Người phục chế sách cũ cuối cùng

751 lượt xem | thứ hai, 26/10/2020 - 13:05

Phục chế sách, cái nghề mà mấy ai có thể gìn giữ được khi mà xã hội hiện đại đi lên, phát triển từng ngày với những xu hướng mới. Thế nhưng, ở đâu đó trong một ngôi nhà nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn có một người đàn ông miệt mài với những cuốn sách bên cái nghề “cũ” này.

Người đàn ông đó là Võ Văn Rạng, sinh năm 1960, quê gốc ở Tây Ninh và hiện tại sống ở Sài Gòn. Đến với nghề phục chế sách, đó hẳn cũng là một cơ duyên đối với ông. Ngay từ khi còn là học sinh, ông Rạng đã có niềm đam mê to lớn đối với sách. Sau, ông có đi làm phụ cho những người phục chế sách, biết được nghề này và bắt đầu làm từ đó cho đến bây giờ. 

Đối với ông, sách là một phần quan trọng trong cuộc đời. Suốt những năm tháng đi theo nghề này, ông cũng không nhớ rằng mình đã phục chế bao nhiêu cuốn sách, chỉ biết, nó rất nhiều, có lẽ tới hàng trăm hay hàng chục ngàn cuốn sách cũ. Trước kia, Sài Gòn cũng có khoảng 10 cơ sở đóng sách nhưng tất cả đều đã nghỉ cho đến hiện tại. Khi mới bắt đầu làm nghề, ông tự tìm đến những nơi bán sách cũ và nhận sách về làm. Nhưng lâu dần, nhiều người đã biết và tìm đến ông để phục chế những cuốn sách cũ hoặc tài liệu quan trọng.

 Thu nhập của ông từ công việc này cũng không hẳn là nhiều hoặc dư dả, một cuốn từ khoảng 50.000 cho đến 100.000 đồng tùy theo hiện trạng của sách. Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và cẩn thận đến từng chút một. Không phải chỉ riêng vì yêu cầu của khách nên ông mới tỉ mỉ trong từng cuốn sách mà còn vì tình yêu sâu sắc với chúng. Có những cuốn sách cũ hỏng, ông phải dò từng trang để làm đúng hoặc thậm chí làm tốt hơn. 

“Nhìn nhiều cuốn sách thấy te tua, cũ nát hết cả thì muốn bệnh luôn. Về là tháo ra, sắp xếp lại từng trang, dán những chỗ rách hay may lại. Cuốn nào hư ít làm mau, hư nhiều làm lâu. Ngày cao là 5 cuốn còn trung bình 2 cuốn”.

Tình yêu nghề, tình yêu sách như đã ăn sâu vào bản năng và con người của ông. Điều đó hẳn cũng dễ hiều bởi sự cũ kĩ của những cuốn sách thường đem đến cho con người ta một cảm giác hoài cổ, nhẹ nhàng và sâu lắng đến lạ!