mình cho gia đình hay bạn bè. Nếu bạn muốn thảo luận, hãy nói cho người mà ý kiến của họ không làm bạn bận tâm.