Cuốn sách “Loài Plastic – Khi nhựa trỗi dậy” được thực hiện dựa trên một dự án phi lợi nhuận về môi trường triển khai từ tháng 07/2019. Trong suốt quá trình diễn ra, dự án này đã thu hút được đông đảo sự chú ý từ cộng đồng với nhiều hoạt động ý nghĩa, hữu ích. Bằng cách tiếp cận thú vị, nhóm tác giả đã biến “nhựa” từ những đồ vật vô tri vô giác trở thành những loài sinh vật mang hình dáng, có vùng lãnh thổ, tập tính, tuổi thọ.
Nhựa được chia thành bảy gia tộc với những đặc điểm riêng và 32 loài dùng một lần phổ biến trong đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, sách còn nêu lên thực trạng đáng báo động của rác thải nhựa trên toàn thế giới và những biện pháp khắc phục vấn đề này của một số quốc gia.Từ đó, độc giả sẽ có được nhiều thông tin hữu ích, những kiến thức cần biết về tác hại của các sản phẩm làm từ nhựa.
Một cuốn sách cũng mang đến nhiều thông tin hữu ích về vấn đề môi trường đó chính là “Sống xanh rồi mới sống nhanh” của tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh Hương. Dưới góc nhìn tích cực, cuốn sách được viết nên với mục đích nhằm cổ vũ, thúc đẩy bạn đọc bước vào con đường sống xanh, thân thiện với môi trường. Từng tham dự Diễn đàn về Thanh niên và Phát triển bền vững và gặp gỡ được nhiều nhân vật truyền cảm hứng, tác giả đã quyết định theo đuổi lối sống xanh nhằm đem lại một cuộc sống hoàn thiện và ý nghĩa hơn. Đây cũng là nguồn động lực để tác giả viết nên cuốn sách này với mong muốn chia sẻ đến mọi người hành trình sống xanh.
Cuốn sách được chia làm 5 phần với mỗi phần là những trải nghiệm chân thật, gần gũi của một người trong quá trình thực hành lối sống giảm rác thải, qua đó, hướng độc giả tới những thói quen tốt đối với môi trường. Ngoài ra, tác phẩm cũng đi sâu vào những phương pháp xử lý và tái chế rác một cách tối ưu.
Xã hội hiện đại mang lại nhiều lơi ích cho con người nhưng kéo theo đó cũng có không ít những hậu quả. Điển hình là vấn đề môi trường. Nhìn nhận được điều đó, những cuốn sách viết về môi trường đã đem đến cho độc giả những kiến thức bổ ích và những phương pháp bảo vệ môi trường hiệu quả.