Tôi chưa bao giờ có ý định viết cuốn sách này. Nó xuất phát từ bài diễn văn mà tôi chưa bao giờ muốn đọc. Tôi tạo ra cả hai vì mặc cảm tội lỗi, đến giờ mà tôi vẫn còn run vì đã làm thế. Để tôi giải thích cho các bạn hiểu.
Cách đây hai năm, trường Holy Cross ở Worcester bang Massachusetts mời tôi phát biểu trong lễ phát bằng. Tôi ghét đọc diễn văn, ghét vì sợ. Dù có đọc bao nhiêu bài diễn văn đi nữa thì việc ấy cũng không dễ dàng hơn. Viết gì đây? Tôi thấy căng thẳng trước mấy tháng trời. Sao lại có người muốn nghe những điều tôi nói nhỉ? Phải nói gì bây giờ? Tôi hình dung ra đủ thứ tai họa có thể xảy ra. Lỡ có một con ma xuất hiện khiến tôi dựng tóc gáy lên , rồi thổi bay bài phát biểu của tôi đi thì sao? Chưa hết: lỡ tôi nói nghe như một con đại ngốc thì sao? Nếu tôi từ chối thì sao nhỉ? ( Tôi biết, tôi biết). Nếu sợ tới mức đó, làm sao tôi có gan đứng trước máy quay truyền hình mà ba hoa trước hàng triệu người? Ấy là vì tôi không thể thấy bất kỳ ai trong số họ).
Những suy nghĩ và sợ hãi này ám ảnh tôi hàng mấy tuần trước khi phải phát biểu. Thần kinh tôi căng ra. Tôi hốt hoảng, bồn chồn, cáu kỉnh, sợ hãi. Mọi người đều hỏi, “Nếu ghét đến thế, sao từ đầu còn nhận lời phát biểu làm gì?”.
À, trong trường hợp này, cũng như thường lệ, tôi đã từ chối ngay. Khi Holy Cross gọi điện, tôi đã muốn cám ơn họ nhiều và nói “Không” một cách lịch sự. Nhưng có một vấn đề nhỏ. Các bạn biết đấy, một trong số bốn ông anh tôi đã học ở Holy Cross. Vợ anh ấy cũng học ở Holy Cross. Cả cha và mẹ tôi đều nhận học vị danh dự của Holy Cross. Và nếu thấy thế vẫn còn chưa đủ, thì cả chú tôi cũng vậy khi ông còn làm Tổng thống Hoa Kỳ.
Vị hiệu trưởng nhà trường nêu tất cả những điểm trên trong lá thư viết cho tôi. Ông liệt kê chúng theo cách mà một linh mục Thiên chúa giáo đầy kinh nghiệm thường dùng để đạt được điều mình muốn, chơi đùa với mặc cảm tội lỗi của tôi cứ như đang thổi một ống sáo kim vậy. Bức thư của ông ta là phương án A. Còn có phương án B nữa- yêu cầu các thành viên trong gia đình phải làm sao cho tôi hiểu, việc đọc bài diễn văn này đối với tôi quan trọng ghê gớm tới mức nào. Anh tôi gọi điện dọa tôi. Ui cha! Rồi mẹ tôi tham gia ý kiến. Tôi ấp úng, ậm ừ. Cũng giống mọi kẻ nhát gan thành thạo khác, tôi tránh né suốt mấy tháng trời.
Thế là, Holy Cross thực hiện phương án C. Họ viết cho tôi một bức thư ngắn nói rằng, thực ra, vì không thấy tôi trả lời, họ phải tiếp tục công việc. Ban giám hiệu rất thất
vọng, toàn bộ giảng viên rất thất vọng, và dĩ nhiên, các sinh viên chắc phải thất vọng khủng khiếp. Nhưng rõ ràng là tôi không thể hứa, nên họ phải tìm xem có ai khác coi đó là một niềm vinh dự lớn không. Tôi gọi cho mẹ. tôi gọi cho ông anh. Mọi người đều nói, nếu tôi sợ phát biểu đến mức ấy thì thôi, không sao- nhưng ôi trời ơi, họ cũng thất vọng lắm.
Thế là hiệu nghiệm. Tất cả các phương án đều hiệu nghiệm. Đúng như các phương án ấy không thể hiện ra ngoài, mặc cảm tội lỗi lớn dần trong tôi, áp lực tăng dần – cho tới khi quyết tâm của tôi vỡ tung. Các vị ĐÚNG, tất cả các vị!. Tôi thật là một người đáng ghét, vô dụng, nhút nhát khi từ chối phát biểu! Và thế là trước khi kịp nhận ra, tôi đã khẩn cầu Holy Cross làm ơn cho tôi được phát biểu trong lễ phát bằng.
Ngay khi h ọ đồng ý, tôi phát đau bao tử và quay trở lại tình trạng cực kỳ căng thẳng trước khi phát biểu. Có lẽ tôi vẫn có thể chuồn. tôi có thể đề nghị hãng NBC cử tôi đi chiến trường Nam Tư vào đúng hôm đó. Tôi có thể nói một đứa con của tôi bị ốm.
Hoặc: “ Rất lấy làm tiếc. Tôi phải đi phỏng vấn Đức giáo hoàng”. Chắc chắn một trường Thiên chúa giáo sẽ cho tôi phép miễn trừ vì lý do đó.
Tiếc thay, không kịch bản nào do tôi hình dung ra có thể xóa đi mặc cảm tội lỗi mà tôi biết mình sẽ cảm thấy, nếu không chịu xuất đầu lộ diện. Thú thật, tôi đã sái cả cổ vì cứ đi tới đi lui suy nghĩ. Rốt cuộc, tôi thôi không kháng cự nữa mà bắt tay vào hành động. Qua nhiều năm dài đối diện với nỗi sợ hãi, tôi đã học được cách duy nhất để đối phó là mở đường đi thẳng qua nó. Tôi bứt đầu suy nghĩ.
Tôi có thể nói gì với những đứa trẻ sắp rời ghế nhà trường để bước vào đời này nhỉ? Nhớ khi tốt nghiệp ở tuổi hai mươi mốt – hình như tôi đã có quá nhiều quyền chọn lựa mà lại biết quá ít về những điều thực sự sẽ xảy đến với mình. Tôi bắt đầu tự hỏi không biết đời tôi có khác đi không nếu chỉ cần tôi biết được điều NÀY, hoặc điều KIA khi ra trường. Ngay sau đó, tôi đã có trong tay một danh sách những điều NÀY, điều KIA, và một đề tài cho bài diễn văn. Nào, thử xem! Có lẽ tôi đã có thứ đủ làm cho bọn trẻ này quan tâm để ngưng chuyền bia và champagne mà chú ý lắng nghe. Trong ghi chép của tôi toàn những thứ mà tôi ước giá mình được học trước khi bước vào cuộc đời thực. Tôi viết, viết và viết, thật thú vị. Và tôi đã biết đó là bài diễn văn hay khi tôi đọc nó ở một mỹ viện, nghe xong, mọi người đã khóc và xin bản photo.
Tôi hãnh diện vì được phát biểu tại lễ phát bằng ở Holly Cross. Tôi hãnh diện vì họ mời tôi và tôi đã nhận lời, tự hào là mình đã thực sự nghĩ ra một bài diễn văn khiến mọi người xúc động. Trên hết, tôi hãnh diện là mình đã không bỏ cuộc.
Thật tình, khi tôi nói xong, người ta đứng cả dậy hoan hô. Đứng dậy vỗ tay là chuyện phổ biến trong lễ phát bằng, dĩ nhiên. Vì người ta thường thấy được giải thoát khi diễn giả kết thúc, họ tự động đứng dậy vỗ tay. Nhưng những gì diễn ra sau đó thực sự làm tôi kinh ngạc. không chỉ các sinh viên đến gặp tôi xin bản photo. Các vị phụ huynh gặp tôi mắt ngấn lệ nói, họ từng ao ước biết bao nhiêu giá được biết những điều tương tự khi ra trường. Sau khi bài diễn văn được phát trên chương trình nhịp cầu C và vài bản tin khác, tôi nhận được tràn ngập các yêu cầu về nó. Mọi nơi tôi qua, nam giới và phụ nữ đều chặn tôi lại giữa đường để nói về nó, trích dẫn một hai dòng gây ấn tượng cho họ. không xạo đâu nhé. ( Tôi thấy sửng sốt. Người ta thường ngăn tôi lại giữa đường hỏi về bắp tay của chồng tôi, hoặc nhái giọng” Tôi sẽ quay lại “ pha giọng Áo).
Thế là để đáp ứng tất cả những yêu cầu nhận được về bài diễn văn tôi chưa bao giờ muốn đọc, đây là cuốn sách mà tôi chưa bao giờ định viết. Tất cả các vấn đề đều giống như vậy. Tôi chỉ phát triển thêm ra. Bỏ cái gì vào đó giữa hai tờ bìa không phải chuyện đơn giản. Khi người ta đề nghị trả tiền để phát triển bài diễn văn thành sách – tôi chạy ngay về nhà ói một trận.
Vậy hãy ngồi lại cùng tôi trong một ngày đẹp trời ở Massachusets. Bài diễn văn ở lễ tốt nghiệp bắt đầu thế này:
Thưa toàn thể các thầy cô, các bậc cha mẹ, gia đình, bạn bè và các sinh viên tốt nghiệp. Có thể thành thật nói rằng, tôi chưa bao giờ xúc động đến mức này từ sau cái lần học được cách phát âm từ Schwarzenergger. [ Câu này gây ra một trận cười lớn].
Hai tháng trước, Cha Reedy gọi điện cho tôi hỏi:” Maria, con có tin vào tự do ngôn luận không?”. Tôi nói: “ À, có, thưa Cha, con tin”.
“Được rồi, tuyệt lắm”, Cha nói, “Vì con sẽ được phát biểu tại Holy Cross vào tháng Năm tới”.
Tài tình thật, tôi nghĩ bụng. Tôi gọi điện cho anh tôi và những người bạn lỗi lạc của anh ấy từng tốt nghiệp tại Holy Cross “ Cho tôi biết thông tin về Đức cha này đi”.
Họ nói: “ Ối chao, Cha là người cao quý. Cha là người sáng tạo, khôi hài, nhanh trí. Cha là nhà gây quỹ giỏi kỳ lạ”. Rốt cuộc, khi gặp cha hôm nay, tôi không biết nên bắt tay Cha hay hôn nhẫn nữa.
Thưa Cha Reedy, con muốn cảm ơn Cha vì đã mời con đến đây. Con vô cùng vinh dự. Trước khi tiếp tục, tôi muốn dành một phút tỏ lòng biết ơn tất cả các bậc cha mẹ có
mặt ở đây hôm nay. Tôi biết các vị đang ngập lòng tự hào, và tôi chắc các vị cũng thấy vô cùng nhẹ nhõm, vì sẽ không phải trông thấy những hóa đơn học phí kinh hoàng nữa. với tư cách bản thân cũng là mẹ của những đứa trẻ, ý kiến của tôi về việc các vị đưa con cái đến học ở đây là – yêu thương nhiều, chịu đựng nhiều, hiểu biết nhiều và tốn cực kỳ nhiều công sức. Vì vậy, tôi rất thán phục tất cả các bậc cha mẹ ở đây. Chúc mừng các vị.
V ề phần cá nhân, tôi muốn tỏ lòng biết ơn cha mẹ mình vì ông bà đã bay thẳng từ cuộc họp ủy ban Olympic đặc biệt ở Châu Âu đến đây và lúc nửa đêm. Thưa Cha, thưa Mẹ, không có gì làm con tự hào hơn là được đứng đây, trước mặt cha mẹ, nhận học vị danh dự của một trường Thiên chúa giáo và đọc diễn văn khai mạc. Con yêu cha mẹ lắm.
Tôi rất vinh dự được có mặt ở đây hôm nay, nhân dịp lễ kỷ niệm lần thứ hai mươi lăm năm ngày ra một quyết định sáng suốt nhất vê chính sách mà trường Holy Cross từng làm. Ý tôi muốn nói về hành động chói sáng từ một phần tư thế kỷ trước, đã nâng cao phẩm chất và tầm cỡ của nhà trường, đó là chấp nhận cho phụ nữ vào học. [ Câu này tạo ra cả một tràng pháo tay]. Phụ nữ có ảnh hưởng to lớn ở bất cứ chỗ nào họ có mặt. Tin tôi đi, tôi biết mình đang nói gì mà. Tôi là đứa con gái duy nhất trong gia đình có bốn con trai, và tôi biết tôi đã nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ đến mức nào – kệ họ muốn nói gì thì nói. Tôi cũng từng được cho ăn học ở trường dòng Tên trước kia chỉ dành cho nam giới, Đại học Georgetown.
V ấn đề thật sự là, thưa các quý ông, để tôi tra tấn các vị một chút nhé. Hãy nhắm mắt lại và thử hình dung Holy Cross mà thiếu phụ nữ. Kinh khủng lắm, đúng không? Chaaán lắm! Cũng như thế, hãy thử hình dung cuộc sống của các vị thiếu phụ nữ, một thời gian thôi. Cá là các vị không thể! Không có phụ nữ xung quanh, các vị sẽ không biết phải làm gì với chính mình nữa. Và tệ nhất là, các vị thậm chí còn không biết là mình không biết
– vì không có ai đứng đây nói cho các vị biết!.
Vì vậy, hãy thừa nhận chúng tôi. Phụ nữ chúng tôi đôi khi có thể than vãn và làm ra vẻ hoàn toàn thiếu tự tin, luôn sợ hãi và lo lắng. Nhưng thực ra, chúng tôi biết rõ mình dọn ra bàn món gì: cả sự Dí dỏm lẫn trí Thông minh, cả Tài năng lẫn sức Sáng tạo và Trực giác siêu phàm. Chưa kể đến Sắc đẹp, sự Tinh nhạy, Thị hiếu – và, hãy tha thứ cho tôi, cha mẹ ơi – Sáng tạo tình dục đến mức đáng kinh sợ. [ Câu này làm tất cả sinh viên đứng dậy vỗ tay.]. Tóm lại, Holy Cross, các vị đã làm một việc tốt khi để cho phụ nữ vào học.
Nhưng tôi không đến đây để nói về phụ nữ. Mục đích của tôi hôm nay là mang đến
cho mỗi người các bạn một điều gì đó mà các bạn có thể mang theo mình. Một câu hỏi sáng suốt. Một ý kiến có thể giúp các bạn trong cuộc sống sau khi rời Holy Cross. Tôi phải vật lộn mãi mới tìm ra cách thể hiện thông điệp đó. Có vài sinh viên viết thư đề nghị tôi nói về mục đích và nỗi lo lắng của họ về cuộc sống sẽ ra sao ở thế kỷ tới. Cha Reedy đề nghị tôi nói về những mánh lới trên con đường công danh, trong bổn phận làm mẹ và trong hôn nhân. Chỉ mới nghĩ đến một trong những đề tài ấy thôi là tôi đã hoảng rồi. Cha mẹ tôi đề nghị nói về công tác phục vụ cộng đồng. Anh trai tôi, Mark, từng tốt nghiệp Holy Cross, đề nghị nói toàn về anh ấy thôi là đủ.
Sau bao nhiêu khổ sở, tôi quyết định chia sẻ với các bạn danh sách mười điều đứng đầu mà tôi ước có người nói cho tôi biết khi ở vị trí của các bạn, ngồi dự lễ tốt nghiệp, tự hỏi khi nào thì bài diễn văn kết thúc quách đi cho rồi. Vậy chúng ta bắt đầu: mười
điều mà tôi ước có người nói cho tôi biết trong lễ tốt nghiệp- trước khi tôi bước vào đời.
Đó là bài diễn văn. Còn đây là cuốn sách.