Xuất bản lần đầu năm 1908, sách là tập hợp những bài viết của tác giả đã được đăng lên Tạp chí Đông Dương trước đó về Bắc kỳ trên hành trình nghiên cứu và trải nghiệm cuộc sống nơi đây. Các chủ đề được tác giả khai thác và đi sâu đó chính là tổ chức xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán và nếp sống thường nhật của người dân Bắc kỳ trong khoảng cuối thế kỷ XIX. Trong đó, nhiều khía cạnh được tác giả đề cập đến như tổ chức làng xã, gia đình, trò giải trí và nghề nghiệp, thực phẩm, y học dân gian, các trò mê tín…
Đặc biệt, theo như ghi chép của tác giả trong cuốn sách, người dân nơi đây thời xưa thường chịu ảnh hưởng của rất nhiều điều mê tín. Điển hình như trong việc sinh con, để tránh việc đứa trẻ sinh ra quá lớn, thai phụ phải kiêng cữ nhiều điều như uống một ít nước trước mỗi bữa ăn, không được ăn vào ban đêm. Khi vợ mang thai, người chồng không được phép đóng đinh lên tường vì điều này dẫn đến kỳ sinh nở chậm trễ. Hay tục lệ săn lùng sợi xích từng xiềng tử tù để đeo vào cổ trẻ em hoặc đánh thành kiềng đeo chân, đeo tay để trừ tà.
Bên cạnh nội dung hấp dẫn, có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, cuốn sách cũng in kèm nhiều tranh minh họa, thuận lợi cho việc miêu tả và hình dung cuộc sống sinh hoạt thường ngày, các hoạt động giải trí cũng như pháp luật. Hầu hết những bức tranh minh họa này và những ghi chép của cuốn sách đều đã trở thành một phần tài liệu quan trọng đối với việc tìm hiểu văn hóa- lịch sử nước ta.
Gustave Dumoutier (1850 - 1904) là một nhà Việt Nam học người Pháp có niềm đam mê nghiên cứu sâu sắc đối với văn hóa-lịch sử Việt Nam. Đầu năm 1886, ông đến Hà Nội theo lời đề nghị của Tổng trú sứ Paul Bert và chịu trách nhiệm thanh tra các trường Pháp - Việt. Sau đó, ông trở thành giám đốc Học chính Trung - Bắc kỳ. Đầu thế kỷ XX, ông là học giả tiên phong thực hiện các nghiên cứu về văn hóa dân gian Việt Nam.